TỔ LĂNG TRIỀU MINH
Tổ lăng
祖陵 của triều Minh toạ lạc tại thôn Minh Lăng 明陵 làng Nhân Tập 仁集
huyện Hu Di 盱眙 tỉnh Giang Tô 江苏
(phía bắc thành Tứ Châu 泗州 thời cổ), là y quan
trủng 衣冠冢 (1) của cao tổ, tằng tổ và tổ phụ của Chu Nguyên Chương, 朱元璋cũng là nơi an táng thực tế tổ phụ.
Năm
1368, sau khi Chu Nguyên Chương kiến lập triều Minh đã truy tôn cao tổ Chu Bách
Lục 朱百六 là Huyền Hoàng Đế 玄皇帝,
tằng tổ Chu Tứ Cửu 朱四九 là Hằng Hoàng Đế 恒皇帝,
tổ phụ Chu Sơ Nhất 朱初一 là Dụ Hoàng Đế 裕皇帝.
Năm 1385, lệnh cho hoàng thái
tử Chu Tiêu 朱标 xây dựng Tổ lăng, táng mũ và trang phục của tam đại đế
hậu là cao tổ, tằng tổ và tổ phụ.
Năm 1387, cất Hưởng điện 享殿, Phối điện 配殿, dựng tượng đá.
Năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 11 (1413), lại xây dựng thêm một số kiến trúc như
Linh Tinh môn 棂星门, vi tường 围墙, thần trù 神厨, thần khố 神库, tể sinh đình 宰牲亭, tỉnh đình 井亭, triều phòng 朝房, cụ phục điện 具服殿,
Phụng từ nha 奉祠衙, canh phòng 更房, ma phòng 磨房, Hạ mã kiều 下马桥. Tổng bố cục có
hình chữ nhật với 3 vòng thành: thành ngoài là Thổ thành 土城 (thành đất), dài khoảng 4.6km, gần bằng với thành Tứ
Châu 泗州 lúc bấy giờ; ở giữa là Chuyên thành 砖城 (thành gạch), dài khoảng 2km, có 4 cửa, thần đạo cùng
thạch khắc đều ở trong thành; thành bên trong là Hoàng thành 皇城, có dũng lộ thẳng đến lăng tẩm. Chung quanh thành trồng
70000 cây tùng, có 149 khoảnh tế điền, lập cơ quan quản lí Từ tế thự 祠祭署 to lớn, đồng thời thực hành vệ binh, canh giữ từng gốc
cây ngọn cỏ nơi đây.
Tổ lăng
triều Minh tuy là “phong thuỷ bảo địa” do Chu Nguyên Chương khâm định, nhưng
cũng chống không lại thần lực của tự nhiên. Từ giữa đời Minh về sau, nước sông
Hoài dâng cao, Tổ lăng gặp phải nạn hồng thuỷ. Triều đình phái Thượng thư bộ
Công đến phòng hộ, tuy hao tốn tiền bạc cực lớn nhưng không trị được tận gốc.
Năm Khang Hi 康熙 thứ 19 (1680), một trận đại thuỷ tai, nhấn chìm Tứ
Châu cổ cùng toàn bộ Tổ lăng xuống hồ Hồng Trạch 洪泽,
từ đó chìm sâu dưới nước đến 300 năm.
Sau năm
1962, mực nước hồ Hồng Trạch rút xuống, xuất hiện ra thạch khắc mộ lăng, đình
đài điện vũ vốn có đã bị huỷ hoại không còn. Thời “văn cách”, một số kẻ quá
khích với chiêu bài “phá tứ cựu” đã đạp nát thạch khắc. Khi Tổ lăng triều Minh
sắp sửa gặp phải vận ách, đột nhiên trời giáng trận mưa to, một lần nữa đem Tổ
lăng “tiễn” xuống đáy hồ. Chỉ trong một đêm, dấu vết Tổ lăng không còn tăm dạng,
khiến Tổ lăng được cứu.
Năm
1976, Tổ lăng triều Minh lại tái xuất hiện, nhà nước nhiều lần bỏ kinh phí duy
tu, hoạch định khu vực lăng 50000m2, chiếm 530 mẫu, xây đê ngăn nước dài
2767km, hoàn thiện hệ thống thoát nước. Chỉnh lại tượng người bằng đá, tượng
thú bằng đá, 21 cặp trụ đá, làm cho chỉnh thể Tổ lăng hoàn toàn xuất lộ khỏi mặt nước. Thạch khắc ở Tổ lăng vận dụng kĩ pháp
phù điêu, bán phù điêu, mang phong cách Đường Tống. Đường nét chạm khắc sinh động,
kì lân khí phách hùng vĩ, sư tử hình dạng khác thường, uy vũ mạnh mẽ. Quan văn
đầu đội ô sa, eo mang đai ngọc, tướng mạo đường đường. Tướng võ thân mặc áo
giáp, tay cầm bảo kiếm, uy phong lẫm lẫm. Tuy bị chìm trong nước 300 năm, nhưng
hoa văn còn rõ nét, ngay cả miệng của ngựa, lông trên thân sư tử vẫn thấy từng
tí một, tượng rất có khí thế, sống động như thật, có thể nói là đứng đầu trong
số thạch khắc đời Minh. Đi theo Thần đạo dài 250m, có thể thấy di tích Linh
Tinh môn, trụ đá của Hưởng điện, rồi thẳng đến mộ huyệt ở Vạn Tuế sơn 万岁山. Trải qua công việc thăm dò, hiện còn tồn 9 cửa đá với
mái đỉnh bằng gạch, đây chính là cung điện dưới lòng đất.
Tổ lăng
triều Minh kề núi gần nước, đứng trên đê nhìn ra xa, sóng nước lấp lánh, điểm
những cánh buồm bạc, cây cỏ rậm rạp tốt tươi, tiếng chim ríu rít, cổ kim tương
chiếu, rất hùng vĩ tráng quan.
Chú của người
dịch
1- Y quan trủng
衣冠冢: tức mộ táng những vật phẩm của người mất như mũ nón, trang phục… chứ
không phải di thể của người mất, do bởi di thể không tìm thấy hoặc được táng một
nơi khác, nơi đây lập y quan trủng để kỉ niệm.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/11/2015
Nguyên tác Trung văn
TỔ LĂNG
祖陵
trong quyển
MINH ĐẠI THẬP BÁT LĂNG
明代十八陵
Tác giả: Hoàng Liêm 黄濂
Đại Liên xuất bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật