Dịch thuật: Câu Tiễn rốt cuộc có "ngoạ tân thường đảm"

CÂU TIỄN RỐT CUỘC CÓ “NGOẠ TÂN THƯỜNG ĐẢM”?

          Câu chuyện lịch sử Việt Vương Câu Tiễn 勾践 “ngoạ tân thường đảm” 卧薪尝胆 (nằm gai nếm mật), mọi người ai cũng biết. Câu chuyện này kể rằng:
          Truyền thuyết vào thời Xuân Thu, trong một trận đánh, nước Ngô đánh bại nước Việt, quân Ngô bao vây Câu Tiễn tại núi Cối Kê 会稽, khiến Việt Vương không còn đường thoát phải nhẫn nhục cầu hoà. Từ đó, nước Việt trở thành thần quốc của nước Ngô, đồng thời bị nước Ngô khống chế. Việt Vương Câu Tiễn phục dịch trong cung điện nước Ngô 3 năm như một tên nô lệ. Về sau Ngô Vương miễn tội cho Câu Tiễn, cho về lại nước. Để không quên nỗi nhục mất nước, báo thù rửa hận, Câu Tiễn đã treo trên xà nhà một trái mật đắng, bất luận ra hay vào, ngồi hay đứng, ngay cả lúc ăn cơm hay khi đi ngủ cũng đều nếm qua, nhằm khích lệ ý chí chiến đấu của mình; Câu Tiễn cũng không dùng sàng, không dùng chăn đệm, khi mệt liền nằm nghỉ trên chiếc “sàng” được chất bằng củi, lấy đó để rèn luyện gân cốt. Nước Việt cuối cùng diệt được nước Ngô, chính là nhờ sự khổ luyện hơn 10 năm của Câu Tiễn đồng thời thực hành các biện pháp đắc lực.
          Nhưng Việt Vương Câu Tiễn trong lịch sử có thật dùng qua hai cách “ngoạ tân” và “thường đảm” để khích lệ bản thân mình?
          Đầu tiên nhìn từ các điển tịch lịch sử, niên đại thành sách của Tả truyện 左传 Quốc ngữ 国语 tương đối sớm, hơn nữa sự thực lịch sử được ghi chép trong đó tương đối đáng tin, nên có giá trị tham khảo. Nhưng trong hai quyển này, bất luận là quyển nào, khi thuật lại sự tích của Câu Tiễn, về cơ bản đều không ghi chép hành vi nằm gai và nếm mật của Việt Vương Câu Tiễn. Ngoài ra, ở Việt Vương Câu Tiễn thế gia 越王勾践世家  trong Sử kí 史记, Tư Mã Thiên 司马迁 nói rằng:
          Ngô kí địch Việt, Việt Vương Câu Tiễn phản quốc, nãi khổ thân tiêu tư, trí đảm vu toạ, toạ ngoạ tức ngưỡng đảm, ẩm thực diệc thường đảm dã.
          吴既敌越, 越王勾践反国, 乃苦身焦思, 置胆于坐, 坐卧即仰胆, 饮食亦尝胆也.
          (Khi nước Ngô đã làm chủ  nước Việt, Việt Vương Câu Tiễn được trở về lại nước mình, bèn lao khổ thân mình, hao tổn tâm trí, treo túi mật bên cạnh chỗ ngồi, lúc ngồi lúc nằm đều ngước nhìn, khi ăn uống cũng nếm mật.)
Nhưng không nói đến việc Việt Vương Câu Tiễn nằm gai.
          Thời Đông Hán, Viên Khang 袁康, Ngô Bình 吴平 viết Việt tuyệt thư 越绝书; Triệu Việp 赵晔 viết Ngô Việt Xuân Thu 吴越春秋, hai quyển này tuy chuyên ghi chép lại lịch sử của hai nước Ngô Việt thời Xuân Thu, nhưng chỉ là lấy lịch sử thời Tiên Tần làm cơ sở, thêm vào sự tưởng tượng hoang đường của các tiểu thuyết gia.
          Trong Việt tuyệt thư chưa đề cập việc nằm gai nếm mật; ở Câu Tiễn quy quốc ngoại truyện 勾践归国外传  trong Ngô Việt Xuân Thu cũng chỉ nói:
Huyền đảm tại hộ ngoại, xuất nhập phẩm  thường, bất tuyệt vu khẩu
悬胆在户外, 出入品尝, 不绝于口
(Treo túi mật ở ngoài phòng, ra vào đều nếm, không lúc nào thôi)
          Căn bản không có việc nằm gai. Từ đó có thể thấy, trong Sử kí thời Tây Hán xuất hiện sớm nhất việc nếm mật của Việt vương; còn trong sử liệu thời Đông Hán vẫn chưa xuất hiện việc nằm gai.
          Có người khảo chứng, trong Nghĩ Tôn Quyền đáp Tào Tháo thư 拟孙权答曹操书 của Tô Thức 苏轼 thời Bắc Tống, câu “ngoạ tân thường đảm”卧薪尝胆 lần đầu tiên được sử dụng như một thành ngữ. Nhưng bức thư này khi Tô Thức khởi thảo mang tính vui đùa, nội dung trong thư không liên quan gì đến Câu Tiễn, mà là giả tưởng Tôn Quyền từng “toạ tân thường đảm” 坐薪尝胆 lúc ba nước bình phân thiên hạ.
Thời Nam Tống, Lữ Tổ Khiêm 吕祖谦 trong Tả Thị truyền thuyết 左氏传说 từng nói đến sự việc “toạ tân thường đảm”, nhưng nói về Ngô Vương. Trương Phổ 张溥 đời Minh trong Xuân Thu liệt quốc luận 春秋列国论 cũng nói:
Ngô Vương tức vị, ngoạ tân thường đảm
吴王即位, 卧薪尝胆
(Ngô Vương lên ngôi, nằm gai nếm mật)
Về sau, trong hai quyển Tả truyện sự vĩ 左传事纬Dịch sử 绎史 đều nói Ngô Vương Phù Sai 夫差 nằm gai nếm mật. Nhưng đồng thời với đó, Chân Đức Tú 真德秀 thời Nam Tống trong Mậu Thìn tứ nguyệt thướng điện tấu trát 戊辰四月上殿奏札, Hoàng Chấn 黄震 trong Cổ kim kỉ yếu 古今纪要Hoàng Thị nhật sao 黄氏日抄 lại nói là Việt Vương Câu Tiễn từng nằm gai nếm mật. Nhưng, sau khi Tô Thức thời Bắc Tống đề xuất cụm từ “ngoạ tân thường đảm”, sự kiện này rốt cuộc là của Phù Sai hay là Câu Tiễn, từ thời Nam Tống mãi đến đời Minh vẫn chưa có kết luận. Cuối đời Minh, trong kịch bản truyền kì Hoán sa kí 浣纱记, Lương Thìn Ngư 梁辰鱼 đã tô vẽ thêm hai việc nằm gai và nếm mật của Câu Tiễn. Ngô Thừa Quyền 吴乘权 đầu đời Thanh trong Cương giám dị tri lục 纲鉴易知录 viết rằng:
Câu Tiễn bạn quốc, nãi lao kì ngưng tư, ngoạ tân thường đảm
勾践叛国, 乃劳其凝思, 卧薪尝胆
(Câu Tiễn về lại nước, bèn lao khổ lo liệu, nằm gai nếm mật)
          Về sau, tác gia Phùng Mộng Long 冯梦龙 cuối đời Minh trong tiểu thuyết lịch sử Đông Chu liệt quốc chí 东周列国志 nhiều lần nói đến chuyện Câu Tiễn nằm gai nếm mật, đến hiện nay, câu chuyện Câu Tiễn nằm gai nếm mật đã lưu truyền rộng rãi. Nhưng tính chân thực của nó cần được khảo chứng.
          Có một số học giả cho rằng, ở Câu Tiễn quy quốc ngoại truyện 勾践归国外传 trong Ngô Việt Xuân Thu 吴越春秋 sớm có từ thời Đông Hán đã có ghi chép chuyện Việt Vương Câu Tiễn “ngoạ tân”. Nói rằng, Câu Tiễn lúc bấy giờ
Khổ thân tiêu tư, dạ dĩ kế nhật, dụng liễu công chi dĩ mục ngoạ
苦身焦思, 夜以继日, 用蓼攻之以目卧
          (Lao khổ thân xác, lo lắng suy nghĩ, lấy đêm nối ngày, mắt muốn nghỉ ngơi nhưng dùng rau liễu để công phá)
Mã Thuỵ Thần 马瑞辰 đời Thanh giải thích chữ “liễu” là một loại rau đắng. “Liễu tân” 蓼薪 ý nói rau liễu gom góp được rất nhiều. Câu Tiễn chuẩn bị nhiều rau liễu nhất định là dùng để rèn luyện ý chí, “công chi dĩ liễu” 攻之以蓼 cũng có thể nói là “công chi dĩ liễu tân” 攻之以蓼薪. Như vậy ý nghĩa của câu nói nêu trên trong Ngô Việt Xuân Thu đã rất rõ ràng: lúc bấy giờ Câu Tiễn ngày đêm vất vả, đôi mắt vô cùng mệt mỏi, muốn ngủ một chút, tức “mục ngoạ” 目卧, nhưng ông ta đã dùng “liễu tân” 蓼薪 nhằm kích thích mình để có thể nhẫn nại khắc phục, tránh được cơn buồn ngủ. “Ngoạ tân, thường đảm” 卧薪, 尝胆 là để thị giác và vị giác cảm nhận được cái “khổ”. Người đời sau đem “ngoạ tân” 卧薪 nói thành ngủ trên đống củi, ấy là đã lệch ý của Ngô Việt Xuân Thu, bởi vì “ngoạ tân” là đôi mắt phải chịu sự giày vò chứ không phải thân thể thân thể bị giày vò. Kết luận của cách nói này là: Câu Tiễn quả thực đã có qua hành vi “ngoạ tân thường đảm”, nhưng người đời sau đã hiểu nhầm ý nghĩa của thành ngữ này.
          Nếu nói “ngoạ tân thường đảm” là câu chuyện có thực, tại sao trong lịch sử lại ghi chép muộn như thế? Nếu nói là giả, tại sao nó vẫn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian? Hai cách nói này đều có căn cứ. Nhân đó, nó đã trở thành một bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử Trung Quốc.
                              
                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 16/11/2015

Nguyên tác Trung văn
VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN ĐÁO ĐỂ HỮU MỘT HỮU
 NGOẠ TÂN THƯỜNG ĐẢM
越王勾践到底有没有卧薪尝胆
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post