Dịch thuật: Thư viện ở Trung Quốc

THƯ VIỆN Ở TRUNG QUỐC

          Thư viện là một cơ cấu giáo dục cao đẳng với hình thức giảng dạy và học tập đặc biệt dần hưng khởi từ cuối đời Đường trở về sau ở Trung Quốc. Lúc ban đầu, thư viện chỉ là nơi tàng thư và hiệu thư quan phương, như Lệ Chính thư viện 丽正书院 và Tập Hiền thư viện 集贤书院 đời Đường. Tư nhân xưa nay yêu thích tên gọi này, cũng thường gọi thư phòng, thư lâu, thư xá của mình là “thư viện”. Lâu dần, do bởi quan học không được quan tâm, kẻ sĩ không có chỗ học, thư viện mới dần được những học giả phát triển thành chỗ tụ tập học trò để giảng dạy do tư nhân chủ trì. Thư viện mang tính chất giảng dạy và học tập chân chính mãi đến cuối thời Ngũ đại mới cơ bản hình thành. Trải qua đầu thời Bắc Tống sơ bộ phát triển và thời Nam Tống phát triển mạnh mẽ, một số thư viện nổi tiếng như Bạch Lộc Động thư viện白鹿洞书院, Nhạc Lộc thư viện 岳麓书院, Sùng Sơn thư viện 崇山书院, Thạch Cổ thư viện 石鼓书院, Ứng Thiên Phủ thư viện 应天府书院 … xuất hiện, hình thành phong cách dạy và học đặc thù, có những cống hiến trọng yếu cho việc bồi dưỡng nhân tài và làm phồn vinh học thuật lúc bấy giờ. Đại thể mà nói, thư viện thời kì đầu đa phần thuộc tính chất tư học tự do, sau khi có được thành tích cũng thường chính phủ khen tặng và giúp đỡ. Từ sau đời Nguyên, thư viện đa phần theo hướng quan học hoá, bị phủ quan thao túng. Nét đặc sắc của thư viện Trung Quốc mà mọi người thường nói, rõ ràng là đa số thể hiện trong thực tiễn thư viện thời kì đầu mang tính chất tư học, nhưng thư viện có thể kéo dài đến hơn ngàn năm, bản thân điều này cũng nói lên một số truyền thống tốt đẹp nào đó trước sau vẫn tồn tại, đồng thời do nhiều nhiều giáo dục gia kế thừa, hoằng dương và phát triển. Thư viện Trung Quốc đã không giống với quan học, lại có chỗ khu biệt với tư học, nó là hình thái cao cấp của sự phát triển tư học, có nét đặc sắc độc đáo.
Thứ 1
Chú trọng việc kết hợp dạy học với nghiên cứu, hình thành phong khí tự do tranh đua trong việc nghiên cứu học thuật. Giáo dục học hiệu thời cổ ở Trung Quốc lấy giáo dục Nho gia làm tuyến chính, thư viện cũng không rời xa kinh điển Nho gia – dạy Tứ thư 四书, Ngũ kinh 五经 . Nhưng khác với quan học, các thầy giáo ở thư viện không chỉ truyền thụ tri thức kinh điển, mà luôn cường điệu việc tiến hành hoạt động dạy học trên cơ sở tự mình nghiên cứu học thuật, mà sự triển khai rộng rãi hoạt động dạy học lại là điều kiện trọng yếu để thành quả nghiên cứu học thuật của mình được truyền bá và thâm hoá. Nhân đó, phàm là địa phương mà việc nghiên cứu học thuật phát đạt, về cơ bản cũng là nơi mà thư viện hưng thịnh, người đi đầu trong học thuật ở một thời điểm và ở một nơi, cũng chính là người chủ trì thư viện vào lúc đó và tại nơi đó.  Như Vũ Di Sơn ở Phúc Kiến, Lư Sơn ở Giang Tây, Nhạc Lộc Sơn ở Hồ Nam, Vụ Nguyên ở Triết Giang thời Tống sở dĩ trở thành trung tâm nghiên cứu học thuật là do bởi những lí học gia đi đầu lúc bấy giờ như Chu Hi 朱熹, Trương Thức 张栻, Lữ Tổ Khiêm 吕祖谦… đã sáng lập, tu bổ hoặc chủ trì qua nhiều thư viện, như Thương Châu tinh xá 沧州精舍, Bạch Lộc Động thư viện 白鹿洞书院, Nhạc Lộc thư viện岳麓书院, Lệ Trạch đường 丽泽堂. Giữa thời Minh, thư viện phục hưng, có thể nói là không thể tách rời với việc tiến hành nghiên cứu tâm học mang tính sáng tạo của Vương Thủ Nhân 王守仁. Đời Thanh xuất hiện một số thư viện huấn hỗ, phản ánh một cách hình tượng thành tựu to lớn về nghiên cứu học thuật của các Hán học gia. Hán học gia chính là người chủ trì thực tế thư viện. Điều khiến người ta để ý nhất đó là thư viện đã cơ bản hình thành phong khí tranh đua tự do trong việc nghiên cứu học thuật. Như: năm 1175, Chu Hi, Lục Cửu Uyên đại biểu cho quan điểm học thuật bất đồng đã triệu khai một hội nghị học thuật tại Nga Hồ 鹅湖 ở Giang Tây 江西 – “Nga Hồ chi hội” 鹅湖之会. Tại hội nghị, Lục Cửu Uyên bắt đầu phúng thích Chu học “chi li”, khiến cho “Nguyên Hối thất sắc” (Nguyên Hối tức Chu Hi – ND); còn Chu Hi thì cho rằng Lục học không coi trọng “phát minh bản tâm” ở việc đọc sách. Nhưng quan điểm bất đồng không ảnh hưởng đến tình hữu nghị học thuật chân thành giữa họ. Về sau, trong thời gian Chu Hi chủ trì Bạch Lộc động thư viện, vẫn chủ động mời Lục Cửu Uyên lên núi giảng dạy, Lục Cửu Uyên vui vẻ nhận lời, đồng thời đã diễn giảng học thuật bài “quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi” 君子喻于义小人喻于利. Do bởi nội dung giảng khẩn thiết, sinh động, đánh trúng thế giới nội tâm của học sinh, nên không ít học sinh đã cảm động rơi lệ. Chu Hi cũng tán thưởng, xin Lục Cửu Uyên để lại bài giảng để khắc vào đá lưu niệm. Và như: Vương Thủ Nhân 王守仁 và Trạm Nhược Thuỷ 湛若水 đời Minh lần lượt dùng “trí lương tri” 致良知 và “tuỳ xứ thể nhận thiên lí” 随处体认天理 làm tiêu bảng, tuy tôn chỉ học thuật khác nhau, nhưng họ đều giảng học tại thư viện, chuyên cần không biết mệt tìm hiểu nghiên cứu tư tưởng học thuật của mình. Sau đời Minh, Cố Hiến Thành 顾宪成 cùng với Cao Phan Long 高攀龙 rất chú trọng hoạt động “giảng hội” 讲会 học thuật tự do tranh minh, thường là “mỗi năm 1 hội lớn”,
“mỗi tháng 1 hội nhỏ”, đồng thời định ra “hội ước”, lấy đạo nghĩa để cọ sát, trân trọng học thuật, thậm chí phúng nghị triều chính, đánh giá nhân vật, phê phán đại sự quốc gia. Tự do tranh minh đương nhiên mang đến những bất đồng về quan điểm học thuật, nhưng việc thảo luận những quan điểm bất đồng về học thuật ngược lại sẽ thúc đẩy sự thâm hoá tư tưởng học thuật, về điểm này rất nhiều người chủ trì thư viện tán đồng. Khi có người biểu thị sự nghi hoặc đối với việc giảng học mà quan điểm học thuật bất đồng, Lữ Nam 吕柟 đã nói rằng:
Bất đồng nãi sở dĩ giảng học, kí đồng hĩ, hựu an dụng giảng hĩ
不同乃所以讲学, 既同矣, 又安用讲矣
(Vì bất đồng nên mới giảng học, nếu đã đồng thì cần gì phải giảng)
(Minh Nho học án – Hà Đông học án 明儒学案 - 河东学案, quyển hạ)
          Truyền thống tranh minh tốt đẹp này quả thực có lợi cho sự phát triển sâu rộng việc nghiên cứu học thuật.  (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 06/11/2015

Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post