Dịch thuật: Sở từ

SỞ TỪ

          Sở từ 楚辭 là hình thức thi ca mới từ thế kỉ thứ 4 đến thế kỉ thứ 3 trước công nguyên do Khuất Nguyên 屈原 cùng những người khác trên cơ sở ca dao dân gian tiến hành gia công, sáng tạo mà thành. Cú pháp của nó dài ngắn không đều nhau, phá vỡ sự cách luật của Kinh Thi lấy tứ ngôn làm chính; độ dài của bài tương đối dài. Chúng đều thích hợp với việc phản ánh nội dung tư tưởng phức tạp. Tác phẩm Sở từ đều là:
Thư Sở ngữ, tác Sở thanh, kỉ Sở địa, danh Sở vật
書楚語, 作楚聲, 紀楚地, 名楚物
(Ghi lại ngôn ngữ nước Sở, sáng tác thi ca nước Sở, chép lại đặc điểm nước Sở, gọi tên sản vật nước Sở)
cho nên có sắc thái địa phương nồng đậm. Người đời Hán đem văn thể mang phong  cách đặc biệt này gọi là “Sở từ”, về sau lại được gọi là “Tao thể” 騷體.
          Tác gia chủ yếu của Sở Từ là Khuất Nguyên 屈原. Khuất Nguyên tên Bình , Nguyên là tự. Ông sinh trong một gia đình quý tộc nước Sở, nhận được sự giáo dục văn hoá rất tốt, có tài năng văn học và chính trị rất cao, thời trẻ được Sở Hoài Vương 楚懷王 tin dùng. Khuất Nguyên hướng về chính trị hiền năng, chủ trương kiến lập pháp độ chính xác, khiến đất nước phú cường. Nhưng Khuất Nguyên bị gièm pha, từ đó bị đày. Trong thời gian này tuy từng được triệu hồi, nhưng chẳng bao lâu lại bị đuổi, cho đến lúc ông nhảy xuống sông tự tận. Trong thời gian bị lưu đày, đối mặt với chính trị hủ bại, quốc vận nguy nan, Khuất Nguyên đã viết những bài thơ bi phẫn đau buồn, ưu quốc ưu dân. Tác phẩm chủ yếu của ông có Li tao 離騷, Cửu ca 九歌, Thiên vấn 天問, Cửu chương 九章
           Ngoài ra, Tống Ngọc 宋玉, Đường Lặc 唐勒, Cảnh Sai 景差 cũng là những tác gia Sở từ nổi tiếng lúc bấy giờ; Hoài Nam Tiểu Sơn 淮南小山, Mai Thặng 枚乘, Vương Dật 王逸 đời Hán cũng viết những tác phẩm mô phỏng hình thức Sở từ, nhưng bất luận về phương diện tư tưởng hoặc nghệ thuật đều kém xa.
          Lưu Hướng 劉向 thời Tây Hán đem tác phẩm của Khuất Nguyên, Tống Ngọc … và những tác phẩm mô phỏng hình thức Sở từ biên soạn lại thành tập, đề là “Sở từ” 楚辭. Bản chú thích Sở từ sớm nhất hiện tại là bản Sở từ chương cú 楚辭章句 của Vương Dật 王逸 thời Đông Hán. Bản chú thích Sở từ tương đối tốt hiện tại có Sở từ bổ chú 楚辭補注 của Hồng Hưng Tổ 洪興祖 thời Tống, Sở từ tập chú 楚辭集注 của Chu Hi 朱熹 thời Tống, Sơn Đới các chú Sở từ 山帶閣注楚辭 của Tưởng Kí 蔣驥 đời Thanh. Gần đây, Văn Nhất Đa 聞一多, Quách Mạt Nhược 郭沫若 cũng có nhiều kiến giải sâu sắc trong việc nghiên cứu Sở từ.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 05/11/2015

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 2)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post