THƯ VIỆN Ở TRUNG QUỐC
(tiếp theo)
Chú trọng
sự kết hợp giữa học sinh tự rèn luyện với thầy giáo chỉ đạo, nhắm vào việc bồi
dưỡng năng lực nghiên cứu độc lập của học sinh. Phương thức dạy học kết hợp giữa
tự rèn luyện và chỉ đạo có thể truy ngược đến thực tiễn tư học của bách gia chư
tử thời Tiên Tần. Trong Lễ kí – Học kí 礼记 - 学记 đã tổng kết rằng:
Quân tử chi vu học dã, tàng yên, tu yên,
tức yên, du yên.
君子之于学也, 藏焉, 修焉, 息焉, 游焉.
(Người quân tử đối với việc học,
phải tích luỹ kiến thức, phải tu dưỡng luyện tập, phải biết nghỉ ngơi, phải biết
vui chơi)
Thái học
đời Hán ngoài việc thầy dạy trên lớp, tự rèn ngoại khoá cũng là chức trách của
học sinh. Thư viện đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm dạy học quý báu này, đồng
thời ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Thư viện không phải không có việc giảng
học tập thể, “giảng hội” 讲会mà đã nêu ở trên
chính là một loại giảng học tập thể. Nhưng, ngoài giảng học tập thể ra, thầy
giáo của thư viện phải hướng dẫn học sinh đọc sách và tự rèn luyện, vai trò mà
thầy giáo đóng chỉ là “làm người dẫn đường, làm người chứng minh, nếu có
nghi vấn sẽ cùng nhau bàn luận.” (Chu Tử ngữ loại
tập lược 朱子语类辑略). Phương thức mà Chu Hi 朱熹
chỉ đạo học sinh đó là thường dẫn học sinh đi dã ngoại, khảo sát, tuỳ cơ mà dạy
học sinh trong hoàn cảnh tốt đẹp tự do tự tại. Còn như học sinh khi về lại
phòng thì đọc sách, đa số thư viện đều có xây tàng thư lâu, để học sinh khi tự
học có đủ sách vở tham khảo. Chu Hi đặc biệt nhấn mạnh việc đọc sách cần phải
có nghi ngờ, nếu nghi ngờ mà tự mình suy nghĩ chưa hiểu thì phải đi hỏi thầy
giáo của thư viện. Đó gọi là “chất nghi vấn nan” 质疑问难. Chu Hi trong một thời gian dài tại thư viện chỉ đạo học sinh đọc sách
đã dần hình thành cho mình “cách đọc sách” đặc biệt. Các môn nhân đã khái quát
thành 6 điều là “tuần tự tiệm tiến” 循序渐进, “thục độc tinh
tư” 熟读精思, hư tâm hàm vịnh” 虚心涵泳, “thiết kỉ thể sát” 切己体察, “trứ khẩn dụng lực”
著紧用力, “cư kính trì chí” 居敬持志, rất được người đọc sách đời sau coi trọng, sản sinh ảnh hưởng vô cùng
sâu rộng. Học sinh của thư viện trong quá trình đọc sách, tiến thêm một bước
triển khai nghiên cứu học thuật độc lập, đồng thời hình thành luận văn hoặc trứ
tác, do thư viện tự xuất tiền in ấn.
Thứ 3
Chú trọng
sự kết hợp giữa hoàn cảnh tự nhiên tốt đẹp (kiến thiết sân trường) với hoàn cảnh
văn nhân hài hoà (mối quan hệ thầy trò), kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp
tôn sư ái sinh của dân tộc Trung Hoa. Thư viện nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ
đa phần được kiến lập ở những nơi xa xôi yên tĩnh với núi sông tươi đẹp, như Bạch
Lộc Động thư viện 白鹿洞书院 dưới chân Ngũ Lão Phong 五老峰 ở Lư Sơn 庐山 Giang Tây 江西; Nhạc Lộc thư viện 岳麓书院 dưới Bão Long Động 抱龙洞
tại Nhạc Lộc sơn 岳麓 山 ở Trường Sa 长沙 Hồ Nam 湖南; Thương Châu tinh xá 沧州精舍, Trúc Lâm tinh xá 竹林精舍 và Khảo Đình thư
viện 考亭书院 tại Vũ Di sơn 武夷山;
Học Hải Đường 学海堂 tại
núi Việt Tú sơn 粤秀山 v.v… Ngoài hoàn cảnh tự nhiên tươi đẹp ra, thư viện
thời cổ ở Trung Quốc cũng rất coi trọng hoàn cảnh văn nhân hài hoà, chú ý mối
quan hệ hoà hợp giữa thầy và trò. Sớm từ thời Tiên Tần, Khổng Tử đã tạo dựng được
khuôn mẫu người thầy “học nhi bất yếm” 学而不厌 (học mãi không chán), “hối nhân bất quyện” 诲人不倦 (dạy không biết mệt), đồng thời trên cơ sở cầu “đạo” đã cùng với học
trò kết nên tình thầy trò hoà hợp thâm sâu. Nhưng giáo dục quan học đời sau
nhân vì có quá nhiều thành phần thâm nhập thế tục, dẫn đến mối quan hệ thầy trò
dần lỏng lẻo rồi biến mất, giữa thầy và trò “mạc nhiên như hành lộ nhân” 漠然如行路人 (thờ ơ như người đi đường) (lời của Chu Hi). Nhưng
tình hình thư viện lại ngược lại, giữa thầy và trò lấy học vấn làm trọng, đối
đãi nhau chân thành, thường ngày luôn có niềm vui về học vấn và giao lưu tình cảm.
Như: mối quan hệ thầy trò giữa Chu Hi và Thái Nguyên Định 蔡元定 (1) được truyền tụng là tốt đẹp trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Hai người họ tại thư
viện cùng nghiên cứu học vấn đạo đức, thường vì một vấn đề học thuật nào đó mà
tranh luận không thôi, thậm chí cho đến lúc nửa đêm. Nhân vì liên luỵ “đảng cấm” 党禁, Thái Nguyên Định
không may bị biếm, Chu Hi sau khi được tin
đã dẫn hơn 100 học sinh tiễn hành, những học sinh đưa tiễn không ai là không
kêu oan than khóc cho Thái Nguyên Định. Nhưng Nguyên Định trấn tĩnh tự nhiên
không khác với thường ngày. Chu Hi xúc cảm nói rằng:
Bằng hữu tương ái chi tình, Quý Thông bất
toả chi chí, khả vị lưỡng đắc chi hĩ.
朋友相爱之情, 季通不挫之志, 可谓两得之矣
(Tình bạn bè yêu quý nhau, ý
chí kiên cường bất khuất của Quý Thông, có thể nói là có được cả hai vậy)
(Vương
Mậu Hoằng: Chu Tử niên phổ 王懋竑:
朱子年谱, quyển 4)
Lời nói này đã bộc lộ lòng yêu quý và quan tâm chân
thành của sư trưởng đối với học trò.
Tóm lại,
chế độ học hiệu trong xã hội phong kiến Trung Quốc về cơ bản là quan học, tư học
cùng hình thái cao cấp của tư học – thư viện tổ thành. Quan học đương nhiên là
kênh chủ đạo của học hiệu xã hội phong kiến, nhưng có lúc nó nhân vì sự suy bại
của vương triều phong kiến mà suy vi,
lúc bấy giờ tư học ngược lại lại có sự phát triển tương đối tốt. Có lúc quan học
nhân vì chính trị sáng suốt mà hưng thịnh, quy mô tư học lại thu nhỏ lại, nhưng
cũng có nhiều lúc quan học và tư học bổ sung cho nhau, giúp nhau phát triển, cấu
thành một mạng lưới học hiệu đa dạng hoá, cùng chung gánh vác sứ mệnh thần
thánh là bồi dưỡng nhân tài cho dân tộc.
Chú của người
dịch
1- Thái Nguyên
Định 蔡元定 (1135 – 1198): tự Quý Thông 季通, người huyện Kiến
Dương 建阳 phủ Kiến Ninh 建宁
(nay thuộc Phúc Kiến 福建) người đời gọi ông
là Tây Sơn tiên sinh. Ông là Lí học gia, Luật lữ học gia, Kham dư học gia nổi
tiếng thời Nam Tống, một trong những người sáng lập chủ yếu về Lí học của Chu
Hi 朱熹, được người đời khen là “Chu môn lãnh tụ” 朱门领袖, “Mân học can thành” 闽学干城. Thuở nhỏ học với cha, lớn lên theo học với Chu Hi. Ông đọc rất nhiều
sách, nghiên cứu nghĩa lí, không vụ lợi lộc, chỉ dốc lòng vào việc trứ thư lập
thuyết.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/11/2015
Nguồn
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật