Dịch thuật: Hậu điểu, thiệp cầm, văn hoá điểu

HẬU ĐIỂU (*), THIỆP CẦM (**), VĂN HOÁ ĐIỂU
BÀN VỀ CHỮ “HẠC”

          Hạc , ngoài hình giống chim lộ , chim quán , đỉnh đầu đỏ, cổ dài, cử chỉ trang nhã, dong dõng cao, giỏi bay khéo múa. Hạc sinh sản tại vùng Nội Mông, Hắc Long Giang của Trung Quốc. Hàng năm cứ đến cuối xuân là bay về phương bắc, giữa thu lại bay về phương nam. Khi hạc vươn cánh ngẩng cao cổ múa, tư thái rất phiêu dật, là loại động vật cảnh cực đẹp. Khi hạc ở nơi đồng rộng hướng đến nơi xa vạn dặm bay vút lên không, khiến người ta suy tư vô hạn. Lưu Vũ Tích 刘禹锡 trong bài Thu từ 秋词 đã viết:
Tình không nhất hạc bài vân thướng
Tiện dẫn thi tình đáo bích tiêu
晴空一鹤排云上
便引诗情到碧霄
(Trời trong vạn dặm, một con hạc vút lên vén tầng mây
Mắt nhìn thấy cũng khiến cho tình thơ bay vút lên trời xanh)
Lưu Vũ Tích đã nắm bắt được nét khoáng đạt, thanh lệ, thi tình hoạ ý cũng thanh thoát vươn cao, quả không hổ danh là thi nhân vĩ đại.
          Hạc sống lâu, có thể sống đến sáu bảy chục năm. Nhưng trong Hoài Nam Tử - Thuyết lâm huấn 淮南子 - 说林训 lại khoa trương:
Hạc thọ thiên tuế, dĩ cực kì du.
鹤寿千岁, 以极其游
(Hạc thọ ngàn tuổi, tận tình ngao du)
          Mọi người nhân đó gọi hạc là “tiên hạc” (hiện nay gọi hạc đầu đỏ là tiên hạc), gọi là “tiên nhân chi kí” 仙人之骥 (ngựa kí của tiên nhân). Trong Sưu thần hậu kí 搜神后记 có câu chuyện “Hoá hạc quy Liêu” 化鹤归辽, kể rằng, người nước Liêu là Đinh Linh Uy 丁令威 học đạo ở núi Linh Hư 灵虚, về sau hoá thành chim hạc bay về, đi khắp cố hương, nhân sự hoàn toàn khác lạ. Do bởi quan hệ với Đạo gia, người xưa gọi hạc là “tiên nhân kì kí” 仙人骐骥 (ngựa kì ngựa kí của tiên nhân). Cho nên khen tặng người khác “hạc phát đồng nhan” 鹤发童颜 (tóc thì bạc như lông hạc mà mặt thì hồng hào như trẻ con), không chỉ nói người đó trường thọ mà còn nói họ có phong thái thần tiên.
          Dân tục thường lấy cây tùng và chim hạc để chúc thọ, bức hoạ vẽ con hạc trắng vươn cánh, có bức vẽ hạc bay lên, cũng có bức vẽ hạc đạp trên nhánh tùng. Kì thực, hạc không đậu trên cây cũng giống chim nhạn không đậu trên cây. Hạc là loại “thiệp cầm” 涉禽 dạng lớn. Hoài Nam Bát Công 淮南八公 trong Tướng hạc kinh 相鹤经 viết rằng:
Hạc hành tất y châu dữ, chỉ bất tập vu lâm mộc.
鹤行必依洲屿, 止不集于林木
(Hạc khi đi thì nơi bãi cồn, khi dừng thì không tập trung đậu trên cây)
          Nguyên nhân là ngón chân sau của hạc ngắn, không cách nào bám trên cây được. Lộ (cò) có thể đậu trên cây, còn hạc thì không thể. Lương Chương Cự 梁章钜 trong Lãng tích tùng đàm 浪迹丛谈 nói rằng, hạc là loại thai sinh. Điều này rõ ràng là không đúng. Vũ hạc phú 舞鹤赋 của Bảo Minh Viễn 鲍明远 cùng Bác vật chí 博物志 mà ông dẫn chứng cũng sai như thế. Hạc là loại noãn sinh. Lương Chương Cự còn nói chữ “hạc” và chữ “hộc” là chữ cổ và kim. Trong Thuyết văn chú 说文注 chỉ ra rằng:
Hậu nhân hạc dữ hộc tương loạn
后人鹤与鹄相乱
(Người đời sau nhầm lẫn giữa chim hạc và chim hộc)
Đính chính này là cần thiết. Trong Từ hải 辞海 cho chúng ta biết, “hộc” là thiên nga 天鹅 (ngỗng trời), còn “hạc” là hạc.
          Hạc cũng là văn hoá điểu. Trong Mao thi chú 毛诗注:
Hạc minh cửu cao, thanh văn vu thiên.
鹤鸣九皋, 声闻于天
(Hạc kêu ở nơi đầm sâu, tiếng kêu vang đến tận trời)
          Tiếng kêu của hạc vang vang, điều này có liên quan đến cổ hạc dài và khúc chiết, cho nên không kêu thì thôi, hễ kêu thì khiến người ta kinh ngạc. Trong Hoài Nam Tử 淮南子 nói rằng, hạc biết lúc nửa đêm, có lẽ tiếng hạc kêu lúc nửa đêm là bi thiết. Thượng Hải từng là quê hương của hạc. Đời Tấn, văn nhân ở Tùng Giang 松江 Thượng Hải 上海 là Lục Cơ 陆机 giúp Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh 成都王司马颖, bị người gièm pha, trước lúc bị hành hành vẫn luôn nhớ đến tiếng hạc kêu nơi quê nhà, ông nói rằng:
Hoa Đình hạc lệ, khởi khả phục văn hồ? (2)
华亭鹤唳, 岂可复闻乎?
(Hạc kêu nơi Hoa Đình, há có thể được nghe lại?)
          Hoa Đình 华亭 tức Tùng Giang 松江, theo Tùng Giang phủ chí 松江府志, năm đó nơi Tùng Giang còn có địa danh Hạc Khoà 鹤窠 (tức nay là Nam Hối Hạ Sa 南汇下沙). Đầm trạch ở sông Tùng Giang nhiều như mạng lưới là nơi thích hợp cho loài hạc sinh sống, cho nên nói Tùng Giang cũng từng là quê hương của hạc.
          Trong lịch sử, người yêu thích hạc không ít. Trong Sơ học kí 初学记 nói rằng, người thuần dưỡng hạc trong vườn của người đất Ngô cùng trong nhà của sĩ đại phu rất nhiều. Trong Đông Chu liệt quốc chí 东周列国志 có nói, Vệ Ý Công 卫懿公 rất yêu hạc, cho hạc ngồi xe. Về sau nước Địch đánh nước Vệ, quân sĩ nước Vệ không chịu tham chiến, họ bảo rằng hạc có lộc vị, bảo hạc đi đánh, họ không đi. Cuối cùng Vệ Ý Công do vì yêu quý hạc mà mất nước. Ngô Vương Hạp Lư 阖闾 nuôi hạc, dạy hạc biết múa. Dương Hỗ 羊诂 đời Tấn cũng yêu hạc, hạc làm bạn cùng ông lúc tuổi già. Lâm Hoà Tĩnh 林和靖 xem mai là vợ xem hạc là con. Tô Đông Pha 苏东坡 có tác phẩm Phóng Hạc đình kí 放鹤亭记, viết về ẩn sĩ thích hạc, siêu nhiên thoát tục.

Chú của nguyên tác
1- Lưu Vũ Tích tập 刘禹锡集, quyển 26 nhạc phủ thượng Thu từ nhị thủ chi nhất, trang 243, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã.
2- Nhị thập ngũ sử . Tấn thư 二十五史 . 晋书, quyển 54 Lục Cơ truyện 陆机传, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải thư điếm.

Chú của người dịch
*- Hậu điểu 候鸟: loài chim di cư theo mùa.
**- Thiệp cầm 涉禽: loài chim lội nước (cò, sếu, vạc v.v…)

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 18/10/2015
              
Nguyên tác Trung văn
HẬU ĐIỂU, THIỆP CẦM, VĂN HOÁ ĐIỂU
ĐÀM “HẠC”
候鸟, 涉禽, 文化鸟
  “
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã, 1998
Previous Post Next Post