Dịch thuật: A Di Đà Phật

A DI ĐÀ PHẬT

          A Di Đà Phật 阿弥陀佛, tiếng Phạn là Amita-buddha, Amita có nghĩa là “vô lượng” 无量, nhân đó cũng gọi là “Vô Lượng Phật” 无量佛, là vị quốc chủ của tịnh độ Tây phượng cực lạc. Trong Phật giáo đại thừa, A Di Đà Phật là chủ tôn của “Tây phương tam Thánh” 西方三圣 (1), Quán Thế Âm 观世音 và Đại Thế Chí 大势至 là hai vị Hiếp thị (2), giúp Phật giáo hoá chúng sinh, tiếp dẫn bi nguyện hữu tình đến tịnh độ cực lạc. Trong hệ thống Mật tông, trong “ngũ phương Phật” (3) mà Thái Dương Như Lai 太阳如来 thống lĩnh, A Di Đà Phật ở phương Tây, đại biểu cho trí huệ.
          A Di Đà Phật có đến 13 danh hiệu, bao gồm:
          Vô Lượng Thọ 无量寿
          Vô Lượng Quang 无量光
          Vô Biên Quang 无边光
          Vô Ngại Quang 无碍光
          Vô Đối Quang 无对光
          Hoan Hỉ Quang 欢喜光
          Bất Đoạn Quang 不断光
          Nan Tư Quang 难思光
          Vô Xưng Quang 无称光
          Siêu Nhật Nguyệt Quang 超日月光
          Trí Huệ Quang 智慧光
          Diễm Vương Quang 焰王光
          Thanh Tịnh Quang 清净光
          Trong đó, Vô Lượng Thọ Phật và Vô Lượng Quang Phật là nổi tiếng nhất và cũng là trọng yếu nhất.
          Trong Phật thuyết A Di Đà Phật kinh 佛说阿弥陀佛经 nói rằng:
          Bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc vô sở chướng ngại, thị cố danh vi A Di Đà … Bỉ Phật thọ mạng cập kì nhân dân vô lượng vô biên a tăng kì kiếp, cố danh A Di Đà.
          彼佛光明无量, 照十方国无所障碍, 是故名为阿弥陀 ….. 彼佛寿命及其人民无量无边阿僧祇劫, 故名阿弥陀.
         (Phật A Di Đà hào quang sáng rỡ vô lượng, chiếu tới thập phương quốc mà không bị ngăn trở, cho nên gọi Ngài là A Di Đà. ….. Thọ mạng của Phật cùng với thọ mạng của chư Phật chư Thánh trong nước của Ngài là vô lượng vô biên, dài đến cả vô số kiếp, cho nên gọi Ngài là A Di Đà.)
          Trong Vô Lượng Thọ kinh 无量寿经 có nói đến lai lịch của A Di Đà Phật: Vào thời Thế Tự Tại Vương Như Lai 世自在王如来 có một vị Pháp Tạng Tì kheo phát hạ 48 đại nguyện, muốn thành tựu một quốc độ tận thiện tận mĩ, đồng thời dùng phương pháp tốt nhất để độ hoá chúng sinh. Về sau Pháp Tạng Tì kheo thành Phật, chính là A Di Đà Phật, sáng lập ra một quốc độ lí tưởng mà mọi người hướng tới, đó là thế giới cực lạc. Chỉ cần chân tâm cầu trí huệ Phật pháp, đồng thời nhất tâm niệm Thánh hiệu A Di Đà Phật, lúc lâm chung, A Di Đà Phật sẽ cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đến tiếp dẫn, vãng sinh vào thế giới cực lạc.
          Tín ngưỡng A Di Đà Phật cực thịnh, có câu ngạn ngữ:
Gia gia A Di Đà, hộ hộ Quán Thế Âm
家家阿弥陀, 户户观世音
          Không chỉ Trung Quốc mà Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như vậy. Ấn Độ, Tây vực cũng từng thịnh hành. Do bởi pháp môn niệm Phật đơn giản, tiện lợi nên người tin theo rất đông. Thậm chí 4 chữ “A Di Đà Phật” trở thành lời chào trong tín đồ Phật giáo. Còn như mọi người niệm:
Nam mô A Di Đà Phật
南无阿弥陀佛
Ý nghĩa là “quy y A Di Đà Phật”.

Chú của người dịch
1- Tây phương tam Thánh 西方三圣: cũng gọi là “Di Đà Tam Tôn” 弥陀三尊, tức A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát  và Đại Thế Chí Bồ Tát.
2- Hiếp thị 胁侍: cũng gọi là “Hiếp sĩ” 胁士 (脅士)
          Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn:
          “Vị Hiếp sĩ. Lại gọi là Hiếp thị 脅侍. Hiệp trì 挾持, là vị Bồ tát đứng hầu ở hai bên cạnh sườn Phật. Sĩ là Đại sĩ 大士, tiếng dịch chữ Bồ tát, Hiếp là cạnh sườn, vì các vị Bồ tát ấy thường theo hầu hai bên cạnh sườn Phật, tán trợ Phật giáo hoá chúng sanh, như Quan Âm, Thế Chí làm Hiếp sĩ đức Phật A Di Đà; Nhựt Quang, Nguyệt Quang làm Hiếp sĩ đức Phật Dược sư; Phổ Hiền, Văn Thù làm Hiếp sĩ đức Phật Thích Ca.
          Mỗi đức Phật Trung tôn có hai vị Hiếp sĩ. Phật và hai vị Hiếp sĩ hiệp thành Tam Tôn vậy.”
          (Phật học từ điển, quyển 2, trang 13. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.)
3- Ngũ phương Phật
          Trong thế giới Mật tông, Đại Nhật Như Lai 大日如来  là Mật tông giáo chủ. Lấy Đại Nhật Như Lai làm trung tâm hình thành Ngũ phương Phật, tuyên giảng Phật pháp. Trong Ngũ phương Phật lấy Đại Nhật Như Lai (tức Tì Lư Già Na Phật 毗卢遮佛) làm trung tâm, chung quanh có Đông phương A Súc Phật 东方阿 (*) ; Tây phương Vô Lượng Quang Phật 西方无量光佛 (tức A Di Đà Phật阿弥陀佛); Nam phương Bảo Sinh Phật 南方宝生佛; Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật 北方不空成就佛. Mục đích đem 5 loại chấp trước của nhân loại là “tham, sân, si, mạn, nghi” chuyển biến thành 5 loại trí tuệ.
*- Trong nguyên tác, chữ “Súc” này gồm bộ  “môn” bên ngoài và chữ “chúng” bên trong.
          Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, ở mục A Súc (Phật) cũng ghi chữ “Súc” như thế.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 19/10/2015

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002
Previous Post Next Post