Dịch thuật: Nguồn gốc giày đầu mèo của bé

NGUỒN GỐC GIÀY ĐẦU MÈO CỦA BÉ

          Tại vùng sông nước Giang Nam 江南, đặc biệt là khu vực Thái hồ 太湖 phía nam Tô Châu 苏州, những em bé vừa mới biết đi chập chững đều mang giày có hình đầu con mèo.
          Những bà mẹ trẻ khi làm giày cho bé rất thích dùng kén tằm cắt thành hình mắt và mũi mèo khâu trên giày, dùng chỉ màu thêu quanh. Mắt với chỉ trắng, con ngươi chỉ đen, chỉ vàng là chiếc mũi. Sau đó dùng vải cắt may thành tai mèo, hình dạng rất sinh động. Giày đầu mèo chính là nghệ thuật phẩm dân gian tinh xảo.
          Tại sao em bé lại phải mang giày đầu mèo?
          Thời xưa, vua của loài thú là mèo, mèo không những bản lĩnh cao cường mà còn chí công vô tư. Một chuyện rất đơn giản, khi người ta lấy 12 con vật làm cầm tinh, mèo đã phái những bạn khác, riêng mình không tham gia, cho nên ngày nay chúng ta không nghe nói có người cầm tinh con mèo. Đương thời hổ là con vật to lớn nhưng ngu xuẩn, nó muốn làm vua loài thú.
          Hổ biết mình không có bản lĩnh không thể làm được thú vương, nên nó bái mèo làm thầy để học nghề. Còn mèo thì lương thiện dễ bị dụ dỗ nên đem hết ngón nghề của mình dạy cho hổ. Bản lĩnh của hổ dần nhiều lên, nó cong đuôi kiêu hãnh. Hổ nghĩ rằng, trên đời này trừ mèo ra chẳng phải là mình có bản lĩnh lớn nhất sao? Và hổ đã nảy sinh lòng xấu.
          Một ngày nọ, nhân lúc mèo không phòng bị, hổ đột nhiên vồ mèo. Mèo nhanh nhẹn né sang một bên, khiến hổ vồ hụt. Sau đó, hổ há miệng thật to nhảy đến chỗ mèo, mèo đành quay đầu bỏ chạy. Hổ đuổi theo không tha, quyết giết chết mèo. Lúc bầy giờ có một cây to ngáng đường, mèo nhanh chóng trèo lên, hổ đứng ngây người. Hoá ra hãy còn một chiêu mà hổ chưa học được, đành phải đi vòng vòng quanh cây. Mèo ở trên cao cười lớn, nói rằng:
          Này hổ! mầy vong ơn phụ nghĩa, tâm mầy chưa dứt sự tàn ác.
          Từ đó, hổ không còn mặt mũi nào để nhìn con người, nên đã chạy trốn vào rừng sâu.
          Từ sau khi hổ gây ra chuyện, động vật bắt đầu phân hoá: một bộ phận chuyên làm việc xấu, trở thành địch nhân của con người; một bộ phận khác làm việc tốt, trở thành bạn bè của con người; có con theo hổ vào rừng sâu, có con theo mèo ở lại đồng bằng. Để giúp con người bắt loài chuột chuyên trộm lương thực, cắn phá đồ đạc, mèo đã khổ luyện bản lĩnh, ngoài việc có thể leo lên cây bắt chim, xuống nước bắt cá, còn luyện đôi “thần nhãn” đặc biệt sắc bén trong đêm tối, canh gác cho con người. Cho nên tại vùng sông nước Giang Nam, nhà nhà đều thích nuôi mèo, em bé cũng được mang giày đầu mèo.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 24/3/2015

Previous Post Next Post