NGUỒN GỐC BIỆT HIỆU “PHÓNG ÔNG” CỦA LỤC DU
Danh cùng tự và
hiệu của Lục Du đều có lai lịch. Danh và tự của ông là do người mẹ nhân vì kính
ngưỡng Tần Quan 秦观 mà đặt cho
ông. Tần Quan tự là Thiếu Du 少游
là từ nhân kiêm thi nhân nổi tiếng thời Bắc Tống. Từ và thơ của Tần Quan đều xuất
sắc, rất được Tô Thức 苏轼 tán thưởng,
là một trong “Tô môn tứ học sĩ” 苏门四学士 (1), từng giữ chức Bí thư sảnh chính tông kiêm Quốc
sử viện biên tu, nhân phẩm và tài học đều xuất chúng. Mẫu thân của Lục Du rất kính
ngưỡng Tần Quan, hi vọng người con của mình sau này cũng lập được công nghiệp
văn chương giống Tần Quan. Nói ra cũng lạ, khi sinh Lục Du, người mẹ nằm mộng
thấy Tần Quan, điều này khiến bà vô cùng vui mừng. Vì thế, dựa theo tên tự của
Tần Quan đặt tên cho con là Lục Du, lấy tự là “Vụ Quan”, ý là khiêm tốn hướng Tần
Quan học tập.
Còn biệt hiệu
“Phóng Ông” thì do Lục Du tự đặt khi ông 52 tuổi, ý nghĩa mình là một ông lão tự
do tự tại, không bị câu thúc.
Lúc Du sống vào
thời Nam Tống, cả đời ông chủ trương kháng chiến thu phục lại trung nguyên.
Trong bài thơ Thị nhi 示儿
ông viết rằng:
Tử khứ nguyên tri vạn sự không
Đản bi bất kiến cửu châu đồng
Vương sư bắc định trung nguyên nhật
Gia tế vô vong cáo nãi ông
死去原知万事空
但悲不见九州同
王师北定中原日
家祭无忘告乃翁
(Vẫn biết sau khi cha chết đi, mọi việc
ở nhân gian này không còn liên quan gì với cha nữa
Duy chỉ có một điều khiến cha đau lòng
đó chính là không tận mắt thấy được tổ quốc
thống nhất
Ngày nào đội quân của triều đình lấy lại
được trung nguyên
Khi cúng cha, các con chớ có quên cáo
cho cha biết.)
Bài thơ thể hiện tình cảm yêu nước sâu
đậm của ông. Nhưng triều đình Nam Tống lúc bấy giờ lại cầu an sống tạm, không
có ý thu phục trung nguyên. Hoài bão của Lục Du không được thi triển và thực hiện,
con đường làm quan gập ghềnh khiến ông cảm thấy bi phẫn và đau khổ, nên thường
ra vào chốn ca lâu tửu điếm mượn rượu giải sầu. Điều này đã gặp phải sự công
kích của một số đồng liêu, cho rằng ông không giữ khuôn phép, uống rượu buông
tuồng. Khi triều đình điều ông đến làm quan ở Gia Châu 嘉州, một số người lại dâng thư lên các
quan trong triều, làm cho ông bị triều đình lấy tội danh uống rượu suy đồi
phóng túng bãi miễn chức quan. Vì thế Lục Du vô cùng phẫn hận và khổ não, cuộc
sống càng phóng túng. Lục Du lúc bấy giờ cho rằng mình đã mất chức quan trở
thành một người không bị câu thúc nên đã lấy biệt hiệu là “Phóng Ông”. Ông từng
viết bài từ có câu:
Kiều
như hồng, thuỷ như không
Nhất
diệp phiêu nhiên yên vũ trung
Thiên
giao xưng Phóng Ông
桥如虹, 水如空
一叶飘然烟雨中
天教称放翁
(Chiếc cầu như cầu vồng, mặt nước
như tầng không
Một chiếc thuyền con nhẹ lướt
trong sương khói
Trời bảo ta xưng là “Phóng Ông”)
Từ đó, Lục Du bắt đầu tự xưng là
“Phóng Ông”, mọi người cũng bắt đầu gọi ông là “Lục Phóng Ông”.
Ngoài biệt hiệu “Phóng Ông” ra, Lục Du
còn có những biệt hiệu khác như: “Lạp trạch ngư ẩn” 笠泽渔隐, “Hồ trung ẩn sĩ” 湖中隐士, ý là bản thân rất muốn làm một
ẩn sĩ chốn giang hồ mang tơi đội nón buông câu. Những biệt hiệu này đều phản
ánh sự bất mãn mạnh mẽ của Lục Du đối với chính trị lúc bấy giờ, muốn thoát li
trần thế quy ẩn giang hồ, làm một ông lão không bị câu thúc ràng buộc.
Chú của người dịch
(1)- Tô môn tứ học sĩ 苏门四学士: tức 4 văn học gia thời
Bắc Tống được Tô Thức 苏轼 bồi dưỡng gồm:
Tần Quan 秦观 (1049 – 1100)
Hoàng Đình Kiên 黄庭坚 (1045 – 1105)
Triều Bổ Chi 晁补之 (1053 – 1110)
Trương Lỗi 张耒(1054 – 1114)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
03/11/2014
Nguyên tác Trung văn
LỤC DU “PHÓNG ÔNG” BIỆT HIỆU
ĐÍCH DO LAI
陆游
“放翁” 别号的由来
Trong
quyển
TRUNG
QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn
Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật