Dịch thuật: Lịch trình phát triển của hội hoạ Trung Quốc

LỊCH TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỘI HOẠ TRUNG QUỐC

          Hội hoạ Trung Quốc có nguồn gốc lâu đời, nhìn chung giới học thuật cho rằng có thể truy ngược đến thời đại đồ đá mới hơn 1 vạn năm trước đây. Lúc đó, tiên nhân Trung Quốc với một thời gian dài trong quá trình lao động sử dụng công cụ bằng đá đã không ngừng tích luỹ kinh nghiệm, làm phong phú cảm nhận thẩm mĩ của bản thân, bắt đầu dùng màu đỏ, đen, trắng bôi thành các loại hoa văn trang trí, sáng tạo ra những bức vẽ nguyên thuỷ thuần phác cổ xưa.
          Kì thực, các chuyên gia khảo cổ từ những di vật trong hang núi đã phát hiện nhiều đồ trang sức của người Sơn Đỉnh động 山顶洞, có răng thú xuyên lỗ, xương ống khắc rãnh, vỏ sò, xâu chuỗi đá nhỏ… Những vật phẩm này đều phân bố gần xương sọ, theo suy đoán đó là vật trang sức. Từ đó không khó để chúng ta nhìn thấy được người nguyên thuỷ đã có ý thức thẩm mĩ thuộc thời đại của họ, vén lên bức màn về việc sản sinh hội hoạ. Từ những chậu gốm màu có hoa văn mặt người, hoa văn hình cá phát hiện trong di chỉ Bán Pha 半坡 ở Tây An 西安, các nhà khảo cổ học cũng đã thấy được tình hình tương tự; mặt ngoài của chậu có hình cá lớn sống động đang bơi, tạo hình vô cùng tinh mĩ, đường nét giản dị thoáng đãng, vừa tả thực lại có tính trang trí, khiến người ta lĩnh hội được phong mạo thời viễn cổ tràn đầy sắc thái thần kì. Có thể nói, đây là hội hoạ sớm nhất của Trung Quốc được phát hiện đến nay.
          Hội hoạ đời Tần tuy không có vật thực để khảo chứng, nhưng từ những màu sắc còn sót lại trên những tượng binh mã đời Tần cùng nét bút thô ráp trên những mảnh bích hoạ tàn khuyết được phát quật tại di chỉ cung điện nhà Tần, có thể thấy được màu sắc huy hoàng cùng khí độ hùng tráng thuộc phong cách đời Tần. Hội hoạ đời Hán nối theo phong cách đời Tần, màu sắc nồng đậm mạnh mẽ, khí phách hào hùng, hình tượng khoa trương, đường nét vẽ sắc bén bay bổng. Trong những khai quật khảo cổ cận đại, những bức vẽ trên vải thời Tây Hán phát hiện tại Mã Vương đôi 马王堆 ở Trường Sa 长沙 đã tập trung thể hiện cấu tứ lãng mạn của hội hoạ thời Tây Hán, màu sắc hoa lệ, đường nét cân đối và hình tượng truyền thần.
          Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, ý thức cá thể của văn nhân sĩ đại phu bắt đầu trổi dậy, tham gia tích cực vào sáng tác hội hoạ, cũng do bởi tranh trục cuốn thưởng ngoạn bắt đầu lưu hành khiến cho hội hoạ dần trở thành tác phẩm thưởng thức dạng nghệ thuật độc lập. Đồng thời, sự truyền bá Phật giáo cũng đã thúc đẩy sự hưng thịnh của hội hoạ và sự truyền nhập phong cách hội hoạ Tây vực. Hoạ gia nổi tiếng nhất lúc bấy giờ có Cố Khải Chi 顾恺之, Lục Thám Vi 陆探微 và Trương Tăng Diêu 张僧繇, trong lịch sử hội hoạ họ được hợp xưng là “Lục triều tam đại gia” 六朝三大家. Giới bình luận đương thời cho rằng: tranh của Cố Khải chi có được cái thần của đối tượng, tranh của Lục Thám Vi có được cái cốt của đối tượng, tranh của Trương Tăng Diêu có được thịt của đối tượng. Từ bức “Nữ sử châm đồ quyển” 女史箴图卷 và “Lạc thần phú đồ quyển” 洛神赋图卷 của Cố Khải Chi, chúng ta có thể thấy được nhân vật hoạ lúc bấy giờ đã tương đối thành thục. Ngoài ra, việc nghiên cứu lí luận thời kì này cũng đã có được ý nghĩa phân định thời đại. “Lục pháp” 六法 mà Tạ Hách 谢赫 đề xuất đã đánh dấu hội hoạ chính thức trở thành một môn nghệ thuật độc lập và đã nhận được sự tán đồng của sĩ đại phu. Còn những lí luận như “ngoạ du” 卧游, “sướng thần” 畅神, “trừng hoài quan đạo” 澄怀观道 mà Tông Bính 宗炳 đề xuất, đối với sơn thuỷ hoạ chứa đựng tinh thần nhân văn đã cung cấp sự giải phẩu vô cùng hoàn mĩ, ảnh hưởng rất lớn đối với việc triển khai sơn thuỷ hoạ của đời sau.
          Thời Tuỳ Đường, do bởi kết thúc được cục diện động loạn phân chia nam bắc kéo dài hơn 370 năm trong lịch sử Trung Quốc, nghệ thuật hội hoạ Trung Quốc đã có được bước tiến dài. Đời Tuỳ tuy ngắn ngủi, nhưng là chiếc cầu nối thời Lục triều thông hướng đến đời Đường, sự tiến bộ của nó đã đặt nền móng vững chắc cho nghệ thuật đời Đường đi đến chỗ đỉnh thịnh huy hoàng. Sức sản xuất của xã hội đời Đường nâng cao nhanh chóng trở thành trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của thế giới lúc bấy giờ, những điều này đã tạo cơ sở vật chất ưu tú cho sự tiến bộ của nghệ thuật hội hoạ. Nhân đó, hội hoạ đời Đường có 3 đặc điểm lớn:
          - Sự phục hưng hội hoạ lễ giáo
          - Thưởng ngoạn hoá hội hoạ cung đình
          - Sâu sắc hoá hội hoạ văn nhân.
          Như những tác phẩm dùng cho việc tuyên truyền lễ giáo chính trị có bức “Bộ liễn đồ” 步辇图, “Lịch đại đế vương đồ” 历代帝王图 thuộc loại nhân vật hoạ. Tranh thưởng ngoạn cung đình chủ yếu là tranh sơn thuỷ và bình phong hoa điểu. Lúc này việc phân ra tranh nhân vật, tranh thanh lục sơn thuỷ, tranh hoa
điểu càng đi đến chỗ rõ ràng. Sáng tác nhân vật hoạ của Diêm Lập Bản 阎立本, Ngô Đạo Tử 吴道子, hình tượng nghệ thuật khoáng đạt, đường nét hư thực tươi sáng, màu sắc huy hoàng xán lạn, đều là những tác phẩm mà đời sau khó mà đạt tới. Nhất là tranh thanh lục sơn thuỷ của Lí Tư Huấn 李思训, Lí Chiêu Đạo 李昭道 và tranh thuỷ mặc sơn thuỷ của Vương Duy 王维 càng được đời sau tôn làm tác phẩm khai sơn của “Nam Bắc nhị tông” 南北二宗, lần lượt đại biểu cho khuynh hướng thưởng ngoạn của quý tộc cung đình và văn nhân ẩn dật đối với sự khác nhau của sơn thuỷ hoạ.
          Thời Ngũ đại, kinh tế xã hội khu vực Xuyên Thục và Giang Nam tương đối ổn định, Nam Đường và Tây Thục đều thiết lập hoạ viện cung đình, tập trung những hoạ gia nổi tiếng của các nơi về để sáng tác. Hoạ đàn Tây Thục lấy Hoàng Thuyên 黄筌 làm đại biểu; khu vực Giang Nam xuất hiện những hoạ gia kiệt xuất như Chu Văn Củ 周文矩, Cố Hoành Trung 顾闳中, Từ Hi 徐熙, Đổng Nguyên 董源; còn Quan Đồng 关仝, Lí Thành 李成 thì điển phạm cho lối vẩy tranh sơn thuỷ phương bắc. Về phương diện nhân vật hoạ, hoạ pháp phóng dật của Quán Hưu 贯休, Thạch Khác 石恪 là những người mở đầu cho lối giảm bút hoạ của Lương Khải 梁楷 thời Nam Tống.
          Lưỡng Tống là thời kì có những biến động to lớn trong lịch sử Trung Quốc, hoạ viện cung đình thịnh hành một thời, tạo dựng được phong cách viện thể “tinh trí chẩn mật” 精致缜密. “Văn nhân mặc hí” 文人墨戏 mà Mễ Phế 米芾, Tô Thức 苏轼 đề xướng, cũng đã dựng riêng ngọn cờ lúc bấy giờ. Phong cách hội hoạ thời Nam Tống có xu hướng đi đến chỗ giản lược hào phóng, thuỷ mặc hiên ngang mạnh mẽ.
          Về sau, hội hoạ đời Nguyên trên cơ sở kế thừa truyền thống hội hoạ đời Đường, Ngũ đại, Tống đã phát triển thêm một bước, đặc điểm rõ nét là sự hưng khởi “văn nhân hoạ” 文人画. So với văn nhân hoạ đời Tống, văn nhân hoạ đời Nguyên có 4 đặc trưng:
          - Đề tài hội hoạ từ khô mộc, trúc, thạch, mai, lan giản đơn mở rộng đến sơn thuỷ, đồng thời khiến nó từ đó trở thành chủ đề vĩnh hằng và tượng trưng vô hạn quan trọng nhất trong lịch sử hội hoạ Trung Quốc.
          - Hoạ pháp so với mặc hí của người thời Tống càng nghiêm cẩn hơn.
          - Coi trọng thú vị thư pháp trong hội hoạ, yêu cầu “dĩ thư nhập hoạ” 以书入画.
          - Về ý cảnh cấu thành trên bức hoạ thì truy cầu lấy thơ đề hoạ, chú trọng thi tình hoạ ý cùng được sáng rõ.
          Đầu đời Nguyên, về lí luận và thực tiễn sáng tác, Tiền Tuyển 钱选 và Triệu Mạnh Phủ 赵孟 đã mở ra phong khí hội hoạ đời Nguyên, kế đó có Hoàng Công Vọng 黄公望, Ngô Trấn 吴镇, Vương Mông 王蒙, Nghê Toản 倪瓒 được gọi chung là “Nguyên tứ đại gia” 元四大家. Thành tựu nghệ thuật của họ đã thể hiện hội hoạ Trung Quốc một lần nữa phát triển mang tính sáng tạo, có ảnh hưởng cực kì sâu rộng đối với lí luận và sáng tác hội hoạ của hai đời Minh và Thanh.   (còn tiếp)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 04/11/2014

Nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ PHÁT TRIỂN LỊCH TRÌNH
中国绘画发展历程
Trong quyển
TRUNG QUỐC HỘI HOẠ VĂN HOÁ
中国绘画文化
Tác giả: Tần Mộng Na 秦梦娜
Thời Sự xuất bản xã, 2008.
Previous Post Next Post