Dịch thuật: Hưu thê li hôn

HƯU THÊ LI HÔN

          Trong hôn nhân truyền thống Trung Quốc lấy nam giới làm hạt nhân, hai chữ “phu phụ” 夫妇đã bao hàm ý nghĩa này. Thuyết văn 说文 giải thích rằng:
Phụ, phục dã
, 服也
(Phụ là thuận theo)
          Người vợ ở vào địa vị phụ thuộc người chồng, quan hệ danh phận rất rõ ràng. Theo lễ “phu chủ phụ tùng” 夫主妇从, địa vị giữa vợ chồng đương nhiên là không bình đẳng. Người vợ không có tư cách độc lập, mọi địa vị vinh nhục đều dựa vào thân phận của người chồng mà định. Theo phép tắc này, việc li hôn trong xã hội phong kiến so với việc kết hôn dễ dàng hơn, li hôn không cần phải tìm người trung gian (người làm mối trong kết hôn), cũng không cần phải tìm người phân xử, quyền li hôn nằm trong tay người chồng, cho nên thời cổ gọi li hôn là “hưu thê” 休妻, “khí thê” 弃妻, “xuất thê” 出妻.
          Trong xã hội nam tôn nữ ti, lỗi lầm để li hôn toàn ở vào bên nữ. Đối với điều kiện li hôn, hình thức luật pháp sớm nhất quy định là “thất xuất” 七出trong Hán thư 汉书. Trung Quốc cổ đại có cách nói “pháp bản vu lễ” 法本于礼, “pháp xuất vu lễ” 法出于礼. Gốc của “thất xuất” ở Đại Đới lễ kí – Bản mệnh 大戴礼记 - 本命:
Phụ hữu thất khứ: bất thuận phụ mẫu, khứ; vô tử, khứ; dâm, khứ; đố, khứ; hữu ác tật, khứ; đa ngôn, khứ; thiết đạo, khứ.
          妇有七去: 不顺父母去, 无子去, 淫去, 妒去, 有恶疾去, 多言去, 窃盗去
          (Người vợ có 7 điều bị bỏ: không thuận theo cha mẹ chồng, bỏ; không có con nối dõi, bỏ; dâm đãng, bỏ; ghen tuông, bỏ; mắc bệnh hiểm nghèo, bỏ; lắm lời trộm cắp, bỏ)
          “Bất thuận phụ mẫu” là nghịch đức; “vô tử” là tuyệt người nối dõi; “dâm” làm loạn tộc; “đố” làm loạn gia; “hữu ác tật” không thể cùng tế tự tổ tông, “đa ngôn” làm chia lìa người thân; “thiết đạo” là trái với điều nghĩa. Đây chính là nói
          - Người vợ không hiếu kính với cha mẹ chồng, đi ngược với đạo đức, li hôn
          - Không thể sinh con nối dõi cho nhà trai, li hôn.
          - Người vợ có hành vi không trinh thuận, làm loạn huyết thống gia tộc, li hôn.
          - Người vợ có lòng ghen ghét đố kị, làm ảnh hưởng đến sự hoà thuận của gia đình, li hôn.
          - Người vợ mắc bệnh nặng, không thể hầu hạ người chồng, li hôn
          - Người vợ lắm lời nhiều điều, làm ảnh hưởng đến tình cảm bà con thân thích trong tộc, li hôn.
          - Người vợ tự tiện lấy tài sản của gia đình, làm trái với đạo nghĩa, li hôn.
          Rõ ràng đây đều là nói về phụ nữ, chỉ cần người vợ phạm phải một trong 7 điều trên, người chồng có thể tuyên bố “khứ thê”, nhưng tiêu chuẩn của những điều mục này lại mơ hồ không rõ ràng, ví dụ như “đố”, “đa ngôn” đều mơ hồ không rõ, còn điều thứ 7, rốt cuộc động đến tài sản gì của gia đình thì gọi là “thiết đạo”; “ác tật” là mắc phải bệnh gì mà bị “hưu thê”, đây đều là lấy sự ưa ghét của nam giới làm tiêu chuẩn.
          Ngoài “thất khí” 七弃 ra, trong Đường luật 唐律, bộ luật pháp thành văn hoàn bị của xã hội phong kiến Trung Quốc còn quy định “nghĩa tuyệt” 义绝, “hoà li” 和离, “trình tố li hôn” 呈诉离婚 v.v…
          “Nghĩa tuyệt” là đặc hữu của xã hội phong kiến Trung Quốc. Nếu phát sinh một trong 5 tình huống dưới đây, bất luận hai bên vợ chồng bằng lòng hay không bằng lòng, cũng cần phải li hôn. 5 tình huống đó là:
          - Chồng đánh ông bà nội, cha mẹ của vợ, giết ông bà ngoại, cha mẹ chú bác, cô, anh chị em của vợ.
          - Ông bà nội, cha mẹ, ông bà ngoại, anh em, cô, chị em của chồng và vợ đánh giết lẫn nhau
          - Đánh ông bà nội, cha mẹ của chồng, sát thương ông bà ngoại, cha mẹ chú bác, anh em, cô, chị em của chồng.
          - Vợ thông gian với ông cố, chú bác họ, anh em họ; hoặc chồng thông gian với mẹ vợ.
          - Vợ muốn hại chồng,
          Nếu phạm phải nghĩa tuyệt mà không li hôn sẽ theo điều khoản vi phạm luật pháp mà xử phạt.
          “Hoà li” là hình thức li hôn mà hai bên tự nguyện. Trong Đường luật – Hộ hôn 唐律 - 户婚 quy định:
Nhược phu phụ bất tương an hài nhi hoà li giả, bất toạ.
若夫妇不相安谐而和离者, 不坐
(Nếu vợ chồng không hoà hợp thì hoà li, không có tội)
          Luật lệ thời Minh Thanh cũng quy định:
Phu phụ bất tương hoà hài, lưỡng nguyện li giả, bất toạ.
夫妇不相和谐, 两愿离者, 不坐
(Vợ chồng không hợp nhau, cả hai tự nguyện li hôn, không có tội)
          Nhưng những trường hợp thực tế của “hoà li” cực ít. Đây có thể là do bởi phụ nữ trong xã hội phong kiến cực ít có năng lực kinh tế độc lập, cũng còn do bởi sự trói buộc của lễ giáo phong kiến, địa vị xã hội của phụ nữ là phụ thuộc người chồng. Cũng có thể là do bởi sử sách chú trọng ghi chép những trường hợp là liệt nữ trinh tiết mà ít ghi chép “hoà li”.
          “Trình tố li hôn” là do bởi một nguyên nhân đặc biệt nào đó mà một người trong hai vợ chồng đến phủ quan dâng cáo trạng nhờ phán quyết li hôn. Đường luật quy định:
          Chồng gặp phải vợ bỏ trốn
          Vợ đánh chồng, vợ giết người thiếp của chồng.
          Chồng bỏ trốn từ 3 năm trở lên
          Chồng đánh vợ gây thương thích chữa trị không khỏi
          Chồng đem vợ cầm cố
          Vợ bị ông bà cha mẹ của chồng đánh gây thương tích chữa trị không khỏi
          Chồng bức bách vợ thông gian với kẻ khác hoặc để cho vợ làm con hát.
Gặp phải một trong những điều trên, một người trong hai vợ chống đều có thể dâng cáo trạng lên quan nhờ phán quyết li hôn. Luật lệ các triều từ đời Đường trở về sau đều kế thừa những quy định này.
           Với sự trói buộc của lễ giáo phong kiến, trong dân gian thịnh hành câu nói:
Giá kê tuỳ kê, giá cẩu tuỳ cẩu
嫁鸡随鸡, 嫁狗随狗
(Gả cho gà thì theo gà, gả cho chó thì theo chó)
Thế tục xem việc tái giá là sỉ nhục, cho việc con gái bị đuổi về nhà cha mẹ ruột là sỉ nhục, đàn ông trong xã hội phong kiến được phép “nhất phu đa thê”, cho nên trong việc li hôn, người bị hại lớn nhất chính là phụ nữ.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 12/11/2014

Nguyên tác Trung văn
HƯU THÊ LI HÔN
休妻离婚
Trong quyển
HÔN GIÁ
婚嫁
Biên soạn: Hồng Vũ 鸿宇
Tôn giáo văn hoá xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post