Dịch thuật: Sự hưng suy việc "phục thực dưỡng sinh" đời Đường

SỰ HƯNG SUY VIỆC
“PHỤC THỰC DƯỠNG SINH” ĐỜI ĐƯỜNG

          “Phục thực dưỡng sinh” 服食养生 là dựa vào việc dùng dược vật để kéo dài tuổi thọ. Nó là đạo thành tiên phát khởi vào thời Xuân Thu Chiến Quốc do các  thần tiên phương sĩ tích cực cổ xuý.
          Thời Tuỳ Đường (nhất là thời Đường), đồng thời với đạo dẫn dưỡng sinh phát triển, về phương diện “phục thực dưỡng sinh” đã xuất hiện trào lưu uống đan dược, đây là một nghịch lưu trong lĩnh vực dưỡng sinh. Sự hưng thịnh phong khí này có liên quan mật thiết với các vị hoàng đế đời Đường mê tín phương sĩ, dẫn đầu việc phục thực.
          Vị hoàng đế đời Đường đầu tiên uống đan dược và bị trúng độc tử vong là Đường Thái Tông 唐太宗. Đường Thái Tông là vị hoàng đế rất có thành tựu trong lịch sử Trung Quốc. Đường Thái Tông sùng tín Đạo giáo, nhưng “tín” mà không “mê”, đối với việc Đạo giáo phụ hoạ thần tiên, tuyên truyền truy cầu trường sinh bất tử, ông từng chỉ trích là “hư vọng” 虚妄 (1). Nhưng sau khi công thành danh toại, để vĩnh viễn hưởng vinh hoa phú quý, Đường Thái Tông lại tin phương sĩ, uống đan dược “trường sinh bất tử”. Kết quả, không được trường sinh mà lại chết sớm. Trong Cựu Đường thư – Thái Tông bản kỉ 旧唐书 - 太宗本纪 nói rằng, vào tháng 5 năm Trinh Quán 贞观 thứ 22, Đường Thái Tông
Sử phương sĩ Na La Nhĩ Sa Bà  vu Kim Tiêu môn tạo diên niên chi dược.
使方士那罗迩娑婆于金飚门造延年之药
(Sai phương sĩ Na La Nhĩ Sa Bà bào chế thuốc trường thọ ở Kim Tiêu môn)
(trang 61)
          Sau Đường Thái Tông, các vị hoàng đế khác là Đường Hiến Tông 唐宪宗, Đường Mục Tông 唐穆宗, Đường Vũ Tông 唐武宗, Đường Tuyên Tông 唐宣宗 trước sau đều chết do uống kim đan. Dưới ảnh hưởng hoàng đế phục thực, một số đạt quan quyền quý (như Đỗ Phục Uy 杜伏威, Lí Đạo Cổ 李道古, Lí Bão Chân 李抱真 …) cùng văn nhân học sĩ (như Đỗ Nguyên Dĩnh 杜元颖, Nguyên Chẩn 元稹, Hàn Dũ 韩愈 …) cũng là vật hi sinh của việc phục thực. Theo Chu Biền 朱弁 đời Tống trong Khúc Vị cựu văn 曲洧旧闻 đã dẫn lời của Tô Đông Pha 苏东坡 (1036 – 1101), văn học gia thời Bắc Tống rằng, Bạch Cư Dị 白居易 tại Lư Sơn thảo đường 庐山草堂 cũng từng xây lò luyện đan,
Đan dục thành nhi lô đỉnh bại
丹欲成而炉鼎败
(Đan sắp thành thì lò bị hư)
Bạch Cư Dị mới may mắn thoát khỏi cái chết (2).
          Sau khi trả giá đắt cho việc phục thực, có một kẻ sĩ nhận thức được rằng:
Bát thạch, tứ hoàng (3) phi trường sinh chi diệu dược
八石, 四黄 (3) 非长生之妙药
(Bát thạch, tứ hoàng không phải là diệu dược trường sinh)
Phàm ngôn thuỷ ngân khả dĩ vi kim đan giả, vọng nhân dã; ngôn chu sa khả dĩ trú niên giả, bất tri đạo dã.
凡言水银可以为金丹者, 妄人也; 言朱砂可以驻年者, 不知道也.
(Phàm nói thuỷ ngân có thể thành kim đan đó là lừa người khác; nói chu  sa có thể kéo dài tuổi thọ đó là không biết gì về đạo)
(Chuyển dẫn từ Trần Quốc Phù 陈国符 Đạo giáo nguyên lưu khảo 道教源流考, trang 390)
Phong khí uống đan dược điên cuồng nhất thời, hưng khởi theo nội đan thuật đã dần tiêu mất.
Gọi “nội đan” 内丹 là một phương pháp dưỡng sinh của Đạo giáo phân biệt với “ngoại đan” 外丹. Nó lấy thân thể con người làm lò, lấy nguyên tinh, nguyên khí, nguyên thần làm tiên thiên đại dược, trải qua luyện dưỡng theo một trình tự nhất định, khiến tinh, khí, thần ngưng tụ không tan trong thân thể, đó chính là nội đan. Công pháp khác nhau, “đan” luyện thành cũng khác nhau, như khí đan 气丹, dịch đan 液丹, thần đan 神丹, âm đan 阴丹 … Người sáng lập thuật nội đan là Tô Nguyên Lãng 苏元朗 đời Tuỳ. Theo Cổ kim đồ thư tập thành – Thần dị điển 古今图书集成 - 神异典 quyển 320 dẫn lời trong La Phù sơn chí 罗浮山志, Tô Nguyên Lãng có viết Chỉ đạo thiên 旨道篇,
Tự thử đạo đồ thuỷ tri nội đan hĩ
自此道徒始知内丹矣
(Từ đó các đạo đồ bắt đầu biết về nội đan)
Lại lấy Cổ văn long hổ kinh 古文龙虎经, Chu Dịch tham đồng khế 周易参同契, Kim bích tiềm thông bí quyết 金碧潜通秘诀  làm kinh điển, viết Long hổ kim dịch hoàn đan thông nguyên luận 龙虎金液还丹通元论, lấy “tính mệnh song tu” 性命双修 làm hạt nhân.
          Sau đời Tuỳ, những trứ tác chuyên luận về luyện đan lần lượt ra đời, như Nhật nguyệt huyền xu thiên 日月玄枢篇 của Lưu Tri Cổ 刘知古, Đại hoàn đan khế bí đồ 大还丹契秘图 của Trương Quả 张果 … Đến cuối thời Đường sang thời Ngũ đại, thuật nội đan có sự phát triển to lớn, những người như Chung Li Quyền 锺离权, Lữ Động Tân 吕洞宾, Lưu Hải Thiềm 刘海蟾, Thôi Hi Uyển 崔希苑, Đàm Tiễu 谭峭, Trần Bác 陈搏 … đều là những nhân vật trứ danh về việc đẩy mạnh và làm phát triển thuật luyện đan. Chung Lữ truyền đạo tập 锺吕传道集 của Thi Kiên Ngô 施肩吾, Nhập dược kính 入药镜 của Thôi Hi Uyển 崔希苑 đều luận thuật một cách có hệ thống về lí luận nội đan và khí pháp nội đan, được các nhà đan dược hậu thế tôn sùng, đặt nền tảng vững chắc cho việc hình thành phái nội đan thời Tống Nguyên.

Chú của nguyên tác
(1)- Xem Trinh Quán chính yếu – Thận sở hiếu 贞观政要 - 慎所好, trang 196.
(2)- "Đông Pha cùng phương sĩ luận về nội ngoại đan, có chỗ sở đắc, vui nói rằng:
          ‘Bạch Lạc Thiên cất Lư Sơn thảo đường, cũng xây lò luyện đan. Đan sắp thành thì lò bị hư.’"
          (Khúc Vị cựu văn 曲洧旧闻, trang 36, đăng trong Tùng thư tập thành sơ biên 丛书集成初编, sách 2768)
(3)- Bát thạch 八石: tăng thanh 曾青, không thanh 空青, thạch đảm 石胆, tì sương 砒霜, nao sa 硇砂, bạch diêm 白盐, bạch phàn 白矾, mã nha tiêu 马牙硝.
       Tứ hoàng 四黄: hùng hoàng 雄黄, thư hoàng 雌黄, tì hoàng 砒黄, lưu hoàng 硫黄

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 10/9/2014

Nguyên tác Trung văn
ĐƯỜNG ĐẠI PHỤC THỰC DƯỠNG SINH ĐÍCH HƯNG SUY
唐代服食养生的兴衰
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THỂ DỤC SỬ
中国古代体育史
Chủ biên: Tất Thế Minh 毕世明
Bắc Kinh thể dục học viện xuất bản xã, 1992
Previous Post Next Post