SỰ TÍCH CHIM “KHỐC ĐA” NÚI ĐẠI BỒNG,
NINH BA
Trong
núi Đại Bồng 大蓬 có một loài chim nhỏ, mỏ đỏ bụng đỏ, lưng đen đầu thì
trắng. Cứ đến tháng 3 mùa nuôi tằm, chim luôn cất tiếng kêu “te te dô” (đa đa ước
爹爹哟) nghe rất ai
oán. Truyền thuyết kể rằng loài chim này do một cô gái hoá thành.
Ngày
xưa, có một lão hán họ Lưu vì tránh cái đói đã dẫn cô con gái đến núi Đại Bồng,
ông thấy nơi đây núi cao đất tốt nên lưu lại cư trú. Hai cha con từ sáng đến tối
lo vỡ mấy mẫu đất hoang trồng dâu, trồng thêm một ít cây lương thực. Tục ngữ
nói rằng: “Từ trong tổ chim có thể bay ra chim phụng hoàng”, qua 3 năm, người
con gái của Lưu lão hán trưởng thành, xinh đẹp như một đoá sen, ai thấy cũng đều
yêu mến.
Tên tài
chủ họ Trần vùng núi Đại Bồng nghe được tin này liền lén đến xem. Cô gái quả thật
xinh đẹp, con quỷ háo sắc kia thèm rỏ dãi, vội sai người đến nhà Lưu lão hán
mai mối, muốn cưới cô gái về làm vợ thứ 8. Lưu lão hán tức giận nói rằng:
- Ta chỉ có một đứa con gái, nếu như mỗi ngày
sinh được một đứa cũng không gã cho hắn.
Trần
tài chủ đương nhiên không chịu thua, hắn có ý định cướp, nhưng sợ người trong
vùng bất bình nên đành từ từ chờ cơ hội.
Mùa
xuân năm sau, ba tháng liền không có lấy một giọt mưa, trên núi cây khô cỏ úa,
suối khe khô cạn, dâu chết hàng loạt, tắm trong các nong chết dần. Hai cha con
vô cùng sầu muộn, tắm nuôi không được, lấy gì chi tiêu ăn uống trong một năm. Lưu
lão hán buồn bã nói rằng:
- Con à, làm thế nào bây giờ?
Người
con gái cất tiếng than và nói:
- Cha, cha xem mấy chục dặm trong vùng này chỉ
có vườn dâu của tài chủ họ Trần là tươi tốt, cạnh vườn ông ta có con suối. Hay
là ta đến mượn ít lá dâu để qua cơn nguy cấp.
Lưu lão
hán không muốn đi cũng đành phải đi. Trần tài chủ nói rằng:
- Được thôi, đừng nói là mượn, cả vườn dâu để
cho ông hái cũng được, nhưng với một điều kiện, ông gã con gái ông cho tôi.
Lưu lão
hán nghe qua mặt mày trắng bệch, quay người bỏ đi. Trần tài chủ cười nhạt, nói
rằng:
- Ông qua được mồng một, không qua được ngày rằm,
cứ xem thử ai thắng ai?
Lưu lão
hán nghĩ, ngồi chờ chết đói chi bằng sớm đi tìm con đường sống khác. Về đến
nhà, ông gọi con gái thu xếp quần áo đựng vào gánh chuẩn bị ra đi. Để Trần tài
chủ không biết, hai cha con đợi trời tối mới ra khỏi nhà. Đi qua mấy dặm, đến một nơi hoang vắng, đột nhiên Lưu
lão hán bị một cú đánh từ phía sau gáy, ông kêu lên một tiếng rồi ngã lăn ra đất,
đồ đạc vương vãi khắp nơi. Người con gái vừa mở miệng kêu “cha cha ơi” (đa đa ước
爹爹哟), liền có mấy tên cao lớn dùng bao bố trùm đầu cô lại,
vừa lôi vừa đẩy vào trong rừng; mấy tên còn lại kéo thi thể của Lưu lão hán đến hốc núi để cho dã
thú ăn thịt, đồ đạc trên mặt đất chúng cũng lấy đi sạch, chẳng để lại dấu vết
gì.
Sự việc
đó là do Trần tài chủ tâm địa xấu xa sai người làm. ….. Đến canh ba, Trần tài
chủ uống rượu say xông vào phòng cô gái. Lão ta bỗng điếng người, thấy cô gái
đã treo cổ trên xà nhà, rờ đến người cô ta, toàn thân lạnh ngắt, sắc mặt trắng
nhợt, cặp mắt lồi ra. Trần tài chủ mặt cũng trắng bệch, mồ hôi trên trán nhỏ giọt.
Tiếp đó có tiếng kêu bi thiết “te te dô” (cha cha ơi), một con chim nhỏ vỗ cánh
vụt bay qua trên đầu ông ta.
Đêm đó,
nhà Trần tài chủ đột nhiên phát hoả, lửa cháy đến nỗi sáng cả một góc trời.
Sáng sớm hôm sau, toà nhà lớn đã biến thành một đống gạch vụn, cả nhà ông ta đều
bị chết cháy chỉ trừ một cô đầy tớ còn sống sót.
Mọi người
không rõ ngọn lửa từ đâu bốc lên. Cô đầy tớ chỉ vào con chim nhỏ đang lượn vòng
trên đống gạch, nói rằng:
- Là nó đấy, nó thả lửa xuống. Tối qua tôi ngủ
rất muộn, nhìn thấy nó ngậm một cục than đỏ rực bay vào phòng của chủ nhân, quả
đúng là báo ứng.
Cô đầy tớ còn kể cho mọi người
nghe sự việc hai cha con cô gái bị hại. Mọi người nhìn kĩ, đúng rồi, trên đầu
chim là một chùm lông trắng, nhất định là nó để tang cho người cha, mỏ và bụng đỏ đỏ, nhất định là bị
cục lửa đốt cháy.
Nghe tiếng kêu “te te dô, te te dô” (cha cha
ơi, cha cha ơi) ai oán, nhìn nó bay qua bay lại, ấy là do bởi cho đến hiện nay
nó vẫn chưa tìm thấy người cha.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/7/2014
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật