Dịch thuật: Totem và tín ngưỡng cảm sinh

TOTEM VÀ TÍN NGƯỠNG CẢM SINH

          Totem là một trong những đối tượng của tín ngưỡng tôn giáo nguyên thuỷ. "Totem" là phương ngôn của người Ojibwas, người Indians ở Bắc Mĩ, ý nghĩa là “thân tộc của nó”. Tín ngưỡng totem cho rằng giữa con người với một loại động thực vật hoặc vô sinh vật nào đó có một mối quan hệ đặc biệt, mỗi thị tộc đều bắt nguồn từ một totem nào đó, totem này là ngọn nguồn, thần bảo hộ của thị tộc đó, cũng là tượng trưng và huy hiệu của thị tộc đó, đồng thời biểu lộ ra qua tâm lí, phục sức, hình thức đồ án. Loại tín ngưỡng này cùng với thị tộc xuất hiện đồng bộ, như vậy mới có thể giải thích nguồn gốc sinh mệnh “chỉ tri kì mẫu bất tri kì phụ” 只知其母不知其父 (chỉ biết mẹ mà không biết cha) của thành viên thị tộc mẫu hệ, còn tiêu chí totem là chỗ dựa của việc thực hành chế độ thị tộc ngoại hôn. Từ đó thấy rằng, totem cùng với tín ngưỡng sinh dục, sùng bái tổ tiên và thị tộc chế có mối quan hệ mật thiết.
          Totem có phải là tồn tại phổ biến trong xã hội nhân loại? trước mắt hãy còn chưa có cách nói xác định. Nhìn từ tình hình thực tế của Trung Quốc, cũng có tín ngưỡng totem. Như trong văn hiến có nhiều truyền thuyết thuỷ tổ chỉ có mẹ mà không có cha, cảm ứng một loại động thực vật hoặc vô sinh vật nào đó mới sinh ra đời sau, đời sau này chính là thuỷ tổ nam tính của những thị tộc đó, đây là sự tương hợp với tín ngưỡng totem. Như Hoa Tư 华胥 dậm lên vết chân người khổng lồ sinh ra Phục Hi 伏羲, Phụ Bảo 附宝 cảm Bắc Đẩu sinh ra Hoàng Đế 黄帝, Tu Kỉ 修己 “nuốt thần châu ý dĩ” sinh ra Đại Vũ 大禹, Giản Địch 简狄 nuốt trứng huyền điểu sinh ra ông Khế , Khương Nguyên 姜嫄 ướm dấu chân của thần nhân sinh ra Hậu Tắc 后稷 v.v…  Những truyền thuyết này có 2 đặc điểm:
          - Có tổ tiên nữ tính, không có tổ tiên nam tính, tiêu chí là thời đại thị tộc mẫu hệ.
          - Nữ thuỷ tổ cảm ứng một loại động thực vật hoặc vô sinh vật nào đó mà sinh con, sản sinh ra thuỷ tổ chế độ phụ quyền.
          Những động thực vật hoặc vô sinh vật này có khả năng là totem. Nhìn từ tư liệu dân tộc học, nhiều dân tộc ở Trung Quốc đều có qua tín ngưỡng totem, nhưng cũng có dân tộc thiểu số khuyết dấu vết totem. Nhìn từ tư liệu khảo cổ, cũng có thể thấy hình tượng totem mang tính địa vực nhất định.
          Totem chim
          Trong văn hoá thời đại đồ đá mới ở khu vực duyên hải đông nam Trung Quốc, có một số lượng lớn hình tượng totem chim, như trên muỗng bằng xương, muỗng bằng răng voi của văn hoá Hà Mẫu Độ 河姆渡 có khắc chìm hoa văn chim, văn hoá này còn lưu hành loại trang trí hình chim được khắc trên đá hoặc răng voi, nó có mối quan hệ nhất định với loại trang sức của văn hoá Lương Chử 良渚 sau này, cũng như thế, loại trang trí hoa văn chim trên ngọc tông 玉琮, ngọc bích 玉璧, ngọc trạc 玉镯 cũng thấy không ít. Xưa nay, khu vực duyên hải đông nam đã lưu hành totem chim. Trong Sơn hải kinh – Đông hải kinh chú 山海经 - 东海经注 có ghi:
          Nam phương hữu nhân, nhân diện điểu huế, nhi hữu dực, thủ túc phù dực nhi hành, thực hải trung ngư.
          南方有人, 人面鸟喙, 而有翼, 手足扶翼而行, 食海中鱼.
          (Phương nam có giống người, mặt người mỏ chim, có cánh, tay chân nâng cánh mà đi, ăn cá trong biển)
          Trong Bác vật chí 博物志 quyển 9 ghi rằng:
          Việt địa thâm sơn hữu điểu, như cưu, thanh sắc, danh viết Dã điểu ….. Thử điểu bạch nhật kiến kì hình, điểu dã; dạ thính kì minh, nhân dã ….. Việt nhân vị thử điểu vi Việt Chúc chi tổ.
          越地深山有鸟, 如鸠, 青色, 名曰冶鸟. ….. 此鸟白日见其形, 鸟也; 夜听其鸣, 人也. ….. 越人谓此鸟为越祝之祖.
          (Trong vùng núi sâu ở đất Việt có loài chim, như chim cưu, sắc xanh, tên là Dã điểu. ….. Loài chim này ban ngày nhìn hình dạng của nó là chim, ban đêm nghe tiếng kêu của nó như con người. ….. Người Việt cho loài chim này là ông tổ Việt Chúc)
          Dã điểu đã là “Việt Chúc chi tổ”, đương nhiên có mối quan hệ thân thuộc nhất định với người Việt.
          Trong Luận Hành – Thư hư thiên 论衡 - 书虚篇  ghi rằng:
          Thuấn táng vu Thương Ngô, tượng vị chi canh, Vũ táng Cối Kê, điểu vị chi điền, cái dĩ đức pháp sở trí, thiên sử điểu thú bảo hựu dã (1).
          舜葬于苍梧, 象为之耕, 禹葬会稽, 鸟为之田, 盖德法所致, 天使鸟兽保佑也.
          (Vua Thuấn chôn ở Thương Ngô, voi vì ông mà cày đất, vua Vũ chôn ở Cối Kê, chim vì ông mà cày ruộng. Đó là do bởi đức độ của bậc thánh nhân nên trời sai chim thú xuống giúp)
          Từ đó có thể thấy, cư dân nguyên thuỷ vùng duyên hải đông nam Trung Quốc từng tín ngưỡng qua totem chim, xem chim là nguồn gốc và là thần bảo hộ của mình, đồng thời trên mũ, công cụ, lễ khí có hình tượng chim, xem đó là tượng trưng của thị tộc.  (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Tác phẩm Luận hành 论衡 của Vương Sung 王充 có 30 quyển, gồm 85 thiên. Câu này ở thiên Thư hư 书虚 , trong nguyên tác in là Thư độ 书度

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 11/4/2014

Nguyên tác Trung văn
ĐỒ ĐẰNG DỮ CẢM SINH TÍN NGƯỠNG
图腾与感生信仰
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Tác giả: Tống Triệu Lân宋兆麟
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post