Dịch thuật: Totem và tín ngưỡng cảm sinh (tiếp theo)

TOTEM VÀ TÍN NGƯỠNG CẢM SINH
(tiếp theo)

         Totem ếch

          Trên đồ gốm màu thuộc văn hoá Ngưỡng Thiều 仰韶 ở khu vực tây bắc và trung nguyên đa phần có hình tượng con ếch, như chậu có hoa văn ếch, bình có hoá văn ếch, nhất là tại khu vực Cam Túc, Thanh Hải là nổi bật nhất. Tộc người Tráng cho rằng ếch là con của thần sấm, có thể thông với trời đất, chủ về mưa, nhân đó ở những bức hoạ trên vách động, trên trống đồng đa phần có hình tượng con ếch, hàng năm còn tổ chức “Thanh oa tiết” 青蛙节, cầu mong ngũ cốc phong đăng. Tộc người Nạp Tây 纳西 cũng tôn ếch làm thần, cho rằng trên thân ếch có 3 đường hoa văn sắc vàng, có thể quyết định 8 phương vị, ngũ hành và 10 thiên can, 12 địa chi, đầu, đuôi, bụng, lưng tượng trưng 4 phương, tứ chi đại biểu 4 góc, hình thành “ba cách đồ” 巴格图 (1), tiến hành diễn tính bát quái, bói cát hung. Những tín ngưỡng này đều có quan hệ với totem ếch.
          Totem chó
          Tại Đài Loan và khu vực đông nam lưu hành totem chó, như trong văn hoá thời đại đồ đá mới ở Đài Loan phát hiện một chiếc ngọc bội, phần trên có hình một con vật, phần dưới hình một người đang đứng, hình con vật này là hình con chó. Tộc người Miêu cư trú tại khu vực Khải Lí 凯里, Quý Châu 贵州, truyền thuyết kể rằng thời đại Chuyên Húc 颛顼 có một bà lão mọc một cái nhọt, một ngày nọ cái nhọt biến thành Bàn Hồ 盘瓠, Bàn Hồ nhân vì có công lấy được thủ cấp tướng lĩnh nước Ngô nên được phong làm Hộ Quốc tướng quân, cưới con gái của Đế làm vợ, sống tại sơn động Vũ Thạch 武石, sinh được 6 người con trai, 6 người con gái, từ đó phát triển thành tộc người Miêu. Dân gian nơi đó còn bảo lưu một loại hình nghệ thuật cắt giấy gồm rồng, chó, 6 nam 6 nữ, đây chính là sự trình bày câu chuyện về totem chó của tộc người Miêu. Tộc người Xa cư trú tại khu vực Lệ Thuỷ 丽水, Triết Giang 浙江 cũng có truyền thuyết tương tự, đồng thời thờ “Tổ đồ” 祖图, bên trên vẽ quá trình lịch sử Bàn Hồ kết hôn với con gái của Đế sản sinh ra tộc người Xa.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Ba cách đồ 巴格图: tiếng Nạp Tây 纳西 có nghĩa là “đồ án hình con ếch bị giết”
          Người Nạp Tây có truyền thuyết như sau:
          Vào thời viễn cổ, người Nạp Tây thưa thớt, tổ tiên họ muốn con cháu đông lên, nên rất hâm mộ năng lực sinh sản của con ếch. Họ lấy ếch làm totem của bổn tộc. Ếch nhân đó được sủng ái. Lúc bấy giờ, nhân loại lưu hành một bệnh quái lạ đó là không phân biệt được phương vị, vì thế mọi người mới chọn con dơi trắng đi lên trời để cầu kinh thư trị loại ôn dịch này. Trên đường trở về do không cẩn thận, kinh thư rơi xuống biển bị thần ếch nuốt lấy. Để lấy lại kinh thư, nhân loại cầu với thiên thần dùng tên bắn chết thần ếch. Khi thần ếch chết, phát ra 5 âm thanh, 5 âm này diễn biến thành ngũ hành “kim mộc thuỷ hoả thổ”, đại biểu cho 5 phương vị: đông nam tây bắc và trung ương. Tên từ phương đông bắn ra, đầu mũi tên hướng về tây (đầu mũi tên thuộc kim), đuôi của tên chỉ về phương đông (đuôi tên thuộc mộc); đầu ếch hướng về phương nam (miệng nhả ra lửa thuộc hoả); đuôi ếch hướng về phương bắc (thận thuỷ bài tiết ra nước đen, thuộc thuỷ); thân ếch ở giữa (ngũ tạng lục phủ thuộc thổ). Về sau, tổ tiên người Nạp Tây lại phối thêm 12 con giáp vào chung quanh, chỉ 12 thời thần, hình thành đồ án này. Có thể nói, “Ba cách đồ” vừa là một loại văn hoá totem của tộc Nạp Tây, đồng thời cũng là đồ hình dùng để nêu phương vị và thời lệnh của tổ tiên người Nạp Tây, một công cụ bói quẻ rất thực dụng, mọi người thường dùng nó để chọn ngày tốt, chọn đất đai, bói cát hung.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/1096048.htm


                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 12/4/2014

Nguyên tác Trung văn
ĐỒ ĐẰNG DỮ CẢM SINH TÍN NGƯỠNG
图腾与感生信仰
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Tác giả: Tống Triệu Lân宋兆麟
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post