TẬP TỤC "ĐÍNH MINH" VÀ "THỈNH KÌ" TRONG HÔN
LỄ
Lễ
“đính minh” 订盟 gọi là “văn định” 文定,
cũng còn gọi là “tiểu sính” 小聘, chính là lễ đính
hôn hiện nay. Nhà trai chuẩn bị lễ vật đưa sang nhà gái, sính lễ gồm: hoa tai
vàng, trâm vàng, nhẫn vàng, lụa, dê, heo, đèn sáp, hương, pháo, bánh … Bà mai
cùng song thân nhà trai hoặc thân thích cùng đến nhà gái. Nhà gái tiếp nhận phần
lớn sính lễ, và cũng chuẩn bị 12 món tặng đáp lại, đồng thời xem xét bà con bên
nhà trai nhiều ít mà làm bánh lễ, nhà trai sẽ đem bánh lễ đó tặng bà con thân
thuộc, xem như đã thông báo lễ đính hôn, đó gọi là “phân bính” 分饼 (chia bánh). Bà con được nhận, ngày sau sẽ tặng lễ vật
trong hôn lễ.
Khi cử
hành lễ đính hôn, nhà trai có 6 người hoặc 12 người (số chẵn) đến nhà gái, nhà
gái đem sính lễ dâng lên khám thờ Thần và bàn thờ tổ tiên để cúng. Cô gái sắp lấy
chồng sẽ dâng trà cho hai bên, bà mai sẽ cô gái với mọi người. Nhà trai sau khi
dùng trà sẽ tặng bao lì xì “đại trà âu” 大茶瓯
đặt trên li trà. Sau đó cô gái sẽ ra ngồi trên ghế đặt chính giữa nhà (hai chân
đặt trên một chiếc kỉ thấp, biểu thị sự cao quý; khi xuất giá mặt hướng ra
ngoài; khi kén rễ mặt hướng vào trong). Bậc tôn trưởng bên nhà trai sẽ đeo nhẫn
cho cô gái. Nhẫn có 2 loại: bằng vàng và bằng đồng. (Vàng là “kim” 金 hài âm với chữ “kim” 今
là nay, “đồng” 铜 hài âm với chữ “đồng” 同
là cùng nhau, lấy ý vợ chồng từ nay trở đi đồng tâm gắn kết với nhau). Dùng sợi
dây đỏ buộc lại, biểu thị nhân duyên vợ chồng. Đeo nhẫn xong, mời mọi người nhà
trai vào tiệc là lễ đính hôn đã hoàn thành. Cũng có thể đơn giản hơn, “tiểu sính”
và “đại sính” kết hợp cử hành, cũng tức là đem 3 lễ: “đính minh” 订盟 lễ “nạp thái” 纳彩 “nạp tệ” 纳币hợp
lại làm một, gọi chung là “tống định” 送定. Nhà gái có gia cảnh
không được dư dã thì không tặng những lễ vật quý giá, để tránh không gây ra phiền
phức cho đối phương khi tặng lại.
2- Thỉnh kì 请期
Sau lễ
đính hôn, việc hôn nhân cơ bản đã thành, còn một việc cần phải chuẩn bị đó là
“thỉnh kì” 请期. Thỉnh kì tương đương với đời sau là “cáo kì” 告期, “hạ nhật tử” 下日子,
“tống nhật tử” 送日子, “thám thoại” 探话,
chính là nhà trai sau khi xem bói chọn được ngày giờ tốt để hợp hôn, nhờ bà mai
thông báo cho nhà gái biết để trưng cầu sự đồng ý. Trong quá trình thực hiện
nghi thức thỉnh kì, phải tiến hành hoạt động chiêm bốc lần thứ hai, đại thể
cũng giống như chiêm bốc sau khi vấn danh, chủ yếu là chọn ngày rước dâu thích
hợp. Trong dân gian nhìn chung thường chọn ngày chẵn tháng chẵn, như ngày mồng
2 tháng 2, ngày mồng 8 tháng 4, ngày mồng 6 tháng 6, ngày mồng 8 tháng Chạp.
Trung tâm tuyển chọn trong việc chiêm bốc vẫn là “bát tự” 八字 (1) và cầm tinh con gì, chẳng qua tháng tổ chức cưới nhất
định không thể phạm vào kị huý cầm tinh của hai bên nam nữ, nếu không sẽ “phạm
nguyệt” 犯月: Những người có liên quan trong việc đưa dâu, rước dâu cũng không thể phạm kị huý cầm tinh.
Tập tục
thỉnh kì thời cổ, nhìn chung các gia đình đều tiến hành bằng cách nói trực triếp,
một số gia đình quý tộc hoặc giàu có có học thức tiến hành theo hình thức thư từ,
cũng gọi là “hạ hôn thư” 下婚书.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- BÁT TỰ 八字: là 8 chữ Can Chi dựa
theo lịch pháp ghi năm, tháng, ngày, giờ sinh ra của một người.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/12/2013
Nguồn
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật