CỘI NGUỒN CỦA PHÚ
Phú 赋 là một thể văn mới, hưng khởi trên văn đàn Trung Quốc,
nó kế thừa Thi kinh 诗经 và Sở từ 楚辞. Phú thịnh hành nhất vào thời Hán. Trong khoảng thời
gian 400 năm thời lưỡng Hán, nhìn chung văn nhân đa phần đều ra sức viết thể
văn này, vì thế cực thịnh một thời, đời sau xem những tác phẩm của họ là đại biểu
của văn học đời Hán.
Phú được
xem là tên gọi của thể văn, có quá trình diễn biến của nó. Trong Tả truyện 左传 có những ghi chép về bài phú nào đó của một người nào
đó, ở đây, “phú” mang ý nghĩa là tụng thuyết, không phải chỉ thể văn. Câu trong
Hán thư – Nghệ văn chí 汉书 - 艺文志:
Bất ca nhi tụng vị chi phú
不歌而诵谓之赋
(Không để ca mà để tụng thì gọi là phú)
chính là ý này. Trong Chu lễ - Xuân quan Tông bá 周礼 - 春官宗伯 có nói đến “lục
thi” 六诗, trong Mao thi
tự 毛诗序 gọi là “lục nghĩa” 六义, tức “phong” 风, “nhã” 雅, “tụng” 颂, “phú” 赋, “tỉ” 比, “hứng” 兴. Theo chú giải của
Trịnh Huyền 郑玄, “phú” có nghĩa là phô bày, tức:
Trực phô trần kim chi chính giáo thiện
ác
直铺陈今之政教善恶
(Phô bày thẳng chính giáo thiện ác đương thời)
ở đây nó cũng không chỉ thể văn. Nhưng thủ pháp phô trần
ngôn chí trong Thi kinh có ảnh hưởng
đối với sự hình thành của phú, cho nên trong Lưỡng đô phú tự 两都赋序 Ban Cố 班固 có nói:
Phú giả, cổ “Thi” chi lưu dã
赋者, 古“诗”之流也.
(Phú là một chi lưu của “Thi”)
Phú được
xem là tên gọi thể văn thấy sớm nhất ở Phú
thiên 赋篇 của Tuân Huống 荀况 thời Chiến Quốc,
trong đó lần lượt phô bày miêu tả 5 loại sự vật: vân 云,
tàm 蚕, lễ 礼, tri 知, châm 箴, có thể nói từ phô
trần phát triển đến sự khởi đầu lấy phú làm tên gọi. Phú được xem là một thể chế
văn học thì có thể truy ngược đến Sở từ. Những thiên như Li tao 离骚, Cửu ca 九歌 của Khuất
Nguyên 屈原 thời Chiến Quốc, lúc bấy giờ chưa từng gọi là phú, đến
khi Lưu Hướng 刘向, Lưu Hâm 刘歆 thời Tây Hán giữ việc
hiệu đính sách vở ở Bí thư các 秘书阁 biên tập những tác
phẩm của Khuất Nguyên mới bắt đầu gọi 25 thiên của Khuất Nguyên là “Khuất
Nguyên phú” 屈原赋; Hán thư – Nghệ
văn chí đã trứ lục, đồng thời còn trứ lục thêm 16 thiên “Tống Ngọc phú” 宋玉赋, 4 thiên “Đường Lặc phú” 唐勒赋.
Giữa Sở từ và phú quả thực tồn tại mối quan hệ mật thiết, cho nên trong sự phân
loại thể văn của đời sau thường gọi chung “từ phú”, đồng thời xem Khuất Nguyên
là ông tổ của từ phú. Nhưng về tinh thần và thể mạo của Sở từ hoàn toàn khác với
những đại phú chính tông của đời Hán và của các đời sau, cho nên bắt đầu từ Tư
Mã Thiên 司马迁 có sự phân biệt giữa từ và phú.
Nói tóm
lại, thể phú khởi nguồn từ Sở từ, đến Tuân Huống mới bắt đầu định danh, nó xuất
hiện vào hậu kì thời Chiến Quốc, sang thời Hán mới hình thành thể chế xác định.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 06/11/2013
Nguyên tác Trung văn
PHÚ ĐÍCH UYÊN NGUYÊN
赋的渊源
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật