Dịch thuật: Vịnh sử - Trường Phái Hầu phát


長派侯髮
黎烱從亡
半生膚髮未酬恩
羈靮飄零萬里魂
慷慨北庭三寸舌
丹心長與髮俱存
                  阮輝濡

TRƯỜNG PHÁI HẦU PHÁT
LÊ QUÝNH TÒNG VONG (1)
Bán sinh phu phát  (2) vị thù ân
Ki đích phiêu linh vạn lí hồn
Khảng khái bắc đình tam thốn thiệt
Đan tâm trường dữ phát câu tồn
                                                       NGUYỄN HUY NHU (3) 

Dịch nghĩa
TÓC CỦA TRƯỜNG PHÁI HẦU
LÊ QUÝNH TÒNG VONG
Nửa đời rồi chưa đến đáp được ơn cái da cái tóc
Mà còn phải phiêu linh, rong ruổi trên lưng ngựa đi xa ngàn dặm
Ba tấc lưỡi khảng khái nơi triều đình phương bắc
Tấm lòng son cùng với tóc của ông mãi mãi trường tồn

Dịch thơ
TÓC CỦA TRƯỜNG PHÁI HẦU
LÊ QUÝNH TÒNG VONG
Nửa đời da tóc chửa đền ơn
Trên ngựa phiêu linh vạn dặm hồn
Khảng khái hiên ngang ba tấc lưỡi
Lòng son cùng tóc mãi luôn còn.

Chú của người dịch
(1)- LÊ QUÝNH (1750 – 1805) (chữ “quýnh” trong nguyên tác viết với bộ  “nhân” , không phải với bộ “hoả” . Do bởi máy không có chữ đó nên tạm mượn chữ “quýnh” với bộ “hoả”).
          Lê Quýnh người làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An – Kinh Bắc (nay là thôn Đại Mão, xã Hoài Thương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Ông còn có tên là Lê Doãn Hữu, con trai của Tiến sĩ Lê Doãn Gián. Năm 21 tuổi, Lê Quýnh được bổ làm Nho sinh ở Chiêu Văn quán.
          Năm 1786, sau khi Nguyễn Huệ diệt họ Trịnh, ông đem 300 gia đinh ra Thăng Long bảo vệ vua Lê Hiển Tông. Khi Lê Hiển Tông qua đời, cháu nội là Lê Duy Kì lên thay tức Lê Chiêu Thống. Lê Quýnh nhận lệnh trấn giữ miền Giang Bắc.
          Tháng 12 âm lịch năm 1878, sau khi Vũ Văn Nhậm đem quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy lên Kinh Bắc. Ngày 1 tháng 11 năm 1788, quân Thanh tiến vào Lạng Sơn. Ngày 22 tháng 11, lấy lại kinh thành Thăng Long, đưa Lê Chiêu Thống trở lại ngai vàng. Lê Chiêu Thống phong Lê Quýnh làm Trung quân đô đốc, tước Trường Phái Hầu.
          Quân Tây Sơn nhanh chóng đánh tan quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại chạy sang Trung Quốc vào tháng Giêng năm 1789, rồi được đưa đến Yên Kinh. Tổng đốc lưỡng Quảng lúc bấy giờ là Phúc Khang An sai người gọi Lê Quýnh, Lê Doãn Trị, Trịnh Hiến, Lí Gia Du đến Quảng Tây, dụ bảo gióc tóc và thay đổi đồ mặc. Lê Quýnh không chịu, khảng khái đáp rằng:
Được ơn với đến đây, chúng tôi chưa được nghe ngài dạy bảo rõ ràng gì cả, thế mà nay chỉ bắt chúng tôi gióc tóc thì há là ý muốn ban đầu của bọn Quýnh này chạy vạy hàng hai, ba ngàn dặm sang đây để nhận lãnh lệnh truyền ấy đâu? Đầu chúng tôi có thể chặt chứ tóc chúng tôi thì không thể gióc được.
Vì không chịu gióc tóc nên Quýnh bị khép vào tội chống mệnh lệnh của vua Thanh, bị bắt giam vào ngục.
          Tháng 5 năm 1792, con nhỏ của Lê Chiêu Thống chết. Ngày 16 tháng 10 năm 1793, Lê Chiêu Thống qua đời. Tháng 11 năm 1799, Thái hậu, mẹ của Lê Chiêu Thống cũng qua đời. Vua Gia Khánh sai thả Lê Quýnh và các đồng liêu ra khỏi ngục, từ đầu tóc cho tới ăn mặc đều được cho tuỳ ý.
          Ngày 13 tháng 8 năm 1804, Lê Quýnh cùng các cựu thần đưa di hài ba người về lại Việt Nam, Gia Long cho an táng ở Thanh Hoá.
          Ngày 16 tháng 9 năm Ất Sửu 1805, Lê Quýnh mất, hưởng dương 55 tuổi.
          Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki

          Trong Việt sử yếu 越史要 của Hoàng Cao Khải 黃高啟 bản chữ Hán ghi rằng:
          Khang An cáo Mẫn Đế viết: “Ngã Thanh viện binh, kế nhật tương chí. Duy quý quốc quân, thường vi Tây Sơn tặc sở khinh. Bất như cải tùng Hoa trang, sử chi quân dung vô biệt.” Mẫn Đế dĩ vi nhiên. Lê Quýnh bất khẳng, khái nhiên viết: “Ngô đầu khả đoạn, ngô phát bất khả thế.” Cái Quýnh tri Thanh nhân chi quỷ mưu, nhi dục trì khí tiết dĩ ngộ Thượng tâm dã.
(Trang 683, 684. Nhà xuất bản Nghệ An, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2007)
          康安告愍帝曰: “我清援兵, 計日將至. 惟貴國軍, 常為西山賊所輕. 不如改從華裝, 使之軍容無別.” 愍帝以為然. 烱不肯, 慨然曰:吾頭可斷, 吾髮不可薙. 蓋烱知清人之詭謀, 而欲持氣節以悟上也.
          (Phúc Khang An nói với Mẫn Đế (tức Lê Chiêu Thống) rằng: “Viện binh của nhà Thanh ta sắp tới. Quân của quý quốc thường bị giặc Tây Sơn coi khinh. Chi bằng nay đổi theo trang phục Trung Hoa để quân dung không có sự phân biệt.” Mẫn Đế cho là phải. Riêng Lê Quýnh không chịu, khảng khái nói rằng: “Đầu của tôi có thể chặt, chứ tóc của tôi không thể cắt”. Bởi Quýnh biết âm mưu quỷ quyệt của người Thanh, nên kiên trì khí tiết của mình để thức tỉnh chúa thượng)

 (2)- PHÁT PHU 髮膚: tóc và da. Trong Hiếu kinh – Khai tông minh nghĩa 孝經 - 開宗明義 có câu:
Thân thể phát phu thụ chi phụ mẫu bất cảm huỷ thương, hiếu chi thuỷ dã
身體髮膚受之父母不敢毀傷, 孝之始也.
(Thân thể tóc da của mình là nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn hại, đó là khởi đầu của hiếu)

(3)- Nguyễn Huy Nhu 阮輝濡 (1887 – 1962): còn gọi là Nghè Nhu, là một danh sĩ Nho học và nhà giáo dục Việt Nam đầu thế kỉ 20. Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò) tỉnh Nghệ An. Nguyên quán ông ở xã Bột Thái, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tổ tiên dời vào Nghệ An.
          Ông đỗ Cử nhân khoa Kỉ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định khi mới 30 tuổi.
          Bia Văn miếu Huế chép ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5 trong số 7 Tiến sĩ của khoa này. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện tu soạn, Đốc học Quảng Ninh.
          Khi Viện đại học Huế thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn.
          Ông qua đời năm 1962.
          Ở trang đầu trong nguyên tác ghi là:
Lư Phong Nguyễn Huy Nhu Bính Thìn Tam giáp Tiến sĩ Lễ bộ tá lí.
山盧(*)峯阮輝濡丙辰三甲進士礼步佐理
    (Chữ “Lư” này gồm bộ bên trái và chữ bên phải)
          Bài Trường Phái Hầu phát  là bài thứ 10 trong 11 bài Vịnh sử 咏史 ở tập Bí viên thi thảo 賁園詩草 của Lư Phong Nguyễn Huy Nhu.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 07/11/2013
Previous Post Next Post