Ảnh: Chùa Nhạn Sơn (Chùa Ông Đá)


Bên trong chánh điện
12g03 ngày 24/8/2013


Chánh điện chùa Nhạn Sơn
11g42 ngày 24/8/2013


Chánh điện chùa Nhạn Sơn
11g39 ngày 24/8/2013


Tam quan chùa Nhạn Sơn
11g31 ngày 24/8/2013

CHÙA NHẠN SƠN
(Thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)


CHÙA NHẠN SƠN
(Thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)
          Chùa Nhạn Sơn, tục gọi là chùa Ông Đá, toạ lạc tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 23 km về phía Tây Bắc.
          Trước kia chùa có tên là Thạch Công Tự, vì trong chùa có hai tượng đá rất lớn. Theo Hoà thượng trụ trì hiện nay, chùa lập vào thế kỉ thứ XVI, được sắc tứ vào năm Tự Đức thứ 17 (năm 1864) và năm Bảo Đại thứ 18 (năm 1943). Năm 1977 một đoàn khảo cổ từ Hà Nội vào, xác định hai tượng đá này có từ thế kỉ thứ XIII.
          Ngày 13 tháng 3 năm 2001, chùa được công nhận và xếp hạng di tích cấp quốc gia với nội dung:
          Di tích kiến trúc nghệ thuật, nơi lưu giữ hai tượng môn thần, tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỉ XIII.
          Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn và trong Nước non Bình Định của Quách Tấn có nói đến ngôi chùa này.

          Đại Nam nhất thống chí ghi rằng:
          Chùa Mạn Sơn: tục gọi của Ông Đá, ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía nam thành Chà Bàn. Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son, một pho sơn then, thầy chùa chế áo xiêm, trông như hình người còn sống. Tương truyền ấy là tượng Phật của người Chiêm Thành. Cầu đảo thường ứng nghiệm.
(Tập 3, mục tỉnh Bình Định, trang 50, 51, bản dịch của Phạm Trọng Điềm Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1999) (Sách in là Chùa Mạn Sơn)

Nước non Bình Định ghi rằng:
Chùa NHẠN SƠN, thờ Phật, ở phía Bắc thành Bình Định, cách chừng bốn năm cây số. Từ Bình Định đi xe lửa đến ga Vân Sơn, trông về hướng Tây thì thấy một hòn núi đất sỏi, ba ngọn tròn trịa, màu gạch chín, dưới chân một đám xoài xanh rậm làm nổi bật sắc sỏi đỏ và màu đất xám ở chung quanh.
Đó là núi Long Cốt, trước kia làm tiền án cho thành Đồ Bàn, hiện nay làm bức bình phong yểm hộ, chùa Nhạn Sơn nép mình dưới bóng xoài sum mát.
Núi nằm trong thôn Nhạn Tháp, nên cũng thường gọi là núi Nhạn Tháp, và Chùa nằm dưới chân núi nên mang tên là Chùa Nhạn Sơn.
Kiến trúc của chùa không có chi lạ.
Và tên Nhạn Sơn mới đặt sau này. Trước kia gọi là THẠCH CÔNG TỰ, tục gọi Chùa Ông Đá. Vì trong chùa có hai tượng đá rất to lớn.
Hai tượng đứng đối diện nhau. Mỗi tượng cao đến ba thước Tây và lớn có đến hai ôm người lớn. Mình khoát áo đại bào, đầu đội mão vũ đằng, tay cầm vũ khí (một tượng cầm giản, một tượng cầm kiếm), mặt mày dữ tợn, người yếu bóng vía không dám đứng cận kề.
Người ta bảo đó là tượng của hai ông HUỲNH TẤN CÔNG và LÝ  XUÂN ĐIỀN đời nhà Trần.
          ……………
          (Trang 252. Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 12/10/2013






Previous Post Next Post