Dịch thuật: Tết Trùng dương

TẾT TRÙNG DƯƠNG

          Ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch là tết Trùng dương 重阳. Trong Kinh Dịch đem số 9 định là số dương, mồng 9 tháng 9, hai số 9 tương trùng cho nên gọi là Trùng dương, cũng còn gọi là Trùng cửu 重九.
          Từ thời Chiến Quốc đã hình thành tết Trùng dương, đến thời Đường, Trùng dương được chính thức định là ngày tết dân gian. Từ đó về sau, các triều đại đều theo đó cho tới hôm nay.
          Trùng dương còn được gọi là “Đạp Thu” 踏秋 cùng với “Đạp Xuân” 踏春 mồng 3 tháng 3 là ngày mà mọi người trong nhà đều ra ngoài vui chơi. Ngày Trùng dương mọi người lên cao để “tị tai” 避灾 (tránh tai hoạ), đeo cành thù du (1), thưởng ngắm hoa cúc.
          Trùng dương là một trong những ngày tết truyền thống mà văn nhân mặc khách các đời làm thơ ngâm vịnh nhiều nhất. Trùng dương 重阳 cùng với Trừ tịch 除夕, Thanh minh 清明, Trung nguyên 中元 là tứ đại Tế tổ truyền thống của Trung Quốc
1- Nguồn gốc tết Trùng dương
          Thứ nhất
          Về nguồn gốc của tết Trùng dương có thể truy ngược lên đến trước thời Tiên Tần. Ở Quý Thu kỉ 季秋纪 trong Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋 có ghi:
          (Cửu nguyệt) mệnh Trủng Tể, nông sự bị thu, cử ngũ chủng chi yếu.Tàng Đế tịch chi thu vu Thần thương, chi kính tất sức.
          (九月) 命冢宰, 农事备收, 举五种之要. 藏帝籍之收于神仓, 祗敬必饬.
          ( (Tháng 9) sai quan Trủng Tể, sau khi thu hoạch toàn bộ nông sản, lập sổ sách ghi chép các loại ngũ cốc, đem những nông sản thu hoạch tại tịch điền của thiên tử nhập vào kho chuyên trữ những nông sản dùng để tế tự các thần, phải hết sức cung kính)
Thị nguyệt dã, đại Hưởng Đế, thường hi sinh, cáo bị vu thiên tử.
是月也, 大飨帝, 尝牺牲, 告备于天子.
          (Tháng đó, tế Hưởng Thiên Đế, dùng hi sinh để tế, mọi việc hoàn tất bẩm cáo với thiên tử việc tế tự đã hoàn bị)
          Có thể thấy lúc bấy giờ vào tháng 9 mùa Thu đã có hoạt động dùng những nông sản thu hoạch được tế Hưởng Thiên Đế, tế Tổ để cảm tạ Thiên Đế cùng ân đức của tổ tiên.
          Trong Tây kinh tạp kí 西京杂记 có chép, thời Tây Hán cung nhân Giả Bội Lan 贾佩兰 nói rằng:
          Cửu nguyệt cửu nhật, bội thù du, thực bồng nhị, ẩm cúc hoa tửu, linh nhân trường thọ (2).
九月九日, 佩茱萸, 食蓬饵, 饮菊花酒, 令人长寿.
          (Ngày mồng 9 tháng 9, đeo cành thù du, ăn bánh bồng nhị, uống rượu hoa cúc, có thể khiến người ta sống lâu)
          Tương truyền từ đó trở đi, có tục vào tết Trùng dương cầu trường thọ. Đây là chịu ảnh hưởng việc các vu sư (sau này là đạo sĩ) cổ đại truy cầu trường sinh thu thập dược vật dùng để uống. Còn hoạt động yến ẩm với qui mô lớn là từ hoạt động yến ẩm mừng được mùa ở thời Tiên Tần phát triển mà thành. Trong Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记 ghi rằng:
Cửu nguyệt cửu nhật, tứ dân tịnh tịch dã ẩm yến.
九月九日,四民并籍野饮宴
(Ngày mồng 9 tháng 9, nơi đồng rộng người dân tổ chức ăn uống)
          Đỗ Công Chiêm 杜公瞻 đời Tuỳ chú rằng:
Cửu nguyệt cửu nhật yến hội, vị tri khởi vu hà thời, nhiên tự trú chí Tống vị cải.
九月九日宴会,未知起于何时,然自驻至宋未改.
(Yến hội ngày mồng 9 tháng 9 không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng từ khi có cho đến đời Tống không hề thay đổi)
Cầu trường thọ cùng yến hội đã cấu thành nét cơ bản của tết Trùng dương.
Thứ hai
Một trong những nguyên hình của tết Trùng dương là nghi thức tế tự Đại hoả 大火 thời cổ.
Đại hoả tinh 大火星 được xem là tiêu chí của tinh tú báo hiệu mùa vụ ở thời cổ vào tháng 9 mùa Thu sẽ ẩn đi. Trong Hạ tiểu chính 夏小正 có nói: “Cửu nguyệt nội hoả” 九月内火 (3), sự ẩn đi của Đại hoả tinh không chỉ khiến cho cổ nhân mất đi toạ độ thời gian bởi xưa nay họ xem Đại hoả tinh là tiêu chí cho việc sản xuất mùa vụ và sinh hoạt mùa vụ, mà còn khiến cho họ nảy sinh sự lo sợ đối với Đại hoả tinh, tinh tú mà họ xem như vị thần minh. Hoả thần nghỉ ngơi đồng nghĩa với việc mùa Đông lạnh đến, nhân đó, vào lúc “nội hoả” cũng cần phải có nghi thức giống nghi thức nghinh hoả khi xuất hiện, tức mọi người phải cử hành nghi thức tế tự tiễn đưa tương ứng. Tình hình về nghi thức tế thời cổ tuy rất khó biết nhưng có thể từ trong nghi thức tết Trung dương của đời sau tìm thấy được những dấu vết một số cổ tục. Như ở khu vực Giang Nam có tập tục tế Táo vào tết Trùng dương, là vị Hoả thần trong nhà, từ đó có thể thấy dấu vết tế tự “Đại hoả” vào tháng 9 thời cổ. Người xưa xem tết Trùng dương với ngày Thượng Tị 上巳 (4) hoặc tết Hàn thực 寒食, mồng 9 tháng 9 với mồng 3 tháng 3 là những lễ tết lớn tương ứng ở 2 mùa Xuân và Thu. Trong Tây kinh tạp kí 西京杂记 có nói:
Tam nguyệt Thượng Tị, Cửu nguyệt Trùng dương, sử nữ du hí, tựu thử Phất hễ đăng cao (5).
三月上巳, 九月重阳, 使女游戏, 就此祓禊登高.
(Tháng 3 ngày Thượng Tị, tháng 9 tết Trùng dương, phụ nữ vui chơi, đến ngày đó làm lễ Phất hễ và lên cao)
Sự đối ứng giữa Thượng Tị, Hàn thực cùng với Trùng dương là lấy sự xuất hiện và ẩn đi của “Đại hoả” làm chỗ dựa.
Theo sự tiến bộ của kĩ thuật, đối với thời gian con người đã có những nhận thức mới. Nghi thức tế “hoả” ở tháng 9  đã suy giảm, nhưng con người đối với tháng 9 nhân sự suy giảm khí dương dẫn đến sự biến hoá mang tính chu kì của vật tự nhiên với khí hậu vẫn có sự cảm thụ đặc thù, vì thế cổ tục lên cao tránh tai hoạ vẫn như xưa mà truyền đời, tuy trên thế giới đã có sự giải thích mới.
          Tết Trùng dương trong cuộc sống của dân chúng đã trở thành ranh giới thời gian Hạ Đông giao tiếp. Nếu như nói Thượng Tị, Hàn thực là tiết Xuân mà mọi người rời nhà đi chơi sau khi trải mùa Đông dài, thì Trùng dương là cuộc dạo chơi mùa Thu có ý nghĩa nghi thức khi cái lạnh sắp đến, mọi người sắp ẩn cư, cho nên dân tục có Thượng Tị “Đạp thanh” 踏青, Trùng dương “Từ thanh” 辞青.
2- Diễn biến lịch sử
          Tết Trùng dương đã có lịch sử hơn 2000 năm. Danh xưng “Trùng dương tiết” 重阳节 được thấy ghi chép vào thời Tam quốc. Trong Cửu nhật dữ Chung Diêu thư 九日与钟繇书, Tào Phi 曹丕 đã viết:
          Tuế vãng nguyệt lai, hốt phục cửu nguyệt cửu nhật. Cửu vi dương số, nhi nhật nguyệt tịnh ứng, tục gia kì danh, dĩ vi nghi vu trường cửu, cố dĩ hưởng yến cao hội.
          岁往月来, 忽复九月九日. 九为阳数, 而日月并应, 俗嘉其名, 以为宜于长久, 故以享宴高会.
          (Năm qua tháng lại, bỗng lại đến ngày mồng 9 tháng 9. 9 là số dương, mà ngày tháng ứng với nhau, tục gọi tên đẹp, cho rằng thích hợp với trường cửu, nên tổ chức yến tiệc cho người cao tuổi gặp nhau)
          Đào Uyên Minh 陶渊明 đời Tấn trong Cửu nhật nhàn cư 九日闲居  cũng đã viết:
          Dư nhàn cư, ái Trùng cửu chi danh. Thu cúc doanh viên, nhi trì lao mị do, không phục cửu hoa, kí hoài vu ngôn.
          余闲居, 爱重九之名. 秋菊盈园, 而持醪靡由, 空服九华, 寄怀于言.
          (Ta lúc nhàn cư, yêu thích tên gọi Trùng cửu. Cúc mùa Thu đầy cả vườn, tay bưng chén rượu đục, không gian đầy hoa cúc, gởi mối tình hoài vào lời thơ)
          Ở đây đồng thời nhắc đến hoa cúc và rượu. Thời Nguỵ Tấn đã có tập tục thưởng thức hoa cúc và uống rượu. Đời Đường, tết Trùng dương mới được ấn định là tết chính thức, từ đó về sau, cung đình, dân gian đều ăn mừng tết Trùng dương, đồng thời trong thời gian tết Trùng dương tiến hành các loại hoạt động. Đời Minh, tháng 9 tết Trùng dương, khắp hoàng cung đều ăn bánh chúc mừng. Hoàng đế đích thân đến núi Vạn Thọ 万寿 để đăng cao. Đời Thanh vẫn theo phong tục đời Minh.
          Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ 20, một số nơi ở Trung Quốc xem ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch là tết của người già, đề xướng phong khí toàn xã hội tôn lão, kính lão, ái lão, trợ lão. Năm 1989 chính phủ Trung Quốc lấy ngày này hàng năm làm ngày “Lão nhân tiết” 老人节, “Kính lão tiết” 敬老节.
                                                                                    (còn tiếp)
  
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THÙ DU 茱萸: tên một loại thực vật, mọc nơi khe hang, vị thơm nồng. Phong tục thời cổ vào ngày mồng 9 tháng 9 đeo bên người loại cây này để trừ tà. Trong Thái bình ngự lãm 太平御覽 quyển 32,  ở Phong thổ kí 風土記 của Chu Xử 周處 đời Tấn có ghi rằng:
          Cửu nguyệt cửu nhật luật trúng Vô dịch nhi số cửu, tục ư thử nhật ….. chiết thù du phòng dĩ tháp đầu, ngôn tịch ác khí, nhi ngự sơ hàn.
          九月九日律中無射而數九, 俗於此日 ….. 折茱萸房以插頭, 言闢惡氣, 而御初寒
          (Ngày mồng 9 tháng 9 luật trúng Vô dịch, với số là 9, theo phong tục vào ngày này …. Bẻ nhánh thù du cài lên đầu, nhằm trừ khí độc, chế ngự cái lạnh mới bắt đầu.)
          (Theo chú số 16 ở bài 77, quyển 3 trong Tây kinh tạp kí)
(2)- Câu này ở bài số 77, quyển 3 trong Tây kinh tạp kí.
(3)- NỘI HOẢ 内火: chỉ sao Tâm di chuyển vị trí, ẩn đi không thấy.
(4)- THƯỢNG TỊ (上巳): tức ngày Tị của thượng tuần mỗi tháng theo âm lịch. Ngày thượng Tị tháng 3 là ngày lễ thời cổ, mọi người cử hành cúng tế bên bờ sông, dùng cỏ thơm nhúng nước rồi rảy để xua đuổi tà khí, miễn trừ tai hoạ. Từ thời Hán trở về trước, thượng Tị phải lấy ngày Tị, nhưng không hẳn phải là mồng 3 tháng 3. Từ thời Nguỵ trở về sau, lấy ngày mồng 3 tháng 3, nhưng không nhất định phải là ngày Tị.
          (Theo chú số 22 ở bài 77, quyển 3 trong Tây kinh tạp kí)
(5)- Câu này không thấy trong Tây kinh tạp kí. 

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 13/10/2013
                                                  Tết Trùng dương năm Quý Tị

TRÙNG DƯƠNG TIẾT
重阳节
Previous Post Next Post