Dịch thuật: Thiệu Công

THIỆU CÔNG

          Thiệu Công 召公, không rõ năm sinh năm mất. Tính Cơ danh Thích , còn được gọi là Thiệu Bá 召伯. Tể tướng thời Thành Vương, Khang Vương, một trong những hiền tướng thời Tây Chu. Những ngôn luận của ông được chép ở  thiên Thiệu cáo 召诰 trong Thượng thư尚书. Thiệu Công mất vì bệnh.

          Thiệu Công Cơ Thích là con thứ của Văn Vương, nhân thái ấp ở đất Thiệu (phía tây nam Kì Sơn 岐山 Thiểm Tây 陕西 ngày nay), nên được gọi là Thiệu Công. Sau khi Vũ Vương lên ngôi, Thiệu Công và Chu Công trở thành người phụ tá chủ yếu, cả hai giúp Vũ Vương đại hội thiên hạ 800 chư hầu tại Minh Tân 盟津 (cũng còn gọi là Mạnh Tân 孟津). Năm sau Thiệu Công cùng Chu Công giúp Vũ Vương chinh phạt vua Trụ nhà Thương, trải qua trận chiến Mục Dã 牧野 (phía nam huyện Kì tỉnh Hà Nam 河南 ngày nay), diệt được triều Thương.
          Sau khi diệt triều Thương, Vũ Vương hỏi Thiệu Công cách xử trí di dân triều Thương, Thiệu Công kiến nghị rằng:
“Kẻ nào có tội, xử tử, người nào vô tội, tha”
không đồng ý với ý kiến giết sạch. Chủ trương này đã được sự ủng hộ của Chu Công, trở thành chính sách phân hoá di dân triều Thương thời Tây Chu. Khi quân đội nhà Chu tiến vào đô thành Triều Ca 朝歌 của triều Thương, Chu Công tay cầm cây việt lớn tượng trưng quyền lực, Thiệu Công tay cầm việt nhỏ, chia nhau ở hai bên Thành Vương, tuyên bố tội trạng của vua Trụ và sự diệt vong của triều Thương, kiến lập triều Chu. Điều này cho thấy địa vị của Thiệu Công chỉ sau Chu Công.
          Khi Vũ Vương đại phong chư hầu, phong Thiệu Công đất Kế Khâu 蓟丘 (nay là thành phố Bắc Kinh). Do vì phải ở lại Hạo kinh 镐京 để phò tá nên Thiệu Công đã để con trưởng của mình đến đất phong, trở thành thuỷ tổ của nước Yên. Thiệu Công cụ thể phụ trách qua việc phân phong, đất phong Cử Khâu 莒丘 của Khương Thượng 姜尚 (Khương Tử Nha 姜子牙, tức Lữ Thượng 吕尚, tổng chưởng quân sự) chính là do Thiệu Công chủ trì phân phong.
          Sau khi Vũ vương qua đời, Thành Vương lên ngôi, lấy Chu Công làm Thái Sư, Thiệu  Công làm Thái Bảo. Chu Công phụ trách trị lí khu vực phía đông đất Thiểm (huyện Thiểm tỉnh Hà Nam ngày nay), Thiệu Công phụ trách trị lí khu vực phía tây đất Thiểm.
          Thiệu Công siêng năng chính sự, yêu quý nhân dân, cai trị khu vực của mình nề nếp trật tự, được bách tính tin yêu. Ông thường thâm nhập dân gian, bôn ba các nơi, hiểu rõ dân tình, giải quyết những tranh chấp. Thuộc hạ của ông khuyên ông lập công đường ở một nơi để bách tính đến khiếu nại, ông bảo rằng:
          Thà một mình ta lao nhọc, chứ không để cho bách tính lao nhọc, đó là tác phong của phụ vương (Văn Vương), ta phải kế thừa.
          Có một lần Thiệu Công trên đường tuần hành, thấy một cây cam đường to lớn, liền đến ngồi nghỉ. Bỗng nhiên có một cô gái bị mấy thanh niên đuổi theo, cô gái kinh hoảng chạy đến trước mặt ông  cầu cứu. Hoá ra trong đám người đuổi theo cô gái có một người cầu hôn cô ta, anh ta không nghĩ đến việc cô gái đồng ý hay không đồng ý nên đã đến để rước dâu. Sau khi biết rõ đầu đuôi, Thiệu công đã nhẫn nại chỉ bảo cho anh thanh niên, bảo anh nên tôn trọng ý nguyện của cô gái, không nên cướp đoạt. Bách tính biết được, đều khen Thiệu Công phán xử công minh, nên đã làm ra nhiều bài dân ca để ca ngợi, trong đó có bài dân ca Cam đường 甘棠, mọi người còn bảo nhau bảo vệ cây cam đường, không được chặt để kỉ niệm đức hạnh của Thiệu Công.
     Lúc Chu Công nhiếp chính, Quản Thúc 管叔 Thái Thúc 蔡叔 Hoắc Thúc 霍叔 phao tin Chu Công muốn soán đoạt vương vị. Thiệu Công ban đầu tin lời đồn, cũng tỏ ra hoài nghi Chu Công, có lần giận đến mức cáo bệnh về quê. Chu Công liền viết thiên Quân Thích 君奭, bày tỏ lòng mình với Thiệu Công. Khi Thiệu Công hiểu được nỗi khổ tâm của Chu Công một lòng trung với nước, đã kiên quyết ủng hộ Chu Công. Để tránh hiềm nghi, giữ yên đại cuộc, Chu Công rời Hạo kinh đến Lạc Ấp 洛邑 (thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam ngày nay) để Thiệu Công nắm giữ quốc chính.
          Chẳng bao lâu, nhóm Quản Thúc câu kết với Vũ Canh 武庚 công khai phản loạn, mấy chục nước nhỏ cũng hưởng ứng theo, khiến cho vương triều Tây Chu mới lập đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng. Khi Chu Công kiên quyết đem binh dẹp phản loạn, Thiệu Công cũng ra sức ủng hộ, sai con trưởng tham gia, bản thân xử lí quốc chính, để Chu Công tập trung được tinh lực đánh dẹp nhóm Quản Thúc, thừa thắng dẹp yên 50 phương quốc, khiến vương triều qua được cơn nguy, đồng thời mở rộng thêm cương vực.
          Để cường hoá sự thống trị, Chu Công quyết định xây dựng một đô thành mới ở phía đông. Thiệu Công tiếp thụ uỷ thác, đến Lạc Dương trước quan sát tình hình, chọn địa điểm, quy hoạch phương vị thành quách, tông miếu, triều thị, sau lại chủ trì xây dựng. Sau khi đô thành mới xây dựng xong, Thiệu Công lại một lần nữa phụ trách trấn thủ Đông đô.
          Khi Thành Vương bệnh và qua đời, Khang Vương lên ngôi, Chu Công sớm cũng đã mất, Thiệu Công vẫn nhậm chức Thái Bảo, cùng các đại thần một lòng phò tá, khiến chính trị đương thời trong sáng, xã hội ổn định, hình thành cục diện phồn vinh “Thành Khang chi trị” 成康之治.
          Năm Khang Vương qua đời, Thiệu Công vì bệnh đã mất trước Khang Vương.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 22/9/2013

Nguyên tác Trung văn
THIỆU CÔNG
召公
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post