Dịch thuật: Nghiên cứu văn tự cổ Trung Quốc như thế nào

NGHIÊN CỨU VĂN TỰ CỔ TRUNG QUỐC
 NHƯ THẾ NÀO?

          Sự phát sinh và phát triển văn tự Trung Quốc bắt đầu từ đời Ân Thương. Giáp cốt văn của đời Ân để lại hiện đã phát hiện hơn 10 vạn mảnh, đây là tư liệu quan trọng để nghiên cứu về nguồn gốc văn tự Trung Quốc và lịch sử đời Ân Thương. Cuối đời Ân Thương có lịch sử khoảng 273 năm, đây chính là thời đại giáp cốt văn. Giáp cốt văn đã là văn tự tương đối thành thục, trước thời Vũ Đinh 武丁 nhất định đã có một quá trình phát triển. Sau khi nhân loại tiến vào thời kì văn minh mới sản sinh ra văn tự. Sự sản sinh văn tự không khó, sự kế thừa văn tự mới là khâu trọng yếu của sự phát triển văn tự. Nếu sau khi văn tự sản sinh, không được kế tục sử dụng sẽ trở thành văn tự chết. Một số quốc gia cổ đại vốn có văn tự, nhưng do bởi các nguyên nhân như ngoại tộc xâm lược, hoặc thiên tai buộc phải di dời … văn tự không được kế tục sử dụng, về sau đã trở thành văn tự chết không có người nhận biết, như văn tự cổ Ai Cập và văn tự Tây Hạ của Trung Quốc đều như thế. Ngoài ra thời kì đầu sản sinh văn tự vốn không có tự điển để tra, cách viết của mỗi người cũng khác nhau, vì thế đã sản sinh nhiều dị thể tự. Một số chữ do bởi không được kế tục sử dụng, hoặc giả bị những hình thể khác thay thế, chữ đó cũng trở thành văn tự chết, những chữ này trong văn của giáp văn, kim văn có không ít. Sự sản sinh giáp cốt văn là trước thời Vũ Đinh, còn sự kế thừa và phát triển phải quy công về cho tập đoàn “trinh nhân” 貞人 thời Vũ Đinh. Trinh nhân là phần tử tri thức của vương triều Ân, là nhà dự báo của Ân vương. Họ nắm giữ 2 chức năng: tế tự và bói quẻ. Ân vương mỗi việc gì cũng đều bói: bói ngày tốt xấu, bói mưa, bói nắng, bói mùa màng, bói tật bệnh, bói săn bắn, bói chiến tranh v.v… việc lớn việc nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Ân vương muốn bói, trinh nhân yêu cầu trước tiên phải nói rõ việc cần bói, sau đó sẽ có những dự ngôn, sự việc xong kiểm tra kết quả. Quá trình này đều được khắc lên mai rùa và xương thú, vì vậy văn tự đã có được sự lợi dụng đầy đủ. Về sau sức sản xuất phát triển, nhân sự ngày càng nhiều, văn tự cũng theo đó mà phát triển. Do bởi trong 273 năm cuối đời Ân Thương, Vũ Đinh trị quốc 59 năm, thế nước mạnh, địa vực rộng, có một thời kì ổn định tương đối dài, nó đã giúp cho sự phát triển văn tự sáng tạo ra điều kiện thuận lợi. Chính trong điều kiện lịch sử đặc thù này, tập đoàn trinh nhân đã kế thừa văn tự do tiền nhân sáng  tạo, đồng thời sử dụng chúng, phát triển chúng. Nếu không có cục diện chính trị tương đối ổn định, không có tập đoàn phần tử tri thức này, giáp cốt văn sẽ không thể có được sự phát triển nhanh chóng.
          Tập đoàn trinh nhân là phần tử tri thức thoát li sản xuất, là những người dựa vào chủ nô lệ thống trị Ân Thương. Họ chuyên bói cho Ân vương, dự báo cát hung hoạ phúc, nếu muốn cho những dự ngôn của mình linh nghiệm, cần phải quan sát sự vật khách quan. Ngẩng lên quan thiên văn, cúi xuống sát địa lí, nghiên cứu nhân sự, nắm giữ một số tri thức khoa học tự nhiên, hiểu biết một số dự triệu. Họ bói không chỉ cầu 1 lần, một lần không linh, bói lần thứ 2, lần thứ 3 hoặc nhiều hơn. Từ từ quan sát sự phát triển của hình thể khách quan mà đưa ra những dự ngôn. Nếu bói về thời tiết tối sáng gió mưa, nhất định phải trường kì quan sát hiện tượng tự nhiên. Bói về chiến tranh thắng thua, nhất định phải quan sát sự biến hoá tình hình của lực lượng hai bên, nhiều lần bói, cuối cùng đưa ra dự ngôn. Như vậy văn tự cũng được lợi dụng đầy đủ, khoa học tự nhiên cũng từ đó mà sinh ra. Tóm lại sự nghiệp văn hoá nhất định phải có kế thừa mới có thể phát triển, nhất định phải có hoàn cảnh ổn định. Học thuyết của Khổng Tử sở dĩ có thể được phát dương quang đại đó là do bởi có người kế thừa.
          Sự sáng tạo và phát triển văn tự không thể tách rời khỏi quần chúng. Văn tự quyết không thể sáng tạo một cách cô lập, chúng ta nghiên cứu văn tự cổ cũng không thể nghiên cứu một cách cô lập. Giữa chữ với chữ có mối quan hệ hỗ tương nhất định. Hình thể của văn tự cũng không phải là nhất thành bất biến. Một chữ do bởi địa vực khác nhau, thời đại khác nhau mà có sự biến hoá. Một bút một nét, hoàn toàn dựa vào kí ức, dựa vào thầy truyền thụ cho trò, do vậy hình trạng viết ra có sự khác nhau. Hiện tại chúng ta nghiên cứu cổ văn tự học, điều kiện so với những người đi trước tốt hơn rất nhiều. Văn tự giáp văn, kim văn, giản bạch thư, đào văn, ấn tỉ … so với người đi trước thấy được nhiều hơn. Chúng ta có thể căn cứ vào những tư liệu đó, căn cứ vào thời đại trước sau mà sắp xếp lại, nghiên cứu sự biến hoá và phát triển của văn tự. Quá trình biến hoá của văn tự Trung Quốc là tương đối dài, là tiệm biến chứ không phải đột biến, là sự phát triển mang sức ỳ. Nghiên cứu cổ văn tự học cần phải chú ý quy luật biến hoá này, đem những chữ hỗ tương liên quan, những chữ có ý nghĩa tương phản, thiên bàng tương đồng, tự hình tương cận, tự âm tương đồng hoặc tương cận liên hệ lại, thâm nhập khảo sát, suy xét tới cùng sự biến hoá, như vậy mới có thể có được kết luận tương đối chính xác.
          Nghiên cứu văn tự cổ phải chú ý ý nghĩa gốc của mỗi chữ. Trước đây nhiều văn tự học gia đối với vấn đề này đã có nhiều thuyết minh,  có một số giảng đúng, có một số giảng sai. Trước đây Đoàn Ngọc Tài 段玉裁 và Chương Thái Viêm 章太炎 đều không dám làm trái với Thuyết văn 說文. Do bởi không thể phá bỏ cái khuôn này cho nên việc nghiên cứu cổ văn tự học cũng có nhiều hạn chế. Mãi đến khi phát hiện giáp cốt văn, Tôn Di Nhượng 孫詒讓, Vương Tĩnh An 王靜安 mới có một số đột phá về vấn đề này. Nhưng chúng tôi cho rằng vấn đề “phá Hứa” 破許, mấy mươi năm lại đây vẫn chưa đủ mạnh. Ngày nay nghiên cứu cổ văn tự học cần phải bỏ cái khuôn cũ, nghiên cứu kĩ tình hình xã hội thời kì phát sinh văn tự, điều kiện sinh sống, công cụ sản xuất, khảo sát từ nhiều phương diện. Mỗi thời đại sau này, sự phát triển của văn tự cũng cần phải tham khảo một số điều kiện lúc bấy giờ, như vậy mới có thể hiểu được một cách chính xác nghĩa gốc của mỗi chữ. Chúng ta không để những kết luận của Hứa Thận, Đoàn Ngọc Tài trói buộc, như vậy mới có thể có sự sáng tạo, có sự phát minh…
                                                                                                  (trích)

                                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                                    Quy Nhơn 11/9/2013

Nguyên tác Trung văn
CHẨM DẠNG NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN TỰ
怎樣研究中國古代文字
Tác giả: Từ Trung Thư 徐中舒
Trong quyển
CỔ VĂN TỰ NGHIÊN CỨU
古文字研究
Tập 15
Trung Quốc cổ văn tự nghiên cứu hội
Thiểm Tây tỉnh Khảo cổ nghiên cứu sở
Trung Hoa thư cục, 1986.
Previous Post Next Post