Dịch thuật: Lai lịch Tết Trung thu

LAI LỊCH TẾT TRUNG THU

          Thập phân minh nguyệt ngũ phân thu 十分明月五分秋, đây là câu thơ hay mà người xưa thường ngâm trong đêm Trung thu. Quả thực, đêm Trung thu, trời xanh biển biếc, trăng sáng trên không, ánh trăng trải muôn dặm; mọi người ngắm trăng, ăn bánh, nhà nhà đoàn tụ ăn tết Trung thu. Phong tục này đã có từ rất lâu. Thế thì, tết Trung thu từ đâu mà ra? Lai lịch  của nó diễn biến như thế nào? Xưa nay các thuyết không giống nhau, chủ yếu có mấy thuyết sau:
1- Thuyết “Đường Minh Hoàng du nguyệt cung” 唐明皇游月宫
Trong quyển Khai Nguyên di sự 开元遗事 ở thời Đường ghi rằng:
Đêm Trung thu, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi đến hồ Thái Dịch 太液 ngắm trăng, quan lại và dân chúng bắt chước theo, hình thành tập tục đêm Trung thu ngắm trăng.
2- Thuyết “Thường Nga bôn nguyệt” 嫦娥奔月
          Trong quyển Quy tàng 归藏  hình thành vào cuối thời Chiến quốc ghi rằng:
          Xưa, Thường Nga lấy trộm thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu uống liền bay lên cung trăng hoá thành “nguyệt tinh” 月精.
          Lưu An 刘安 đời Hán trong Hoài Nam Tử - Lãm minh thiên 淮南子 - 览冥篇 đã phát triển thành:
          Nghệ 羿 xin được thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu, Thường Nga lấy trộm uống và bay lên cung trăng, về sau buồn bã hối hận ngày đêm.
          Về sau Trương Hành 张衡 trong Linh hiến 灵宪 tiến thêm một bước nói Thường Nga là vợ Hậu Nghệ, uống trộm thuốc bất tử của chồng, thân hình nhẹ nhàng bay lên cung trăng, biến thành con cóc, ngòi bút có ý chê bai.
          Sau thời Lục triều, đối với việc Thường Nga bay lên cung trăng, mọi người tỏ lòng cảm thông, nói rằng Thường Nga lên sân của Thiên Đế, nơi đó vô cùng tịch mịch. Cho nên vào thời Đường bắt đầu đem “thưởng nguyệt” 赏月 đêm rằm tháng Tám đổi gọi là “tế nguyệt” 祭月, hi vọng Thường Nga được về lại chốn nhân gian. Đến thời Tống, Trung thu được quy định thành ngày lễ; tế nguyệt càng thịnh hành.
3- Thuyết “thời lệnh tiết khí”
          Theo khảo chứng gần đây, từ “Trung thu” 中秋, thấy đầu tiên ở quyển  Chu lễ 周礼 cuối thời Xuân Thu:
          Trung xuân trú, cổ kích thổ cổ xuy Bân nhã dĩ nghinh thự; Trung thu dạ, nghinh hàn diệc như vân (1).
          中春昼, 鼓击土鼓吹豳雅以迎署; 中秋夜迎寒亦如云.
          (Tháng 2 mùa xuân, ban ngày đánh trống đất, thổi tấu khúc Bân để nghinh đón khí nóng đến; tháng 8 mùa thu , ban đêm nghinh đón khí lạnh đến cũng làm như vậy)
          Và trong Lễ kí 礼记 cũng có ghi:
          Thiên tử xuân triêu nhật, thu tịch nguyệt.
          天子春朝日, 秋夕月
          (Thiên tử vào mùa xuân tế mặt trời, mùa thu tế mặt trăng)
          “Tịch nguyệt” 夕月 ở đây chính là bái trăng. Có thể thấy vào thời Xuân Thu, đã có tục đế vương đã bái trăng, tế trăng. Đến thời Nguỵ Tấn, bắt đầu phổ cập dân gian tục thưởng trăng.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Chu lễ dịch chú 周礼译注 của Dương Thiên Vũ 杨天宇, câu này là:
Trung xuân, trú kích thổ cổ, xuy Bân thi, dĩ nghịch thử; Trung thu, dạ nghinh hàn diệc như chi (1).
          中春,昼击土鼓, 吹豳诗以逆暑; 中秋, 夜迎寒亦如之.
          (trang 348, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2004)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 19/9/2013

Nguyên tác Trung văn
TRUNG THU TIẾT LAI LỊCH CHI MÊ
中秋节来历之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post