Dịch thuật: Lễ nhạc thiên hạ - Tây Chu

LỄ NHẠC THIÊN HẠ - TÂY CHU
(Năm 1066 đến năm 771 trước công nguyên)

          Thời đại Tây Chu là thời đại nổi tiếng về chế độ chính trị phong kiến. Nghiêm túc mà nói, trong lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, chỉ có Tây Chu là chế độ phong kiến mang ý nghĩa hoàn chỉnh. Gọi là phong kiến chính là trên cơ sở chính quyền nhà nước phong mà kiến lập, thông qua phong Vương, phong đất để trị lí một nước. Chế độ phong kiến lấy chế độ tông pháp làm cơ sở. Chế độ tông pháp thời Tây Chu rất đặc sắc, nói chung, nó là do kết cấu hình cây đại tông và tiểu tông tổ thành. Kết cấu hình cây này lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở, bảo đảm ở mức độ cao nhất chế độ thế tập theo phương thức đích trưởng tử của các giai tầng quyền lực. Nhìn từ giác độ sinh hoạt xã hội, tông chủ của các tông là trung tâm; còn nhìn từ giác độ sinh hoạt chính trị, Thiên tử và quân chủ các nước là trung tâm. Chế độ phong kiến và chế độ tông pháp bổ sung phối hợp cho nhau, bảo đảm sự tồn tại và vận hành của quyền lực.
          Cơ quan nhà nước thời Tây Chu cũng có thiết kế tương đối nghiêm nhặt. Chu Thiên tử là người thống trị chí cao vô thượng của quốc gia, cơ cấu các cấp và quan chức các loại dưới Thiên tử đều phục vụ cho cá nhân Thiên tử. Tả hữu chủ yếu bên cạnh Thiên tử có “Tam Công” 三公 tức Thái sư 太师, Thái phó 太傅 và Thái bảo 太保. Dưới Tam Công là bách quan phụ trách chính vụ thường ngày. Trong đó chức quan tương đối quan trọng là Tư đồ 司徒, Tư mã 司马, Tư khấu 司寇 và Tư không 司空, phụ trách nông nghiệp, quân sự, hình luật và văn hoá. Đặc trưng trọng yếu của chế độ tông pháp phong kiến là chế độ đẳng cấp. Để bảo vệ chế độ đẳng cấp này, giai cấp thống trị Tây Chu không thể không sử dụng một số biện pháp, chủ yếu bao gồm quân đội và pháp chế. Để khuất phục chư hầu, đồng thời uy hiếp các dân tộc chung quanh, vương thất nhà Chu có một đội quân hùng hậu, gọi là “lục sư” 六师. Các chư hầu quốc cũng dựa theo quy định có đội quân với số lượng khác nhau nhỏ hơn “vương sư”, lúc cần sẽ theo Thiên tử nhà Chu xuất chinh. Thời kì vương quyền hưng thịnh hùng mạnh, pháp chế của vương thất là một loại thể chế trọng tài rất mạnh mang tính chủ quyền. Khi giữa quý tộc phát sinh xung đột về lợi ích, họ nhờ đến sự phán xử của cấp trên mà không dựa vào văn kiện pháp luật. Trong Chu lễ 周礼 do Chu Công chế  định, cũng chủ yếu nhấn mạnh sự tu dưỡng và tính tự giác của con người, đây là sự phối hợp giữa quyền uy của trung ương lúc bấy giờ với uy nghiêm của Chu Thiên tử. Nhưng, theo sự suy yếu của quyền uy và uy nghiêm này, vào thời Chu Mục Vương 周穆王, giai cấp thống trị không thể không sử dụng thủ đoạn cưỡng chế, bộ Lữ hình 吕刑 đã được sinh ra từ đó.
          So với Ân Thương, trình độ phát triển kinh tế của Tây Chu cao hơn rất nhiều. Tập thể lao động nhất trí với chế độ tỉnh điền là một trong những đặc trưng chủ yếu của sản xuất nông nghiệp. Bản thân người Chu khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhân đó, sự phát triển nông nghiệp luôn chiếm địa vị quan trọng. Công cụ nông nghiệp, vật phẩm nông nghiệp và kĩ thuật nông nghiệp bước đầu đã cùng kết hợp, khiến nông nghiệp Tây Chu phát triển cường thịnh một thời. Đồng thời, các thủ công nghiệp chính như dệt, nhuộm, ủ rượu, sao chế, rèn đúc cũng sơ bộ phát triển. Về phương diện mậu dịch thương nghiệp, tuy hoá tệ giao dịch đang ở vào giai đoạn manh nha, nhưng phương thức mậu dịch dùng hàng đổi hàng lại rất lưu hành. Tất cả những điều này không chỉ khiến cho trình độ phát triển kinh tế Tây Chu vượt xa tiền nhân, mà còn cao hơn các dân tộc chung quanh. Và sự phát đạt của kinh tế cũng đã cung cấp cho cuộc sống xã hội đa dạng hoá sự bảo đảm vật chật.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 20/9/2013

Nguyên tác Trung văn
LỄ NHẠC THIÊN HẠ - TÂY CHU
礼乐天下 - 西周
Trong quyển
ĐỒ VĂN TRUNG QUỐC THÔNG SỬ
图文中国通史
(tập Sử tiền sử - Chiến quốc)
Chủ biên: Triệu Hướng Tiêu 赵向标
Tân Cương nhân dân xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post