Dịch thuật: Kim kê gọi mặt trời

KIM KÊ GỌI MẶT TRỜI

          Theo quan niệm của dân tộc Xa ở vùng núi Lệ Thuỷ 丽水 tỉnh Triết Giang 浙江 Trung Quốc, gà vốn là mặt trời biến thành, được mọi người tôn kính gọi là “kim kê” 金鸡. “Kim kê khiếu thái dương” 金鸡叫太阳 (Kim kê gọi mặt trời) là một truyền thuyết cổ xưa của họ.

          Thời xưa, trên không trung có 10 anh em mặt trời. 10 anh em mặt trời xuất hiện cùng một lúc, khiến cho muôn vật nóng không tài nào chịu được, cuộc sống của mọi người khốn khổ vô cùng. Lúc bấy giờ có một vị anh hùng tên là Hậu Nghệ 后羿, nhìn thấy mọi người chịu khổ như thế, Hậu Nghệ cảm thông và rất căm giận 10 mặt trời. Trong cơn giận dữ, Hậu Nghệ lấy cung tên nhắm vào mặt trời mà bắn, 1 mũi tên rụng 1 mặt trời, liên tiếp như thế, Hậu Nghệ bắn rụng 9 mặt trời, trên không trung chỉ còn lại một mặt trời lớn nhất. 9 mặt trời sau khi rơi xuống đất, có mặt trời biến thành cọp, có mặt trời biến thành chó, biến thành mèo, biến thành heo, thành thỏ, thành vịt, thành ngỗng. Có một mặt trời biến thành gà trống. Mặt trời biến thành gà trống này, dân tộc Xa gọi là “kim kê”.
          Mặt trời còn lại trên không trung vì sợ cung tên của Hậu Nghệ nên đã chạy trốn, không dám xuất hiện. Kim kê nhìn thấy Hậu Nghệ đã đi khỏi liền đến nói nhỏ với mặt trời:
Hậu Nghệ đi rồi, anh có thể ra rồi đấy!
          Mặt trời vẫn không dám xuất hiện. Kim kê nói với mặt trời là mình không dối gạt, bản thân bị Hậu Nghệ bắn rụng biến thành. Mặt trời nghe xong rất vui mừng, đề xuất ý kiến nhận anh em. Kim kê cảm thương mặt trời cô độc nên nhận lời, gọi mặt trời là “Nhật đầu ca” 日头哥.
          Mặt trời hỏi kim kê:
          Chúng ta từ nay về sau làm sao liên lạc?
          Kim kê đáp rằng:
          Để em quan sát khi không có người hại anh sẽ gọi anh. Anh nghe thấy tiếng của em thì xuất hiện, em không gọi thì chớ có xuất hiện.
          Mặt trời liền nói:
          Thế thì tốt quá, em gọi như thế nào? Chúng ta nhất định dùng ám ngữ, tiếng gọi của em chỉ có hai anh em mình biết, người khác nghe không hiểu mới được.
          Kim kê bảo rằng:
          Như thế này đây, em gọi “Ò ó o, o…”, ý nghĩa là “Nhật đầu ca, xuất hiện đi”, gọi liên tiếp 3 hồi, được không?
          Mặt trời bảo:
          Được lắm, cứ như thế đi.
          Cho nên, từ đó về sau, đợi cho kim kê gáy 3 hồi, mặt trời mới từ phương đông xuất hiện.
          Trước khi gáy, kim kê vươn cao cổ lên, quan sát tình hình chung quanh, rồi vỗ cánh xem xét động tĩnh. Khi không có gì khả nghi, kim kê mới gáy “Ò ó o, o…”.
          Do bởi sau khi kim kê gáy, mặt trời mới xuất hiện, cho nên dân tộc Xa gọi kim kê là “Thần kê” 神鸡 và “Báo hiểu cát tường kê” 报晓吉祥鸡. Lại đem gà trống vẽ thành tranh, khi tế tổ, treo tranh bên trái cửa, ý là Thần kê giữ cửa, báo cát tường đại lợi.

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 21/7/2013

Nguyên tác Trung văn
KIM KÊ KHIẾU THÁI DƯƠNG
金鸡叫太阳
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Phạm xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post