Dịch thuật: Hình luật cổ đại

HÌNH LUẬT CỔ ĐẠI

          Hình luật là biện pháp trọng yếu mà các nước cổ đại dùng để thực hành thống trị.
          Pháp luật Trung Quốc sớm nhất chỉ có một loại hình luật. Việc chế định hình luật bắt đầu từ Hạ Vũ 夏禹.
Hạ hữu loạn chính, nhi tác Vũ hình (1)
夏有乱政,而作禹刑
(Nhà Hạ vì chính trị biến loạn nên đặt ra Vũ hình)
Đương nhiên, “Vũ hình” không phải do vua Vũ nhà Hạ chế định ra, mà là vua Vũ sai Cao Dao 皋陶 chế định ra, cho nên còn gọi là “Cao Dao hình” 皋陶刑:
Hôn, mặc, tặc, sát, Cao Dao chi hình dã (2)
,,,,皋陶之刑也
(Hôn, mặc, tặc, sát, là hình luật của Cao Dao đặt ra)
Đây là loại hình pháp tàn khốc tàn sát nhân thân. Nhưng mục đích chế định ra hình pháp lúc bấy giờ, đầu tiên là để cưỡng chế ý chí nhân dân phục tùng kẻ thống trị. Về điểm này, Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí – Hạ bản kỉ 史记 - 夏本纪 đã nói rất rõ:
          Cao Dao vu thị kính Vũ chi đức, lệnh dân giai tắc Vũ. Bất như ngôn, hình tùng chi
皋陶于是敬禹之德, 令民皆则禹. 不如言, 刑从之
(Vì Cao Dao kính cái đức của vua Vũ, nên lệnh cho dân phải theo vua Vũ. Nếu không như lời thì sẽ có hình phạt)
Bởi cưỡng chế là đặc tính của pháp luật – pháp bất dung tình, cho dù anh đồng ý hay không đồng ý, đã vi phạm pháp luật thì phải chịu trừng phạt. Cũng cần phải chỉ ra rằng, người dân lúc bấy giờ phạm pháp, cũng phải ngồi tù chịu hình phạt:
Hạ Đế Phân tam thập lục niên tác viên thổ (3)
夏帝芬三十六年作圜土
(Đế Phân nhà Hạ năm thứ 36 xây viên thổ)
Chính là Đế Phân (còn gọi là “Đế Hoè” 帝槐) vào năm thứ 36 xây lên nhà ngục. Phía bên ngoài nhà ngục có một vòng tường đất cao, đề phòng phạm nhân bỏ trốn. Nhà ngục là một biện pháp buộc phạm nhân mắc tội nhẹ trong thời gian phục hình phải suy nghĩ hối cải, khác với trọng hình là bị giết, và cũng xuất phát từ việc cưỡng chế mọi người tuân thủ pháp luật, cả hai đều là tất yếu. Nếu phạm tội bất luận nặng nhẹ, nhất luật phải ngồi tù, không có cái lo về tính mạng, thế thì ở vào lúc trình độ văn minh không cao, đặc biệt đối với tội đồ vong mạng mà nói, không đủ để cấu thành sự uy hiếp đối với họ, không có tác dụng răn đe tội phạm; nhưng nếu phạm tội bất luận nặng nhẹ, nhất luật đều bị giết, cách làm không phân biệt đen trắng này sẽ dẫn đến sự phản cảm và phản kháng của công chúng, gây ra kết quả xấu, loại hình luật không dựa vào mức độ phạm tội để định ra hình phạt không thể thành lập được, cũng không phải là pháp luật của xã hội văn minh. Cho nên, pháp luật từ thời cổ đã nói đến “độ” , còn gọi là “pháp độ” 法度. Hình luật đời Hạ tuy tàn khốc nhưng có “độ”.
          Tư liệu về pháp luật đời Hạ thiếu thốn, nhưng là một nhà nước sớm nhất, pháp luật nhất định có một quá trình từ không đến có, hình luật có thể là pháp luật thành văn duy nhất lúc bấy giờ. Còn như các phương diện khác có thể không có pháp luật, phần nhiều là  chỉ lệnh của quốc vương, ý chỉ của quốc vương chính là “pháp luật”. Như khi Đế Khải 帝启 chinh phạt Hữu Hỗ thị 有扈氏 có nói:
          Kim dư cung hành thiên phạt, ….. dụng mệnh thưởng vu Tổ, phất dụng mệnh lục vu Xã, dư tắc noa lục nhữ (4).
          今予恭行天, ….. 用命赏于祖, 弗用命戮于社, 予则孥戮汝.
          (Nay ta cung kính thi hành lệnh phạt của trời, ….. ai theo lệnh sẽ được thưởng nơi thờ Tổ, ai không theo lệnh sẽ bị giết nơi thờ thần Xã, ta cũng sẽ giết vợ con các ngươi)
          Nghe theo mệnh lệnh, ra sức tác chiến sẽ có thưởng, không nghe theo mệnh lệnh hoặc lười nhác sẽ bị giết. Đây giống như pháp luật quân sự, nhưng không biết là có những quy định pháp luật khác không, hoặc đa phần là ý chỉ của Hạ Hậu Khải? Từ giác độ nó là mệnh lệnh động viên tác chiến mà nói, đó có thể là quyết định lâm thời. Luận đoán này là hợp lí. Ở xã hội nô lệ còn tàn lưu một số điều lạc hậu của xã hội nguyên thuỷ, “tập quán pháp” 习惯法 hoặc mệnh lệnh của thủ lĩnh vẫn có quyền uy tương đối lớn, hiệu lực của nó hoàn toàn không thua pháp luật. Pháp luật giản đơn hoặc không hoàn thiện là một đặc trưng của văn hoá nhà nước thời kì đầu.
                                                              (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Tả truyện – Chiêu Công lục niên 左传 - 昭公六年.
(2)- Tả truyện – Chiêu Công thập tứ niên 左传 - 昭公十四年.
(3)- Kim bản “Trúc thư kỉ niên” 今本 竹书纪年
(4)- Thượng thư – Cam thệ 尚书 - 甘誓.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 22/7/2013

Nguyên tác Trung văn
HÌNH LUẬT
刑律
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải. Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post