Dịch thuật: Nguyên Chẩn và Thôi Oanh Oanh (kì 1)

NGUYÊN CHẨN VÀ THÔI OANH OANH
 HÌNH MẪU ĐẶC BIỆT TRONG LỊCH SỬ ÁI TÌNH
 TRUNG HOA
(Kì 1)

          Oanh Oanh truyện 莺莺传 của Nguyên Chẩn 元稹 văn học gia đời Đường là thiên tiểu thuyết truyền kì theo thể tự truyện, truyện kể về một câu chuyện ái tình đẹp nhưng buồn thông qua sự từng trải của Nguyên Chẩn khi còn trẻ. Tại chùa Phổ Cứu 普救 Nguyên Chẩn gặp Thôi Oanh Oanh 崔莺莺 ngay lập tức đã bị dung mạo của Oanh Oanh làm cho điên đảo, vì thế cố tìm mọi cách để theo đuổi. Là thiếu nữ đang tuổi thanh xuân, Oanh Oanh hướng đến tình yêu chân thành thuần phác một cách tự nhiên, nhưng vì là đại gia khuê nữ, Oanh Oanh phải nghĩ đến lễ giáo. Nhân đó, khi Nguyên Chẩn nhiệt tình theo đuổi, Oanh Oanh từng “đoan phục nghiêm dung” 端服严容 (y phục chỉnh tề, dung mạo nghiêm trang), quở trách Nguyên Chẩn “phi lễ chi động” 非礼之动 (hành động không đúng với lễ), nhưng sau đó vài hôm vào một đêm trăng, Oanh Oanh chủ động tìm đến chỗ Nguyên Chẩn, “nẵng thời đoan trang, bất phục đồng” 曩时端庄, 不复同 (không giống với vẻ đoan trang ngày trước). Từ đó, ngày ra đêm vào, cùng với Nguyên Chẩn tư hợp ở mái tây chùa Phổ Cứu mấy tháng. Nhưng, vì công danh khoa trường, Nguyên Chẩn không thể không xa rời Oanh Oanh, vả lại vì tiền trình chốn quan trường của mình, Nguyên Chẩn cuối cùng đã bỏ Oanh Oanh để kết hôn cùng với một gia đình vọng tộc. Câu chuyện tình yêu này tuy hạ màn lấy hình thức bi kịch, nhưng tình yêu của Nguyên Chẩn đối với Oanh Oanh lại luôn là chân thiết vĩnh hằng. Đối với tình yêu này, Nguyên Chẩn không chỉ suốt đời không quên mà còn vì nó viết ra một tác phẩm văn học lớn, cảm động được rất nhiều kẻ sĩ lúc bấy giờ, trở thành viên ngọc sáng trong lịch sử văn học thời Đường. Đồng thời, do bởi câu chuyện giữa Nguyên Chẩn với Thôi Oanh Oanh có ý nghĩa điển hình đối với kẻ sĩ của một thời đại nhất định, nên cũng trở thành điển hình trong lịch sử ái tình của văn nhân Trung Hoa, cho nên câu chuyện này càng được truyền bá và phát triển không ngừng ở đời sau, hình thành hàng loạt những tác phẩm văn học độc đáo. Từ Oanh Oanh ca 莺莺歌 của Lí Thân 李绅 đời Đường đến Thương điệu điệp luyến hoa 商调蝶恋花 của Triệu Lệnh Trĩ 赵令畤 đời Tống, Tây sương kí chư cung điệu 西厢记诸宫调 của Đổng Giải Nguyên 董解元 đời Kim, Tây sương kí tạp kịch 西厢记杂剧 của Vương Thực Phủ 王实甫 đời Nguyên, câu chuyện ái tình giữa Nguyên Chẩn với Thôi Oanh Oanh xuất hiện qua hình tượng Trương Sinh 张生 và Thôi Oanh Oanh崔莺莺 rốt cục nhà nhà đều biết, và đã dần từ kết cục bi kịch diễn hoá thành kết cục hỉ kịch, điều này vừa biểu hiện lòng yêu quí tiếc thương của mọi người đối với tình yêu chân chính, vừa thấy được sự yêu thích của mọi người đối với bản thân câu chuyện.
          Khi chúng ta trở về với chân tướng câu chuyện tình yêu giữa Nguyên Chẩn và Thôi Oanh Oanh, đồng thời thâm nhập thời đại riêng của cuộc sống Nguyên Chẩn, thông qua câu chuyện ái tình cảm động này, chúng ta sẽ có được những gợi mở và suy nghĩ về văn hoá của thời đại, cũng sẽ có sự cảm thông và sự đồng tình sâu sắc hơn đối với hoàn cảnh và cuộc sống của văn nhân sống trong  một thời đại nhất định.
          Xã hội phong kiến mấy ngàn năm của Trung Quốc dưới sự chi phối của tư tưởng Nho gia và văn hoá lễ nhạc đã hình thành tư tưởng chính trị xã hội cùng những quy phạm đạo đức luân lí. Nhưng, trong những tháng năm dài, theo sự cấu thành khác nhau của tập đoàn thống trị và sự khác nhau của phong tập dân tục xã hội, tư tưởng xã hội và quy phạm đạo đức cũng chuyển biến theo. Từ trạng huống đại thể của tư trào chủ lưu xã hội mà nói, Tiên Tần Lưỡng Hán là thời kì xác lập, Nguỵ Tấn Nam Bắc triều là thời kì tan rã, Đường Tống là thời kì khôi phục. Được xem là mấu chốt từ thời kì tan rã tới thời kì khôi phục, trung kì thời Đường đáng được xem trọng. Do bởi Nho học thời Đường Tống và Nho học thời Tần Hán có sự khác biệt, cho nên ở trung kì thời Đường, văn hoá truyền thống Trung Quốc trên thực tế đã xuất hiện sự chuyển hình trọng yếu. Thêm vào đó vương thất nhà Đường mang huyết thống dị tộc, bản thân văn hoá thời Đường là kết quả của sự dung hợp giữa văn hoá tây vực và văn hoá trung nguyên, xã hội thời Đường cũng thể hiện thế khai phóng mà trước đó chưa từng có. Nhưng, trong khoảng thời gian đó, nhiều phong tục văn hoá cùng tồn tại, tiêu chuẩn đạo đức cũ mới dùng chung nhau, phẩm cách sĩ nhân cho tới hệ thống đánh giá xã hội đương nhiên cũng từ đó mà hình thành đặc điểm đa diện tính, đa trùng tính.
          Giai tầng sĩ đại phu cổ đại Trung Quốc to lớn, tư tưởng cấu thành cũng rất phức tạp, nhưng từ chủ lưu mà nói, điều không phải nghi ngờ gì đó là tư tưởng nhập thế của Nho gia, cái gọi là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là lí tưởng cao nhất. Nhưng trong 4 điều này, thực tế chỉ có 2 mà thôi, đó là “gia” và “quốc”. Ứng với “gia” và “quốc”, điều mà văn nhân sĩ đại phu truy cầu nhập thế đối với sự thành bại được mất của đời mình chính là sĩ hoạn và hôn nhân. Từ thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều đến thời Tuỳ Đường, trước tiên là những sĩ tộc từ chế độ Cửu phẩm trung chính xác lập trường kì nắm chính quyền, về sau theo sự phế bỏ chế độ Cửu phẩm trung chính, các sĩ tộc cũ gặp phải sự đả kích trầm trọng, sĩ tộc mới theo đó được sản sinh. Đồng thời, thứ tộc văn nhân của hạ tầng xã hội trường kì bị áp chế đã nhanh chóng quật khởi, đến trung kì thời Đường tiến lên trở thành một lực lượng chính trị trọng yếu, văn hoá sĩ thứ luôn ở vào sự đan xen, biến động và chuyển hình. Do bởi kết cầu quyền lực văn hoá ở vào thế biến động không ngừng, nên thế giới quan và nhân sinh quan của sĩ nhân cũng chịu ảnh hưởng quan trọng. Người thời Nam Bắc triều luận về quan lại có sự phân biệt trong và đục, luận về hôn nhân có sự phân biệt dòng dõi; thân phận, danh vọng, địa vị xã hội nhân đó mà thăng giáng chìm nổi. Thời Đường, do bởi sự chuyển hình của văn hoá sĩ thứ, tiêu chuẩn đạo đức cũ mới đều dùng, nhân đó mà thái độ sĩ hoạn và hôn nhân của tầng lớp sĩ nhân càng thể hiện rõ sự phức tạp. Người làm quan vừa có thể không dựa vào đâu, chỉ dựa vào chân tài thực học của mình mà một bước bước đến mây xanh, nhưng đồng thời để có được sự công nhận của xã hội thượng tầng, lại luôn không tiếc cho sự trả giá để thay đổi xuất thân; người lập gia đình vừa thường không quan tâm đến dòng dõi, thậm chí đột phá những cử động lễ giáo truyền thống, nhưng đồng thời lại băn khoăn vì có thể từ đó mà mang đến ảnh hưởng bất lợi, nên không tiếc gì, họ sẽ kết hôn với một gia đình vọng tộc khác. Ở hai phương diện làm quan và hôn nhân, tính hai mặt của phẩm cách văn nhân thời Đường đã biểu hiện cực kì rõ nét.
                                                                                            (còn tiếp)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 22/6/2013

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
TRUNG HOA ÁI TÌNH SỬ THƯỢNG ĐÍCH NHẤT CÁ ĐỘC ĐẶC PHẠM HÌNH
元稹与崔莺莺
中华爱情史上的一个独特范型
Trong quyển
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
元稹与崔莺莺
Tác giả: Hứa Tổng 许总
Trung Hoa thư cục, 2004
Previous Post Next Post