Dịch thuật: Nguyên Chẩn và Thôi Oanh Oanh (kì 2)

NGUYÊN CHẨN VÀ THÔI OANH OANH
 HÌNH MẪU ĐẶC BIỆT TRONG LỊCH SỬ ÁI TÌNH
 TRUNG HOA
(Kì 2)

          Nguyên Chẩn sống vào giữa thời Đường chính là nhân vật điển hình như thế. Nguyên Chẩn là hậu duệ họ Thác Bạt 拓跋 tộc Tiên Ti 鲜卑 nhà Bắc Nguỵ, trong huyết thống gia tộc của ông chất chứa ngọn nguồn văn hoá sa mạc phương bắc sâu đậm, đương nhiên khác với văn hoá lễ nhạc phương nam. Văn hoá mạc bắc Tây vực biểu hiện chủ yếu nhất ở đặc tính thô ráp mạnh mẽ không tuân theo lễ pháp, có tinh thần thượng võ và đề cao nữ quyền, tạo thành quan niệm lưỡng tính khai phóng mang tính xã hội, quan niệm này đã sinh ảnh hưởng quan trọng đối với tâm lí và hành vi của sĩ nhân. Đồng thời, để cho việc thống trị của mình được “hợp pháp hoá” ở trung nguyên, giai cấp thống trị Bắc Nguỵ đã tiến hành “Hán hoá”, vì thế đại diện cho người phương bắc đại quy mô dời xuống Lạc Dương 洛阳 phương nam trường kì cư trú ở trung nguyên, đối với văn hoá lễ nhạc trung nguyên đã hình thành tâm lí nhận đồng mạnh mẽ. Sự dung hợp văn hoá “cưỡng hành” này tạo nên nguyên nhân căn bản đa trùng tính của tâm lí văn hoá dân tộc. Mặt khác, gia thế Nguyên Chẩn sớm suy thoái, đến đời tổ phụ của ông đã thành thứ tộc hàn sĩ điển hình. Hai lần trùng tu Thị tộc chí 氏族志Tính thị lục 姓氏录 ở thời Đường, đã đánh vào thế lực môn phiệt cũ khiến phần tử trí thức phổ thông được  bước vào con đường làm quan rộng mở. Đến trung kì thời Đường, văn nhân thứ tộc cuối cùng đã quật khởi toàn diện, hình thành một lực lượng chính trị quan trọng. Nhưng cũng cùng lúc ấy, tập đoàn sĩ tộc Sơn Đông mới nổi dậy vẫn chiếm một địa vị trọng yếu, văn nhân thứ tộc tiến vào con đường làm quan muốn có được sự chấp nhận của thượng tầng xã hội, vẫn phải tuân thủ quy phạm lễ pháp. Trạng thái đan xen phức tạp của văn hoá thứ sĩ thứ như thế cũng chính là nguyên nhân quan trọng hình thành tính hai mặt của phẩm cách văn nhân thời trung Đường.
          Nguyên Chẩn tuy gia cảnh sớm suy thoái, lúc nhỏ nếm đủ mùi nghèo khổ, nhưng bẩm tính thông tuệ, thiên tư hơn người, lại sinh vào lúc thời đại chuyển hình văn hoá, đã cảm nhận được một cách mãnh liệt không khí thời đại có sự chuyển biến chính trị, nhân đó mà ẩn chứa khuynh hướng mang giá trị nhân sinh nhập thế tích cực, hi vọng thông qua tài hoa và năng lực của bản thân tiến vào con đường sĩ hoạn, bước lên thượng tầng xã hội, thay đổi gia cảnh khốn khó, tham gia cải cách chính trị, thể hiện chí hướng to lớn của mình. Chính do bởi tính bức thiết của sự theo đuổi này, Nguyên Chẩn lúc 15 tuổi được chọn tuyển vào khoa thi Minh kinh 明经tương đối dễ dàng, và đã thi đỗ. Nhưng do bởi thái độ của thượng tầng xã hội lúc bấy giờ đối với xuất thân khoa cử là coi trọng Tiến sĩ coi nhẹ Minh kinh, Nguyên Chẩn một lần nữa tham gia Lại bộ thí 吏部试, hi vọng thay đổi xuất thân Minh kinh vốn bị mọi người coi nhẹ. Sau khi trúng “Thư phán bạt tuỵ khoa” 书判拔萃科, được giao chức Hiệu thư lang 校书郎, một chức quan nhàn tản, vì không thể thoả mãn dục vọng tham dự chính trị, Nguyên Chẩn dồn hết tâm trí chuẩn bị và nổ lực khắc khổ, 3 năm sau tham dự kì thi “chế cử” 制举, kì thi cao nhất trong chế độ khoa cử lúc bấy giờ, và ở “Tài thức kiêm mậu minh vu thể dụng khoa” 才识兼茂明于体用科đã đỗ đầu, được giao chức Tả thập di 左拾遗. Thông qua xuất thân không ngừng thay đổi, Nguyên Chẩn cuối cùng từng bước tiếp cận với tầng lớp cao nhất của chính quyền phong kiến.
          Sau khi bước vào con đường làm quan, vì rất muốn tạo công lập nghiệp nên Nguyên Chẩn đã dâng sớ luận bàn chính trị, nhưng do bởi xúc nộ giới quý tộc nên bị biếm ra ngoài. Về sau dưới sự đề bạt của Bùi Kí, Nguyên Chẩn lại được làm Giám sát ngự sử 监察御史. Trong quá trình tra án chấp pháp, Nguyên Chẩn cương trực ngay thẳng, tra xử liền mấy chục án tham ô của quan viên địa phương, liên quan đến nhiều người ở địa phương và cả ở trong triều, làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của hoạn quan cùng tập đoàn quan liêu cũ, vì thế ông bị chúng đả kích và một lần nữa bị biếm. Trải qua nhiều lần thất bại trên con đường làm quan, Nguyên Chẩn dần thấy rõ những đen tối và hiểm nguy trong đó, vì thế trong tư tưởng ông đã phát sinh sự biến đổi to lớn. Nguyên Chẩn trước tiên kết bạn với Nghiêm Thụ 严绶, một nhân vật trong tập đoàn quan liêu cũ cùng với Thôi Đàm Tuấn 崔潭峻 một hoạn quan có thực quyền, về sau lại kết thông với hoạn quan Nguỵ Hoành Giản 魏宏简, từ đó ông có được sự tín nhiệm của hoàng đế, con đường làm quan thông đạt, bước lên địa vị Tể tướng cực cao mà ông hằng mơ ước. Đến đây, trong cuộc sống chính trị của Nguyên Chẩn từ lúc đầu đả kích thế lực của hoạn quan và tập đoàn quan liêu cũ giờ biến thành hạng người cùng chung một duộc. Ông vốn là một chí sĩ cương trực thẳng ngay giờ lột xác biến thành một quan lại dung tục tầm thường.
                                                                                  (còn tiếp)

                                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 23/6/2013

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
TRUNG HOA ÁI TÌNH SỬ THƯỢNG ĐÍCH NHẤT CÁ ĐỘC ĐẶC PHẠM HÌNH
元稹与崔莺莺
中华爱情史上的一个独特范型
Trong quyển
NGUYÊN CHẨN DỮ THÔI OANH OANH
元稹与崔莺莺
Tác giả: Hứa Tổng 许总
Trung Hoa thư cục, 2004
Previous Post Next Post