Dịch thuật: Ngược tìm khởi nguyên của diều (kì 3)

NGƯỢC TÌM KHỞI NGUYÊN CỦA DIỀU
(Kì 3)

          Đối với mấy thuyết về khởi nguyên của diều, thử phân tích từ giác độ song trùng lịch sử và logique:
          Đầu tiên với thuyết thứ 1: Về diều gỗ, Hàn Phi Tử nói là do Mặc Tử làm ra, Mặc Tử nói là do Công Thâu Ban làm ra, dường như có sự mâu thuẫn. Nhưng, suy nghĩ kĩ, có lí do để cho rằng: cả 2 ghi chép trên đều có thành phần đáng tin. Mặc Tử lần đầu tiên thử, cho nên mất thời gian 3 năm, kết quả chỉ bay được một ngày thì rớt; Công Thâu Ban là học trò của Mặc Tử, về kĩ thuật có chỗ cải tiến nên diều gỗ của ông bay tốt hơn. Chính là nói, Mặc Tử và Công Thâu Ban đều chế tạo qua diều gỗ, khả năng tính này hoàn toàn có thể tồn tại. Trong trứ tác của mình, Hàn Phi Tử và Mặc Tử đều có ghi chép sự việc của thời đại mình, độ tin cậy rất lớn. Và cũng không thể phủ nhận trong những ghi chép của Mặc Tử có thành phần khoa trương, nói rằng diều gỗ của Công Thâu Ban “bay 3 ngày mà không rớt”. Đây là điều mà trình độ khoa học kĩ thuật lúc bấy giờ không thể đạt tới, vì vậy Vương Sung 王充 đời Hán đã nêu ra chất nghi đối. Trong Luận Hành – Nho tăng 论衡 - 儒增, Vương Sung viết rằng:
          Nho thư xưng Lỗ Ban, Mặc Tử chi xảo, khắc mộc vi diên, tam nhật nhi bất tập. Phù ngôn kì dĩ mộc vi diên, phi chi, khả dã; ngôn kì tam nhật bất tập, tăng chi dã.
          儒书称鲁班, 墨子之巧, 刻木为鸢, 三日而不集. 夫言其以木为鸢, 飞之可也; 言其三日不集, 增之也.
          (Sách Nho khen Lỗ Ban, Mặc Tử khéo, đẽo gỗ làm diều, bay ba ngày mà không rớt. Phàm nói rằng đẽo gỗ làm diều, khiến cho nó bay thì có thể được; còn nói bay ba ngày mà không rớt là nói thêm vậy)
          Vương Sung cho rằng chế tạo ra diều gỗ mà có thể bay được thì có thể tin, còn thời gian bay đến 3 ngày thì là nói quá sự thực.
          Có người cho rằng Mặc Tử nếu đã phê bình qua việc chế tạo diều gỗ thì không thể mất thời gian 3 năm để chế tạo diều gỗ, kì thực hoàn toàn không phải như thế. Rõ ràng, Mặc Tử quả có bàn qua điều này, sau những lời mà ở trên đã dẫn trong Mặc Tử - Lỗ vấn 墨子 - 鲁问, thì có đoạn viết như sau:
          Tử Mặc Tử vị Công Thâu Tử viết: “Tử chi vi thước dã, bất như tượng chi vi xa hạt, tu du lưu tam thốn chi mộc, nhi nhậm ngũ thập thạch chi trọng. Cố sở vi xảo: lợi ư nhân vị chi xảo, bất lợi ư  nhân vị chi chuyết (1)
          子墨子謂公輸子曰: “子之為鹊也, 不如匠之為車轄, 须臾劉三寸之木, 而任五十石之重. 故所為巧, 利於人謂之巧, 不利於人謂之拙.
          (Mặc Tử nói với Công Thâu Ban rằng: “Con chim thước anh làm ra, chẳng bằng cái chốt xe của người thợ. Trong phút chốc làm ra chốt gỗ 3 thốn, có thể chở nặng 50 thạch. Cho nên luận về cái khéo, cái gì làm ra mà lợi cho người thì là khéo, còn không lợi cho người thì là vụng)
          Đoạn văn này phê bình diều gỗ không đắc dụng, chẳng bằng một bộ phận đảm nhận sức nặng ở chiếc xe. Diều gỗ đã vô dụng, Mặc Tử quyết không thể nào để mất thời gian 3 năm để làm ra nó. Phán đoán này có lí lẽ nhất định, nhưng lại khó lấy đó làm kết luận. Lúc ban đầu Mặc Tử làm ra diều gỗ, chưa từng nghĩ đến công dụng của nó, ở trên đã dẫn lời của Tào Tuyết Cần, chỉ ra rằng:
Quỹ kì sơ trung, đãi dục lợi nhân
揆其初衷, 殆欲利人
(Xét động cơ từ đầu, đó là muốn làm lợi cho con người)
          Nhưng việc làm cho con diều gỗ bay lên không trung mà hao phí 3 năm tinh lực, càng không thể nói đó là công phu. Hoạt động thực tiễn này rõ ràng chưa có hiệu quả lí tưởng như mong muốn, nhân đó Mặc Tử đã suy nghĩ lại, cho rằng diều gỗ phức tạp so ra chẳng bằng một bộ phận đơn giản ở chiếc xe có giá trị công lợi. Cách giải thích này là hoàn toàn hợp logique, không mâu thuẫn với chủ trương nhất quán của Mặc Tử. Trong lịch sử nhiều nhà khoa học vĩ đại đều trải qua thất bại, còn Mặc Tử rốt cuộc có được sự thành công ở một trình độ nhất định.
                                                                              (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đoạn này tôi chép theo Mặc Tử tân thích 墨子新釋 do Trí Dương xuất bản xã xuất bản, 2003, còn trong nguyên tác như sau:
Tử Mặc Tử vị Công Thâu Tử viết: “Tử chi vi thước dã, bất như tượng chi vi hạt, tu du thụ tam thốn chi mộc, nhi nhậm ngũ cá thạch chi trọng, cố sở vi xảo, lợi vu nhân vị chi xảo, bất lợi vu  nhân vị chi chuyết.
          子墨子谓公输子曰: “子之为鹊也, 不如匠之为辖, 须臾竖三寸之木, 而任五个石之重, 故所为巧, 利于人谓之巧, 不利于人谓之拙.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 08/6/2013

Nguyên tác Trung văn
TRUY TỐ PHONG TRANH ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
追溯風箏的起源
Trong quyển
PHONG TRANH
風箏
Tác giả: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post