Dịch thuật: Nguồn gốc họ Ái Tân Giác La của hoàng tộc nhà Thanh

NGUỒN GỐC HỌ ÁI TÂN GIÁC LA
 CỦA HOÀNG TỘC NHÀ THANH

          Trong lịch sử Trung Quốc, họ của Hoàng đế được xem là quốc tính. Quốc tính khác với các họ phổ thông, nó có địa vị hiển hách đặc thù. Hoàng đế thường đem họ của mình ban cho những đại thần có công và những người mà Hoàng đế ưa thích để biểu thị ân sủng. Những người được ban cảm thấy vinh hạnh, nhiều người rất ngưỡng mộ. Trịnh Thành Công 郑成功 cuối đời Minh từng được Hoàng đế ban cho họ Chu , nhân đó mọi người gọi ông là “Quốc tính gia” 国姓爷.
          Triều Thanh là chính quyền tộc Mãn , tập quán họ của tộc người Mãn khác với người Hán, họ thường chỉ xưng tên mà không xưng họ. Như đại thần Túc Thuận 肃顺 bị Từ Hi 慈禧 giết chết trước khi bà buông rèm thính chính, không phải họ Túc tên Thuận, họ của ông ta là Ái Tân Giác La 爱新觉罗, Túc Thuận 肃顺 chỉ là tên của ông ta. Vinh Lộc 荣禄, người trấn áp cuộc biến pháp năm Mậu Tuất, cũng không phải họ Vinh tên Lộc, họ của ông ta là Qua Nhĩ Giai 瓜尔佳, tên đầy đủ là Qua Nhĩ Giai . Vinh Lộc瓜尔佳.荣禄.
     Quốc tính của triều Thanh là Ái Tân Giác La. Tên đầy đủ của vị Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi 溥仪 là Ái Tân Giác La . Phổ Nghi爱新觉罗. 溥仪, Ái Tân Giác La là họ, Phổ Nghi là tên. Tên đầy đủ của Hoàng đế Khang Hi 康熙 là Ái Tân Giác La . Huyền Diệp爱新觉罗.玄烨, tên đầy đủ của Hoàng đế Càn Long 乾隆 là Ái Tân Giác La . Hoằng Lịch爱新觉罗.弘历, tên đầy đủ của Phổ Kiệt 溥杰, em trai Phổ Nghi là Ái Tân Giác La . Phổ Kiệt爱新觉罗.溥杰.
     Nói đến lai lịch quốc tính Ái Tân Giác La của triều Thanh, có liên quan đến một truyền thuyết đẹp. Triều Thanh phát tích ở núi Trường Bạch 长白 phía đông bắc. Truyền thuyết kể rằng: một ngày nọ, có 3 cô tiên từ trên trời xuống nhân gian, đến tắm ở hồ Bố Lặc Lí 布勒里 cạnh núi Trường Bạch. Đang lúc vui đùa, bỗng thấy một con chim thần ngậm quả mai chu 枚朱 (1) bay đến nhả xuống bên bờ hồ, kêu lên mấy tiếng rồi bay đi. Tiên nữ Phật Khố Luân 佛库伦 tranh trước bơi đến bên bờ hồ nhặt lấy, khi mặc áo ngậm quả trong miệng, vô ý nuốt vào bụng. Nhân đó thụ thai, chẳng bao lâu sinh được một đứa con trai, tướng mạo khôi ngô kì vĩ, vừa mới sinh đã biết nói. Phật Khố Luân nói với đứa bé rằng: “Con sẽ lấy họ là Ái Tân Giác La  爱新觉罗, lấy tên là Bố Khố Lí Ung Thuận 布库里雍顺. Bố Khố Lí Ung Thuận này chính là thuỷ tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤, người đặt nền móng cho vương triều Thanh. Truyền thuyết “Ái tính vu thiên” 爱姓于天(họ Ái gốc từ trời) đương nhiên là để hiển thị quyền uy quân quyền trời ban cho. Kì thực, theo sự khảo chứng của các chuyên gia, họ của hoàng tộc triều Thanh bắt đầu không phải là “Ái Tân Giác La” mà là “Giác La” 觉罗. Giác La là địa danh, tại thượng du sông Ô Tô Lí 乌苏里, nơi đó từng là nơi cư trú của tổ tiên Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đây là lấy nơi cư trú làm họ. Còn “Ái Tân” là sau này Nỗ Nhĩ Cáp Xích thêm vào. “Ái Tân” tiếng Mãn có nghĩa là “hoàng kim” 黄金. Nỗ Nhĩ Cáp Xích thêm “Ái Tân” trước “Giác La” có 2 tầng ý nghĩa:
          - Hoàng kim là trân quý, có thể hiển thị sự tôn nghiêm của đế vương.
     - Tiền thân của tộc Mãn là tộc Nữ Chân 女真, họ Hoàn Nhan 完颜 của tộc Nữ Chân trong lịch sử từng kiến lập qua chính quyền Kim quốc, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thêm “Ái Tân” tức “Kim” là để nhân đó hiệu triệu người Nữ Chân lật đổ vương triều Minh, hoàn thành di nghiệp của Hoàn Nhan.
          Họ của tộc người Mãn đều là đa âm tiết, chịu ảnh hưởng của người Hán, nhất là sau cách mạng Tân Hợi, người Mãn đa phần lấy họ của người để đầu, hoặc lấy 1 chữ trong họ đa âm tiết vốn có để làm họ, hoặc đem một số âm tiết kết hợp lại chọn một chữ Hán có âm gần giống để làm họ, như Mã Giai thị 马佳氏 đổi thành họ Mã , Sách Xước Đa 索绰多 đổi thành họ Sách , Đổng Giai thi 董佳氏 đổi thành họ Đổng , Tề Giai thị 齐佳氏 đổi thành họ Kì , Thư Mục Lộc thị 舒穆禄氏 đổi thành họ Thư hoặc họ Từ , Qua Nhĩ Giai thị 瓜尔佳氏 đổi thành họ Quan . Cũng có người đem họ vốn có của mình dịch ý để làm họ, như Ba Nhan thị 巴颜氏, “Ba Nhan” tiếng Mãn có nghĩa là giàu có, vì thế đem “Ba Nhan” dịch thành “Phú” lấy “Phú” làm họ. Quốc tính Ái Tân Giác La nhân có hàm nghĩa là “hoàng kim” nên đã đổi thành “Kim”, như người em gái thứ 7 của Phổ Nghi là Ái Tân Giác La . Uẩn Hoan爱新觉罗.韫欢 đã đổi tên thành Kim Chí Kiên 金志坚, người em gái thứ 3 cũng đổi tên thành Kim Uẩn Dĩnh 金韫颖. Phổ Nghi trước sau không đổi, vẫn cứ xưng là Ái Tân Giác La . Phổ Nghi. Bình thường khi mọi người nhắc đến ông đều gọi là Phổ Nghi Hoàng đế, ngay cả những sách vở có liên quan tới ông cũng đều gọi như thế, rất ít khi dùng toàn danh. Nhưng cũng có lúc cần phải viết toàn danh của ông, như sau khi ông được đặc xá có lại quyền tuyển cử, trên giấy chứng nhận quyền tuyển cử viết tên đầy đủ của ông là Ái Tân Giác La . Phổ Nghi.
          Phổ Kiệt cũng nhân thân phận đặc biệt, luôn dùng hoàng tính, xưng Ái Tân Giác La . Phổ Kiệt. Ta Nga . Hạo Bản 嵯峨 . 浩本vợ của Phổ Kiệt là con gái của vị Hầu tước Nhật Bản Ta Nga Thắng 嵯峨胜, sau khi được gã cho Phổ Kiệt, đã đổi xưng là Ái Tân Giác La . Hạo 爱新觉罗.. Sau khi bà qua đời, một phần tro cốt mang về Nhật, an táng cùng với tro cốt của cô con gái đầu là Tuệ Sinh 慧生 tại Thần xã 神社 được lập trong sân Trung Sơn Thần xã 中山神社. Thần xã này được gọi là “Ái Tân Giác La xã” 爱新觉罗社, tên Xã do đích thân Phổ Kiệt đề. Phổ Kiệt mong rằng, sau khi ông qua đời, một phần tro cốt của ông được rải trên tổ quốc, một phần khác cũng được an táng ở đây.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- QUẢ MAI CHU: tức “chu quả” 朱果, còn có tên là “Tử quả” 紫果, là loại quả thường xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp hoặc tiểu thuyết huyền ảo, trăm năm nở hoa, trăm năm kết trái (có thuyết nói ngàn năm trổ hoa, ngàn năm kết trái). Quả khi chín ngoại hình có màu đỏ giống quả táo.
          Dược tính của quả này rất mạnh, theo truyền thuyết người thường ăn vào, thân thể cường tráng, người trong giới võ lâm ăn vào công lực lập tức tăng lên. Thực tế đây là tên mà thời cổ dùng để gọi quả thị.
                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 07/6/2013

Nguyên tác Trung văn
THANH HOÀNG TỘC ÁI TÂN GIÁC LA ĐÍCH DO LAI
清皇族爱新觉罗的由来
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005.
Previous Post Next Post