Dịch thuật: Giám sát quan và Gián quan


GIÁM SÁT QUAN VÀ GIÁN QUAN

          Giám sát quan 監察官 tiến hành đàn hặc bách quan, gián quan 諫官 tiến hành khuyên can hoàng đế.
          Về giám sát quan của trung ương thời cổ ở Trung Quốc có thể truy ngược đến Ngự sử 御史 thời Chiến quốc. Ngự sử là vị quan ghi chép kiêm giám sát, thời Tần Hán gọi là Thị ngự sử 侍御史, triều Tần lấy Ngự sử đại phu 御史大夫 làm chức quan đứng đầu Thị ngự sử. Thời Tây Hán Ngự sử đại phu là Phó thừa tướng, đảm nhận việc lãnh đạo giám sát đàn hặc giúp Ngự sử trung thừa 御史中丞. Về sau thành lập cơ cấu giám sát Ngự sử đài 御史臺, đứng đầu là Ngự sử trung thừa. Ngự sử đài còn gọi là Hiến đài 憲臺, đời sau gọi là Túc chính đài 肅政臺, cho nên quen gọi giám sát quan là Đài quan. Thủ trưởng của giám sát quan trải qua các đời hoặc là Ngự sử đại phu, hoặc là Ngự sử trung thừa. Cơ cấu giám sát của trung ương thời Minh Thanh là Đô sát viện 都察院, thủ trưởng là Tả, Hữu Đô ngự sử. Thuộc quan quản lí giám sát của các đời trừ Thị ngự sử ra, còn có Trị thư Thị ngự sử 治書侍御史, Điện trung Thị ngự sử 殿中侍御史, Giám sát ngự sử 監察御史 (1).
          Người xưa gọi chung đài quan và gián quan là  Đài gián 臺諫. Thời Tây Hán có Gián đại phu 諫大夫, thời Đông Hán gọi là Gián nghị đại phu 諫議大夫, là gián quan chuyên chức thuộc Quang lộc huân 光祿勳. Thời Đường trừ Gián nghị đại phu ra, còn thiết lập thêm Bổ khuyết 補闕, Thập di 拾遺, 3 chức này phân ra tả hữu, thuộc 2 sảnh (2) là Môn hạ sảnh 門下省 và Trung thư sảnh中書省. Thời Tống, Tả Hữu bổ khuyết đổi gọi là Tả Hữu tư gián 左右司諫, Tả Hữu thập di đổi gọi là Tả Hữu chính ngôn 左右正言, về sau nhập vào Gián viện, lấy Tả Hữu gián nghị đại phu làm thủ trưởng. Sau thời Tùy Đường, cùng thuộc Môn hạ sảnh với gián quan có Cấp sự trung 給事中, phụ trách việc thẩm duyệt tấu chương các bộ và niêm phong trả lại những chiếu chỉ mà Trung thư tỉnh khởi thảo không phù hợp. Thời Minh Cấp sự trung phụ trách việc tra xét lục bộ đồng thời kiêm nhiệm các chức Gián nghị, Bổ khuyết, Thập di của đời trước, cho nên về sau tục gọi Cấp sự trung là Cấp gián 給諫. Thời Ung Chính 雍正 nhà Thanh, Cấp sự trung và Ngự sử cùng thuộc Đô sát viện, như vậy, Ngự sử cũng còn được gọi là Đài gián 臺諫.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Thời Đường do tị húy Cao Tông nên đã đổi Trị thư Thị ngự sử 治書侍御史 ra Trì thư Thị ngự sử 持書侍御史, lại viết nhầm là Thị thư Thị ngự sử 侍書侍御史.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(2)- Chữ trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có ghi 2 cách đọc:
          - Âm Bắc Kinh hiện đại đọc là xing với thanh thứ 3. Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là TỨC TỈNH 息井 (âm TỈNH)
          - Âm Bắc Kinh hiện đại đọc là sheng với thanh thứ 3. Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là SỞ CẢNH 所景 (âm SẢNH) . Ở cách đọc này trong Đường thư – Bách quan chí 唐書  - 百官志 có ghi:
Quan ti chi biệt viết sảnh, viết đài. Như Thượng thư, Hoàng môn, Trung thư, Bí thư, Điện trung, Nội thị lục sảnh thị dã.
官司之別曰省,曰臺.如尚書,黃門,中書,祕書,殿中內侍六省是也.
(Có những phủ quan khác gọi là “sảnh” là “đài”. Như lục sảnh là Thượng thư, Hoàng môn, Trung thư, Bí thư, Điện trung, Nội thị.)
(Khang Hi tự điển康熙字典 , trang 759. Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003.)
Như vậy chữ ở đây đọc là “sảnh”.
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan không có âm “sảnh”.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 31/01/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
Previous Post Next Post