Dịch thuật: Bí ẩn mộ táng Đỗ Phủ


BÍ ẨN MỘ TÁNG ĐỖ PHỦ

          Đỗ Phủ 杜甫thi nhân hiện thực chủ nghĩa thời Đường được tôn là “Thi Thánh” một đời lưu li phiêu bạc, cùng sầu lạo đảo, thậm chí sau khi mất mộ táng tại nơi nào cũng không được biết, cho nên mộ Đỗ Phủ rốt cuộc ở đâu đã trở thành đề tài mà người đời sau nghiên cứu.
          Đỗ Phủ lúc về già sống trong cảnh nghèo khó bệnh tật và mất trong chiếc thuyền nhỏ trên sông Tương . Sau khi ông mất, con là Tông Vũ 宗武 không có tiền mai táng đành phải đem quan tài của phụ thân tạm chôn ở một nơi, mãi đến hơn 40 năm sau, người cháu của Đỗ Phủ là Tự Nghiệp mới nhờ người giúp đỡ an táng tổ phụ của mình. Nhưng, Đỗ Phủ sau khi mất được an táng ở đâu?
          Theo lời thỉnh cầu của Tự Nghiệp, thi nhân thời Đường là Nguyên Chẩn 元稹đã viết thiên Đường cố Kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang Đỗ quân mộ chí minh 唐故检校工部员外郎杜君墓志铭. Các nhà nghiên cứu dựa vào thiên mộ chí này rút ra được 3 kết luận, tức: mộ Đỗ Phủ tại Yển Sư 偃师 Hà Nam 河南, tại Nhạc Dương 岳阳 Hồ nam 湖南, tại Bình Giang 平江.
          Thứ 1: ở Lăng mộ chí 陵墓志 trong Yển Sư huyện chí 偃师县志 quyển 4 của tỉnh Hà Nam do Tôn Tinh Diễn 孙星衍 và Thang Dục Trác 汤毓倬 biên soạn đã căn cứ vào Cựu Đường thư 旧唐书 và mộ chí Đỗ Phủ của Nguyên Chẩn cho rằng:
 Mộ Đỗ phủ tại thôn Thổ Lâu 土娄 phía tây huyện. Năm Nguyên Hoà 元和 thứ 8, Nguyên Vi Chi 元微之 viết bài chí. Dục Trác 毓倬 xét: truyện Đỗ Phủ trong “Cựu Đường thư” có nói, Tự Nghiệp 嗣业 con của Tông Vũ 宗武, đem linh cửu Đỗ Phủ về mai táng ở trước núi Thú Dương 首阳 phía tây huyện Yển Sư. Trong mộ chí do Nguyên Chẩn viết cũng nói như thế, đưa linh cửu Đỗ Phủ về Tương Dương 襄阳, hợp táng ở Yển Sư. Hợp táng ở đây là chôn bên cạnh mộ của Đương Dương Hầu Đỗ Dự 当阳侯杜预. Như vậy mộ Đỗ Phủ tại Thổ Lâu, Yển Sư là điều không phải nghi ngờ gì. Năm đầu Càn Long, nơi mộ Đỗ công bị dân trong thôn lấn trồng lúa mạch, vị ấp lệnh họ Chu viết tiếp bài chí, xây lại phần mộ, trồng cây, dựng bia … đăng trong “Nghệ văn chí” .
          Thứ 2: ở Mộ trủng 墓冢 trong Ba Lăng huyện chí 巴陵县志 quyển 12 thời Đồng Trị 同治 dựa vào mộ chí do Nguyên Chẩn viết nói rằng mộ Đỗ Phủ tại Nhạc Dương:
          Mộ Đỗ Phủ tại Nhạc Châu 岳州, nay không biết ở chỗ nào. Theo thiên mộ chí của Nguyên Chẩn, trên thuyền con xuống Tương giang, cuối cùng mất, chôn ở Nhạc Dương, như vậy mộ Đỗ Phủ ở Nhạc Dương. Thời Nguyên Hoà 元和, Tự Nghiệp dời mộ về Yển Sư, người đời sau không còn biết nơi chôn.
          Nhìn từ câu “Nguyên Hoà trung, Tự Nghiệp thiên mộ Yển Sư, hậu nhân toại thất kì tẫn xứ” (元和中嗣业迁墓偃师后人遂失其殡处 - Thời Nguyên Hoà 元和, Tự Nghiệp dời mộ về Yển Sư, người đời sau không còn biết nơi chôn). Trên thực tế Ba Lăng huyện chí nói ở Nhạc Dương từng có mộ tạm Đỗ Phủ, về sau Tự Nghiệp dời mộ về Yển Sư. Ở Nhạc Dương ngay cả mộ tạm cũng không có.
          Thứ 3: đời Thanh cũng có thuyết mộ Đỗ Phủ tại Bình Giang 平江, thuyết này có sớm hơn so với thuyết mộ Đỗ Phủ tại Nhạc Dương. Ở Mộ trủng 墓冢 trong Bình Giang huyện chí 平江县志 quyển 21 thời Gia Khánh 嘉庆 có nói:
          Mộ Tả thập di Đỗ Phủ tại Tiểu Điền 小田. Theo thiên mộ chí của Nguyên Vi Chi, chôn nơi đất khách hơn 40 năm. Bình Giang thuộc Nhạc Dương, chôn ở Nhạc Dương, nói thẳng là Bình. Ý định đưa về hợp táng vốn là của Tông Vũ, nhưng do bởi thời Đại Lịch 大历 chiến tranh loạn lạc, không thể đưa về, nên con cháu ngụ bèn cư ngụ nơi đó, không có gì là lạ.
          Bình Giang huyện chí cho rằng mộ Đỗ Phủ tại Tiểu Điền, Bình Giang, đây là do bởi thời Đại Lịch chiến tranh loạn lạc, linh cửu Đỗ Phủ không thể quy táng, con cháu của Đỗ Phủ nhân đó ở lại Bình Giang sinh sống. Bình Giang huyện chí thời Đồng Trị nhà Thanh theo Gia Khánh chí 嘉庆志 nói rằng:
          Mộ của Tả thập di Công bộ Viên ngoại lang Đỗ Phủ tại Tiểu Điền phía nam huyện 30 dặm.
          Lí Nguyên Độ 李元度 trong Đỗ công bộ mộ khảo 杜工部墓考 cũng cho rằng mộ Đỗ Phủ tại Tiểu Điền, Bình Giang:
          Thiên mộ chí của Nguyên Chẩn có nói, thuyền con xuống vùng Kinh Sở, cuối cùng mất nơi đất khách, chôn tại Nhạc Dương, Nhạc Dương không có mộ Đỗ Phủ, di tích tại Tiểu Điền là không nghi ngờ gì. ….. Tháng 9 năm Quý Dậu thời Đồng trị, tôi cùng với Lâm Ấp hầu Duy Tự 林邑侯维绪, Trần Học bác Chi Kỉ 陈学博之纪, Trương Đề hình Nhạc Linh 张提刑岳龄 cùng đến thăm mộ ông ở Mã Liệp 马鬣, Tiểu Điền 小田, vốn không hư hỏng gì.
          Riêng trong Lỗi Dương huyện chí 耒阳县志 ghi rằng, Đỗ Phủ:
          Lúc đầu tránh loạn chạy vào đất Thục, nhờ Nghiêm Vũ 严武. Nghiêm Vũ mất, đất Thục loạn nên lại đến Quỳ Châu 夔州. Năm thứ 3 Đại Lịch 大历 xuống Kinh nam 荆南, qua Hành Sơn 衡山,  đến Xâm Châu 郴州, dựa vào người cậu họ Nhiếp , Đỗ Phủ sống tạm tại Lỗi Dương 耒阳. Khi nước sông dâng cao, cả tuần không có cái ăn, họ Nhiếp sai đem thuyền đến đón, đưa cho thức ăn cùng rượu. Suốt một đêm say khướt, nghỉ tại quán rượu bên sông, bị nước nhấn chìm cuốn đi. Chiếc ủng trôi dạt trên bờ, họ Nhiếp sai lấy đem lập phần mộ
          Thuyết Đỗ Phủ mất ở Lỗi Dương vốn ở TânCựu Đường thư. Nhìn từ câu “Nhất tịch đại tuý, túc giang thượng tửu gia, vi thuỷ phiêu nịch, di ngoa châu thượng, Nhiếp lệnh tỉ trí, vi phần mộ yên” (一夕大醉宿江上酒家为水漂溺遗靴洲上聂令徙置为坟墓焉 - Suốt một đêm say khướt, nghỉ tại quán rượu bên sông, bị nước nhấn chìm cuốn đi. Chiếc ủng trôi dạt trên bờ, họ Nhiếp sai lấy đem lập phần mộ), Đỗ Phủ chết đuối dưới sông, bị nước nhấn chìm cuốn đi, ngay cả thi thể cũng không tìm thấy, đành phải chôn chiếc ủng bị trôi dạt trên bờ làm phần mộ, quả thực là một việc rất đau thương. Như vậy mộ Đỗ Phủ ở Lỗi Dương cũng chỉ là y quan trủng (1). Đây có thể xem như thuyết thứ 4.
          Với 4 thuyết nêu trên, thực tế chỉ có 3 thuyết, thuyết thứ 2 mộ tại Nhạc Dương chỉ là mộ giả, về sau lại được Tự Nghiệp dời về Yển Sư; giống với thuyết thứ 1. Còn thuyết ở Lỗi Dương chỉ là y quan trủng, cho nên chỉ có thể tại Yển Sư Hà Nam hay tại Bình Giang Hồ Nam là còn phải đợi khảo chứng. Kì thực, thuyết tại Bình Giang cũng có người cho rằng cuối cùng dời đến Yển Sư; còn thuyết tại Yển Sư lại có người hoài nghi đó chỉ là kế hoạch di dời. Vì chiến tranh loạn lạc, giao thông bất tiện, lại thêm nhà nghèo, Tự Nghiệp có thể hoàn thành kế hoạch đó không? Rốt cuộc mộ Đỗ Phủ tại nơi nào, trước mắt vẫn là một bí ẩn.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Y QUAN TRỦNG 衣冠冢: tức mộ táng những đồ vật của người mất như quần áo mũ nón, không phải táng di thể của người mất. Đó là do bởi di thể của người mất không có cách nào tìm thấy hoặc được chôn ở một nơi khác, ở đây chôn đồ vật của người mất là để kỉ niệm.


                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 01/02/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐỖ PHỦ MỘ TÁNG CHI MÊ
杜甫墓葬之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post