KHÁI
QUÁT VỀ LỊCH SỬ, XÃ HỘI
VÀ HOÀN CẢNH ĐỊA LÍ ĐỜI LIÊU
Sự
hình thành và diễn biến phong tục xã hội của một thời kì nhất định là do nhiều
nhân tố như thời đại, truyền thống văn hoá dân tộc cùng hoàn cảnh địa vực quyết
định.
Triều
Liêu 辽
là vương triều đa dân tộc do tộc thống trị là Khất Đan 契丹 (*) kiến lập.
Khất
Đan là một dân tộc cổ xưa ở phía bắc Trung Quốc thời cổ. Những ghi chép về Khất
Đan trong các sử sách được thấy sớm nhất là trong Khất Đan truyện 契丹传 ở Nguỵ thư 魏书 quyển 100: Tộc Khất Đan xuất
phát từ một chi khác của tộc Tiên Ti 鲜卑 ở phía đông Khố Mạc Hề 库莫奚 (**) . Năm thứ 3 niên hiệu Đăng Quốc
登国 (***) (năm 388), Bắc Nguỵ đại phá Khố
Mạc Hề, tộc Khất Đan tách ra từ Khố Mạc Hề, lui về cư trú ở khu vực phía nam
Hoàng hà 潢河
(tức Tây lạp mộc luân hà 西拉木伦河), phía bắc Thổ hà 土河 (tức Lão cáp hà 老哈河). Trải qua mấy chục năm, dần khôi phục và phát triển. Thông
qua phương thức “triều hiến” “tuế cống”, Khất Đan cùng Bắc Nguỵ tiến hành hoạt
động mậu dịch, giữ mối liên hệ với trung nguyên.
Thời
kì đầu, Khất Đan chia làm 8 bộ, hoạt động ở khu vực phía nam Hoàng hà 潢河 phía bắc Thổ hà 土河. Lúc bấy giờ giữa 8 bộ không có
sự liên thuộc, chưa hình thành liên minh bộ lạc thống nhất. Đến thời Tuỳ Đường,
thực lực Khất Đan phát triển, họ sống một cuộc sống du mục “trục hàn thử, tuỳ
thuỷ thảo mục súc” 逐寒暑, 随水草牧畜 (tránh cái nóng cái lạnh, theo giòng nước và đồng cỏ để
chăn nuôi súc vật) (1). Đến đầu đời Đường, hình thành một liên minh
bộ lạc mà đứng đầu là họ Đại Hạ 大贺. Với sự lớn mạnh không ngừng của bộ lạc, nên thường phát
sinh xung đột với vương triều Đường. Sau khi họ Đại Hạ tan rã, liên minh bộ lạc
họ Dao Liễn 遥辇
nổi lên, và dần hùng mạnh. Họ Thế Lí 世里 (tức họ Da Luật 耶律) nối đời làm Di li cận 夷离堇 (tức thủ lĩnh quân sự) của liên
minh Dao Liễn trở thành một gia tộc hiển hách. Năm 916, Da Luật A Bảo Cơ 耶律阿保机 kiến lập nước Khất Đan tại lưu
vực sông Tây lạp mộc luân 西拉木伦 ở Nội Mông ngày nay, sau đổi thành Đại Liêu 大辽. Năm 1125 thời Thiên Tộ Đế 天祚帝 bị triều Kim tiêu diệt, tổng cộng
tồn tại 209 năm. Thời kì lịch sử này, có lúc xưng là Khất Đan, có lúc xưng là
Liêu, thường gọi chung là triều Liêu. Sau khi triều Liêu diệt vong, Da Luật Đại
Thạch 耶律大石
dẫn bộ tộc dời về phía tây kiến lập chính quyền, sử gọi là Tây Liêu. Năm 1218,
Tây Liêu bị Mông Cổ tiêu diệt.
Trong
cương vực triều Liêu quản lí, ngoài tộc Khất Đan ra còn có các dân tộc khác
như: Hề 奚,
Bột Hải 渤海,
Hán 汉,
Nữ Chân 女真.
-
Hề奚, vốn có tên là Khố Mạc Hề 库莫奚, tổ tiên là một nhánh khác của
Vũ Văn bộ 宇文部
(****) ở Đông Hồ 东胡, cùng với Khất Đan “dị chủng đồng
loại”, vốn thuộc một thể cộng đồng dân tộc. Đến khoảng niên hiệu Đăng Quốc 登国 triều Bắc Nguỵ, Khất Đan và Khố
Mạc Hề phân li. Vùng đất của Khố Mạc Hề nổi tiếng về ngựa, da thú. Thời Bắc triều
phân thành 5 bộ, họ “theo giòng nước và đồng cỏ, hơi giống với Đột Quyết 突厥”. Trong 5 bộ có họ A Hội 阿会 là mạnh nhất, các bộ khác đều
quy thuận, thường cùng với Khất Đan công kích lẫn nhau, “bắt tù binh, lấy của cải,
súc vật) (2). Đến thời Tuỳ Đường, tộc Hề vẫn sống cuộc sống du mục
trên thảo nguyên rộng lớn, “theo giòng nước đồng cỏ, theo nghiệp chăn nuôi, thường
luôn di chuyển”, “họ giỏi săn bắn” (3).
-
Bột Hải 渤海
là một dân tộc trong cương vực triều Liêu. Tổ tiên của họ có thể truy ngược đến
Túc Thận 肃慎
thời Tiên Tần, về sau lại xưng là Ấp Lâu 挹娄, Vật Cát 勿吉, Mạt Hạt 靺鞨. Thời Tuỳ Đường Túc Mạt Mạt Hạt
粟末靺鞨 lập nước Bột Hải. Chính trị,
kinh tế của Bột Hải lúc bấy giờ đã đạt đến một trình độ tương đối cao, có danh
xưng là “Hải đông thịnh quốc” 海东盛国.
-
Nữ Chân 女真
là một dân tộc chủ yếu trong cương vực triều Liêu, về sau thay Liêu kiến lập
triều Kim.
-
Tộc Hán 汉,
sau khi triều Liêu vào làm chủ trung nguyên chiếm lĩnh vùng đất vốn của Ngũ đại,
Bắc Tống, kinh tế của tộc người Hán nơi đó có một dạo gặp phải tổn thất, phương
thức sinh hoạt trong sự phát triển về sau cũng chịu ảnh hưởng của Khất Đan,
nhưng phương thức sinh hoạt vốn có của họ ở một mức độ lớn cũng vẫn được bảo
lưu.
Các
tộc trong cương vực triều Liêu quản lí, mỗi tộc đều có phong tục truyền thống
riêng của mình, họ lại ảnh hưởng qua lại, cùng cấu thành một nền văn hoá phong
tục đời Liêu đa sắc màu.
Cương
vực triều Liêu rộng, “đông từ biển, tây đến lưu sa, bắc tuyệt đại là sa mạc” (4),
tức phía đông nay là biển Ngạc Hoắc Tì Khắc 鄂霍茨克, biển Nhật Bản, phía tây vượt
qua dãy A Nhĩ Thái 阿尔泰, phía bắc đến dãy Hưng An 兴安, phía nam đến vùng huyện Hùng 雄, Bá Châu 霸州 của Hà Bắc 河北. Trong cương vực của triều Liêu
có bình nguyên, thảo nguyên, sa mạc, núi cao … các loại địa hình địa mạo, địa vực
thiên về phía bắc, vĩ độ tương đối cao, khí hậu lạnh, khô hạn ít mưa.
Truyền
thống của các dân tộc triều Liêu, cương vực rộng lớn cùng với hoàn cảnh tự
nhiên đều trực tiếp chế ước sự phát triển kinh tế xã hội và sự hình thành văn
hoá phong tục.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Tuỳ thư 隋书 quyển 84 Khất Đan truyện 契丹传.
(2)- Bắc sử 北史 quyển 94 Hề truyện 奚传.
(3)- Cựu Đường thư 旧唐书 quyển 1999 hạ, Hề truyện 奚传.
(4)- Liêu sử 辽史 quyển 2 Thái Tổ kỉ hạ 太祖纪下.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- KHẤT ĐAN 契丹:
-
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu,
chữ 契
có các âm đọc như sau: “Khế”, “Tiết”, “Khiết”, “Khất” với nghĩa khác nhau. Riêng âm “Khất”, ghi rằng:
Khất
đan 契丹 tên một nước nhỏ
ngày xưa, thuộc tỉnh Trực Lệ bây giờ. Sau đổi là nước Liêu. (trang 124)
-
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典, trang 187 cũng các âm như trên. Riêng với âm “Khất” ghi rằng:
Tập vận 集韻 phiên thiết là KHI CẬT 欺訖 (Khất).
Khất Đan, quốc hiệu.
Tống vi nam triều, Khất Đan vi bắc triều, hậu cải hiệu Liêu
契丹, 國號. 宋為南朝, 契丹北朝, 後改號遼
(Khất
Đan là tên nước. Tống là nam triều, Khất Đan là bắc triều, sau đổi gọi là
Liêu)
Như
vậy tên tộc người, tên nước đọc là “Khất Đan”.
(**)- KHỐ MẠC HỀ 库莫奚: (âm Bắc Kinh hiện đại đọc là
“kù mò xi, âm Hán Việt đọc là Khố Mạc Hề) đây là tộc xưng, dịch âm từ tiếng
Tiên Ti, trong tiếng Mông Cổ hiện nay có nghĩa là “sa” 沙, “sa lạp” 沙粒, “sa mạc” 沙漠. Từ hàm nghĩa mà suy đoán, tộc
xưng này nhân vì trong khu vực có nhiều sa mạc nên có tên gọi như thế. Nửa cuối
thế kỉ thứ 6 (đời Tuỳ), bỏ đi 2 chữ “Khố Mạc” chỉ dùng một chữ “Hề”. Từ đó về
sau, “Hề” trở thành tộc xưng.
(***)- ĐĂNG QUỐC 登国: niên hiệu của Đạo Vũ Đế Thác Bạt
Khuê 道武帝拓跋珪
triều Bắc Nguỵ. Niên hiệu này từ tháng Giêng năm 386 đến tháng 6 năm 396, trải
qua hơn 10 năm.
(****)- VŨ VĂN BỘ 宇文部: là một nhánh của bộ tộc Tiên
Ti thời cổ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/12/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
LIÊU ĐẠI LỊCH SỬ, XÃ HỘI DỮ ĐỊA LÍ HOÀN CẢNH KHÁI HUỐNG
辽代历史, 社会与地理环境概况
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
LIÊU KIM TÂY HẠ QUYỂN
中国风俗通史
辽金西夏卷
Tác giả: Tống Đức Kim 宋德金, Sử Kim Ba 史金波
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã
– 2001.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật