Dịch thuật: Giới định, chức quyền cùng thứ bậc của Tể tướng


GIỚI ĐỊNH, CHỨC QUYỀN
 CÙNG THỨ BẬC CỦA TỂ TƯỚNG

          Tể tướng 宰相 trong lịch sử Trung Quốc, bất luận danh xưng là gì, phàm ai ở vào địa vị đó đều luôn nắm giữ đại quyền triều chính. Cho dù vị vua anh minh đang tại vị cũng vậy. Như Đường Thái Tông có thể gọi là vị quân chủ anh minh, nhưng cũng không thể không thừa nhận:
          Với thiên hạ rộng lớn, bốn biển người đông, ngàn vạn đầu mối đều uỷ thác cho bách quan thương lượng, Tể tướng trù hoạch, nếu việc yên ổn tiện lợi, mới tâu lên để thi hành.
                                                (Trinh Quán chính yếu – Chính bản)
          Như vậy, giới định cụ thể của Tể tướng phải là vị đại thần được chế độ quy định có chức trách chính trị phụ giúp cho đế vương, có quyền tham dự quyết sách chính trị và chỉ huy trăm quan triều đình chấp hành.
          Từ chức quyền của Tể tướng mà luận, có thể chia ra làm 2 loại:
          - Danh xứng với thực. Loại này trong lịch sử chiếm số lượng lớn.
          - Hữu danh vô thực, tức hư hàm, chức quan danh dự (như Đại học sĩ sau triều Ung Chính 雍正 nhà Thanh). Loại này cũng không ít.
          Ngoài ra còn có một số quyền thần, phụ chính đại thần, quyền lực tương đương thậm chí lớn hơn Tể tướng, nhưng không phải là quan hàm Tể tướng (như Hoắc Quang 霍光 triều Tây Hán, Ngao Bái 鳌拜 triều Thanh).
          Tể tướng có Chính tướng 正相, Phó tướng 副相, Thứ tướng 次相. Theo chế độ Tể tướng của các đời, Chính tướng nắm giữ chính vụ, Phó tướng là trợ thủ của Chính tướng. Một số triều đại thiết lập 1 Chính tướng, 1 hoặc nhiều Phó tướng; có không ít triều đại Chính tướng không phải 1 người mà là một tập thể do nhiều người tổ thành (như triều Đường, 3 vị quan đứng đầu của tam tỉnh gồm: trưởng quan Trung thư tỉnh中书省, trưởng quan Môn hạ tỉnh 门下省, trưởng quan Thượng thư tỉnh 尚书đều là Chính tướng), lại còn có Phó tướng. Trong nhiều Chính tướng nếu như có 1 người đứng đầu, thì gọi là Thủ tướng 首相 (như Thủ phụ 首辅 triều Minh, Thủ tịch Quân cơ đại thần 首席军机大臣 triều Thanh). Một số triều đại (như vào niên hiệu Nguyên Phong 元丰 đời Thần Tông triều Bắc Tống sau khi sửa đối quy chế) ngoại việc lập Chính tướng, Phó tướng ra, còn lập ra Thứ tướng có địa vị và chức quyền ở giữa Chính tướng và Phó tướng.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 19/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỂ TƯỚNG ĐÍCH GIỚI ĐỊNH, CHỨC QUYỀN CẬP TẰNG THỨ
宰相的界定职权及层次
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post