Dịch thuật: Thái thi và hiến thi


THÁI THI VÀ HIẾN THI (1)

          Đời Chu đặt ra chức quan Đại tư nhạc 大司乐, là một trong lục khanh. Chế độ nhạc quan thành thục có quy cách cao này là cơ sở cung cấp việc chế tác, thu thập và biên đính đại quy mô cho kinh Thi. Chu tụng 周颂 có tương đối sớm trong “Thi tam bách” chính là tác phẩm mà nhạc quan đã hoàn thành dưới sự lãnh đạo và tham dự của người thống trị tối cao của vương triều. Thi, lễ, nhạc mà vương triều chế tác trở thành tiêu chuẩn hành vi của toàn thiên hạ.
          Đời Chu phái vị quan chuyên môn như:  “Hành nhân” 行人, “ Tù nhân” 遒人, “Hiên xa sứ giả” 轩车使者, “Do nhân sứ giả” 逌人使者 đi đến các nước để thu thập dân ca, mục đích là ở chỗ biết dân tình, xem xét phong tục (giống như ngày nay trung ương phái quan viên xuống địa phương để tiến hành điều tra). Nhưng chế độ thái thi, trong các điển tịch thời Tiên Tần không có những ghi chép rõ ràng, đời Hán có 2 thuyết: vương quan thái thi và các nước hiến thi.
          Trong Hán thư – Thực hoá chí 汉书食货志 có ghi:
          Mạnh xuân chi nguyệt, quần cư giả tương tán, hành nhân chấn mộc đạc tuần vu lộ dĩ thái thi, hiến vu Thái sư, tỉ kì âm luật dĩ văn thiên tử.
          孟春之月, 群居者相散, 行人振木铎徇于路以采诗, 献于太师, 比其音律以闻天子.
          (Tháng Mạnh xuân, nhóm người quần cư tản ra, hành nhân đánh mõ trên đường để thu thập thi, dâng lên Thái sư, Thái sư so sánh âm luật rồi dâng lên thiên tử nghe.)
          Trong Cổ văn chí 古文志:
          Cổ hữu thái thi chi quan, vương triều sở dĩ quan phong tục, tri đắc thất, tự khảo chính dã.
          古有采诗之官, 王朝所以观风俗, 知得失, 自考正也
          (Xưa có quan thái thi, vương triều nhân đó mà xem xét được phong tục, biết được chỗ được mất, tự mình khảo chính)
          Hà Hưu 何休 khi chú Công Dương truyện – Tuyên Công thập ngũ niên 公羊传 - 宣公十五年 đã viết rằng:
          Nam nữ hữu sở oán hận, tương tùng nhi ca, cơ giả ca kì thực, lao giả ca kì sự. Nam tử lục thập, nữ tử ngũ thập vô tử giả, quan ý tự chi, sử chi dân gian cầu thi. Hương di vu ấp, ấp di vu quốc, quốc dĩ văn vu thiên tử. Cố vương giả bất xuất dũ hộ, tận tri thiên hạ sở khổ, bất há đường, nhi tri tứ phương.
          男女有所怨恨, 相从而歌, 饥者歌其食, 劳者歌其事. 男子六十, 女子五十无子者, 官衣食之, 使之民间求诗. 乡移于邑, 邑移于国, 国以闻于天子. 故王者不出牖户, 尽知天下所苦, 不下堂, 而知四方.
          (Nam nữ có điều oán giận, cùng nhau kêu lên, người đói thì kêu về cái ăn, người nhọc thì kêu về công việc. Nam 60 tuổi, nữ 50 tuổi mà không con cháu thì quan trên sẽ ban cho áo mặc cùng thức ăn, sai họ đi vào chốn dân gian để tìm thi. Những bài thi đó, từ làng dâng lên ấp, từ ấp dâng lên nước, để thiên tử nghe. Cho nên bậc vương không ra khỏi nhà mà biết được những nỗi khổ của dân, không bước xuống thềm mà biết được tình hình bốn cõi)
          Trong Tả truyện – Tương Công thập tứ niên 左传 - 襄公十四年
          Tự vương dĩ hạ, các hữu phụ huynh tử đệ, dĩ bổ sát kì chính. Sử vi thư, cổ vi thi, công tụng châm, đại phu quy hối, sĩ truyền ngôn, thứ nhân báng, thương lữ vu thị, bách công hiến nghệ. Cố “Hạ thư” viết: “Tù nhân dĩ mộc đạc tuẫn vu lộ. Sư quan tương quy, công chấp nghệ sự dĩ gián”.
          自王以下, 各有父兄子弟, 以补察其政. 史为书, 瞽为诗, 工诵箴, 大夫规诲, 士传言, 庶人谤, 商旅于市, 百工献艺. 夏书: “遒人以木铎徇于路, 官师相规, 工执艺事以谏”.
          (Từ thiên tử trở xuống, ai cũng có cha anh con em để xem xét bổ sung cho chính sự. Sử quan chép thư, nhạc quan chép thi, bách quan đọc những lời can gián, đại phu nêu những phép tắc răn dạy, kẻ sĩ truyền lời, bách tính khen chê, thương nhân đến chợ, trăm thợ bày hàng. Cho nên sách “Hạ thư” có nói: “Quan thái thi thì đánh mõ trên đường, các quan thì nêu lên phép tắc, trăm thợ giữ việc mình nhằm can gián)
          Trong Quốc ngữ - Chu ngữ thượng 国语 - 周语上
          Cố thiên tử thính chính, sử công khanh chí vu liệt sĩ hiến thi, cổ hiến khúc, sử hiến thư, sư châm, tẩu phú, mông tụng, bách công gián, thứ nhân truyền ngữ, cận thần tận quy, thân thích bổ sát, cổ, sử giáo hối, kì, ngải tu chi, nhiên hậu vương châm chước yên, thị dĩ sự hành nhi bất bột.
          故天子听政, 使公卿至于列士献诗, 瞽献曲, 史献书, 师箴, 瞍赋, 矇诵, 百工谏, 庶人传语, 近臣尽规, 亲戚补察, , 史教诲, , 艾修之, 然后王斟酌焉, 是以事行而不悖.
          (Khi thiên tử xử lí chính sự, sai tam công cửu khanh cho đến quan lại các cấp dâng thi lên, nhạc quan dâng nhạc khúc dân gian, sử quan dâng sử tịch, quan sư đọc những lời răn, quan tẩu thì đọc, quan mông thì tụng, trăm thợ khuyên can, bách tính tỏ bày ý kiến, cận thần theo pháp độ ra sức kềm chế quân vương, thân thích thì xem xét bổ cứu. Chức trách của quan nhạc quan và sử quan là giáo hoá quân vương, những người thầy tuổi cao đức trọng khuyên can quốc vương, sau đó quốc vương sẽ xem xét phân tích chọn lựa để thi hành. Như vậy chính sự của đất nước khi thực hành sẽ không bị sai lầm)
          Những ghi chép trên đều là từ đời Hán trở về sau, độ tin cậy không cao. Nhưng, khu vực sản sinh “Thi tam bách” rất rộng, thời gian lại dài, nếu nói rằng không thông qua việc thu thập và chỉnh lí là không thể. Tập “Thi tam bách” là bản thống nhất sử dụng ở các nước dưới sự thống trị của thiên tử nhà Chu, “Quý Trát quan nhạc” 季札观乐 (2) là một minh chứng, thi của các nước gọi chung là “Chu nhạc” 周乐, có thể thấy các thiên mà có trong kinh Thi đều do vương triều Chu tập trung quản lí, đây cũng chính là câu mà Khổng Tử đã nói:
Thiên hạ hữu đạo, lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất (3)
天下有道, 礼乐征伐自天子出
          (Thiên hạ thái bình thịnh trị thì việc chế tác lễ nhạc và phát lệnh chinh phạt đều xuất phát từ thiên tử).

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THÁI THI 采诗: tức thu thập ca dao trong dân gian.
Theo ghi chép, thời cổ mỗi khi mùa xuân đến, nhóm người ở quần cư sẽ tản ra đi làm ruộng. Lúc bấy giờ quan thái thi gọi là “Hành nhân” 行人, gõ mõ đi tuần trên đường để thu thập ca dao trong dân gian, sau đó dâng lên cho Thái sư nhạc quan của triều đình. Quan Thái sư sẽ chỉnh lí, phối hợp với âm luật diễn xướng cho thiên tử nghe.
          Mục đích của việc thái thi là để “tri đắc thất, tự khảo chính” 知得失自考正” ý là thông qua nội dung của những bài thơ này có thể hiểu được dân tình, biết chỗ được mất của chính sự, lấy đó để tham khảo việc thực thi chính sự của triều đình.
HIẾN THI 献诗: tức dâng thi lên triều đình. Có thuyết cho là chư hầu dâng thi lên triều đình nhà Chu.
(2)- QUÝ TRÁT QUAN NHẠC 季札观乐: trong Tả truyện – Tương Công nhị thập cửu niên 左传 - 襄公二十九年  có chép chuyện công tử Quý Trát nước Ngô khi đi sứ sang nước Lỗ, đã yêu cầu được xem âm nhạc ca vũ của nhà Chu. Nhạc công của nước Lỗ đã biểu diễn Chu Nam 周南, Thiệu Nam 召南  của nhà Chu cho Quý Trát xem.
(3)- Câu này ở thiên Quý thị 季氏 trong Luận ngữ 论语

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 1/10/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
THÁI THI DỮ HIẾN THI
采诗与献诗
Trong
“THI” HỌC NHẬP MÔN TRI THỨC
学入门知识
Previous Post Next Post