BÍ ẤN VỀ VIỆC KHUẤT NGUYÊN TỰ TRẦM
Ở
SÔNG MỊCH LA
Khuất Nguyên 屈原 (khoảng năm 340 trước cn – năm 278 trước cn), người
Đan Dương 丹阳 (nay là Tỉ
Quy 秭归, Hồ Bắc 湖北) nước Sở cuối thời Chiến quốc, tên Bình 平, tự Nguyên 原, là hậu duệ của Khuất Hà 屈瑕 con của Sở Vũ Vương Hùng Thông 熊通. Ông là nhà thơ yêu nước vĩ đại trong lịch sử
Trung Quốc, cũng là chính trị gia có học thức uyên bác và tầm nhìn sâu rộng.
Trong thời gian đảm nhận chức Tam lư đại phu 三闾大夫
và Tả đồ 左徒, ông luôn vì bách tính và xã
tắc, ra sức chủ trương cải cách triều chính, liên kết với Tề để chống Tần. Do bởi
về nội chính và ngoại giao phát sinh mâu thuẫn gay gắt với thế lực quý tộc hủ bại
của nước Sở, Khuất Nguyên đã bị Thượng quan đại phu đố kị vu hại, cuối cùng dẫn
đến việc Sở Hoài Vương xa lánh, hai lần bị đi đày, bị trục xuất khỏi Dĩnh đô 郢都. Nhưng Khuất Nguyên trước
sau vẫn không quên tổ quốc, hi vọng Sở
Hoài vương và Khoảnh Tương Vương sẽ triệu hồi. Sau khi Dĩnh đô bị tướng nước Tần
là Bạch Khởi 白起 công phá,
Khuất Nguyên không đành nhìn tổ quốc bị diệt vong nên đã nhảy xuống sông Mịch
La 汨罗 tự tận, lấy sinh mệnh mình
viết nên khúc bi ca thiên cổ.
Về nguyên nhân tự trầm của Khuất
Nguyên trước giờ có rất nhiều thuyết rất khác nhau. Từ góc độ phân
tích, khái quát lại, chủ yếu có 4 thuyết:
Thứ
1: Tuẫn quốc thuyết 殉国说 (chết vì nước)
Đại biểu cho thuyết này là Vương Phu
Chi 王夫之 đời Thanh và Quách Mạt Nhược
郭沫若 thời hiện đại.
Trong Sở từ thông thích 楚辞通释 Vương Phu Chi cho rằng:
sở dĩ Khuất Nguyên viết thiên Ai Dĩnh 哀郢
là do bởi cảm thương cho Dĩnh đô bị giặc chiếm đóng, tông miếu xã tắc trở thành
gò đống hoang phế, nhân dân lang thang lưu lạc, Khoảnh Tương Vương không thể chống
lại quân Tần, nước Sở diệt vong chỉ trong ngày một ngày hai mà thôi. Theo đó,
những nhà nghiên cứu phú Khuất Nguyên đa số đều cho rằng, Khuất Nguyên tự trầm ở
sông Mịch La là do bởi quân Tần công phá đô thành nước Sở, Khuất Nguyên không nỡ
tận mắt nhìn nước Sở bị diệt vong, cho nên đã vì nước mà tự trầm.
Trong Khuất Nguyên khảo 屈原考, Quách Mạt Nhược cho rằng:
năm mà Dĩnh đô bị công phá, Khuất Nguyên
đã viết thiên Ai Dĩnh 哀郢 ….. Nhìn thấy nước mất nhà tan, nhân dân
phiêu bạc li tán, mới bi phẫn tự sát.
Trong Vĩ đại đích ái quốc thi nhân – Khuất Nguyên 伟大的爱国诗人 - 屈原
cũng cho rằng: Khuất Nguyên tự sát, sự thực là chết vị nạn nước.
Thứ
2: Tuẫn đạo thuyết 殉道说 (chết vì đạo)
Đại biểu cho thuyết này là Khúc Mộc 曲沐.
Khúc Mộc cho rằng: việc Khuất Nguyên tự
sát không ngoài 2 phương diện: một là chính trị xã hội hắc ám, hai là tính cách
cương trực. Đó là sự huỷ diệt sinh mệnh trong sự xung đột của hiện thực. Khuất
Nguyên là chính trị gia của giới quý tộc, “minh quân” 明君 và “triết vương” 哲王 trong lí tưởng của ông đã không còn tồn tại. Đối mặt
với hai vị hôn quân như Sở Hoài Vương và Khoảnh Tương Vương, hoài bão và chí hướng
của ông không cách nào thực hiện, thêm vào đó là những sàm ngôn của bọn tiểu
nhân, nên ông đã bi phẫn bất bình, buồn bực
lo âu.
Khuất Nguyên là kẻ “sĩ” đặc biệt ứng
theo thời vận mà sinh ra vào thời Chiến quốc, sức mạnh nhân cách của ông ở chỗ
ông kiên trì quan niệm lí tưởng “nhân đạo tự nhậm” 人道自任 và sự nhận biết “nội mĩ” 内美, “tu năng” 修能
không thể dao động đối với tự thân, kiên trì lí tưởng. Thà làm ngọc vỡ còn hơn
ngói lành, cho nên đi đến cái chết để cầu tinh thần được viên mãn.
Thứ
3: Thi gián thuyết 尸谏说 (dùng cái chết để can gián)
Đại biểu cho thuyết này là Vương Chi
Giang 王之江.
Vương Chi Giang cho rằng Khuất Nguyên
đã nhìn thấy “đảng nhân” 党人 nước
Sở hoành hành, bách tính không có hi vọng, trong triều không còn bề tôi trung
lương, đất nước không đủ sức chống lại ngoại địch, Sở đối mặt với cái hoạ mất nước. Khuất Nguyên lòng tràn đầy chí cứu
nước, lại gặp phải sàm ngôn nên đã bị đi đày. Không có cách can gián vua, chí cứu
nước không thể thực hiện, trong tuyệt vọng Khuất Nguyên đã quyết tâm lấy cái chết
để cảnh tỉnh hôn quân. Cuối thiên Li tao 离骚
có câu:
Ngô tương tùng Bành Hàm chi sở cư
吾将从彭咸之所居
(Ta định đi đến chỗ
Bành Hàm)
Bành Hàm 彭咸 là hiền sĩ đại phu nổi tiếng của triều Ân, từng vì
lòng trung mà can gián quốc quân, nhưng đã bị coi thường, cuối cùng bi phẫn nhảy
xuống sông mà chết. Từ đó có thể thấy cái chết của Khuất Nguyên là “thi gián” 尸谏, là học theo Bành Hàm.
Thứ
4: Khiết thân thuyết 洁身说 (giữ thân trong sạch)
Khuất Nguyên đau lòng vì quốc quân
hôn dung, không bằng lòng nhìn “đảng nhân” làm loạn triều chính để mất nước Sở.
Lại vì bị trường kì đi đày, không thể hi vọng về lại triều đình thực thi lí tưởng
“mĩ chính” 美政 (chính trị
tốt đẹp). Để giữ tiết tháo trong sạch cao khiết, bảo vệ lí tưởng mà suốt đời
theo đuổi, Khuất Nguyên cuối cùng bi phẫn nhảy xuống sông Mịch La tự tận. Hoài
Nam Vương Lưu An 刘安 trong Li tao truyện 离骚传 từng khen ngợi Khuất
Nguyên không chịu sống tạm bợ trong cuộc đời ô trọc cho nên “thiền thuế vu ô uế”
蝉蜕于污秽 (ve lột xác thoát khỏi
nơi ô uế), hiến dâng sinh mạng của mình.
Tổng hợp các thuyết trên, nguyên nhân
bên trong của việc Khuất Nguyên bi phẫn tự tận là sự “tuyệt vọng” sau khi lí tưởng
bị phá vỡ. Chết như thế, đương nhiên không phải là khiếp sợ hoặc trốn tránh
trách nhiệm đối với tổ quốc, mà là sự nhận thức hiện thực một cách tỉnh táo, là
sự truy cầu cuối cùng cho việc kiên trì khí tiết của Khuất Nguyên.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 29/9/2102
Dịch từ nguyên tác Trung văn
KHUẤT NGUYÊN TỰ TRẦM
MỊCH LA GIANG CHI MÊ
屈原自沉汨罗江之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI
CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu
Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn
phương xuất bản xã, 2009.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật