Dịch thuật: Những tấm gương khổ học của người xưa

NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỔ HỌC CỦA NGƯỜI XƯA


1- THÍCH CỔ (刺股) (đâm vào bắp vế)
          Tô Tần (苏秦) thời Chiến quốc dốc chí đọc sách, thường đọc đến đêm khuya. Mỗi khi buồn ngủ, dùng chuỳ đâm vào bắp vế mình để tỉnh ngủ, học tập rất kiên trì, cuối cùng có được một tri thức uyên bác.

2- HUYỀN LƯƠNG (悬梁) (buộc tóc lên xà nhà)
          Tôn Kính (孙敬) thời Hán, thường đọc sách đến nửa đêm. Để tránh buồn ngủ, ông buộc lên xà nhà một sợi dây, rồi buộc tóc mình vào đó. Chỉ cần gục đầu lập tức dây kéo ngược tóc lên, lại tiếp tục đọc.

3- TÁ QUANG (借光) (nhờ ánh sáng)
          Khuông Hành (匡衡) thời Hán, do bởi nhà nghèo không có tiền mua dầu thắp đèn nên đã khoét một lỗ nhỏ ở tường nhà mình, mỗi khi đêm xuống nhờ ánh đèn của hàng xóm mà đọc sách

4- PHỤ TÂN (负薪) (vác củi)
          Chu Mãi Thần (朱买臣) thời Hán vì nhà nghèo phải kiếm củi bán để kiếm mưu sinh. Ông rất chịu khó học tập, thường vác củi trên lưng vừa đi vừa đọc sách.

5- NANG HUỲNH (囊萤) (túi đom đóm)
          Xa Dận (车胤) thời Tấn, đêm đọc sách không có tiền mua dầu thắp. Mùa Hạ, ông bắt mấy chục con đom đóm bỏ vào trong một cái túi nhỏ bằng vải mỏng, nhờ ánh sáng của đom đóm để đọc, cứ kiên trì như thế không hề ngơi nghỉ.

6- ÁNH TUYẾT (映雪) (ánh sáng phản chiếu của tuyết)
          Tôn Khang (孙康) thời Tấn, nhà nghèo không có dầu thắp đèn. Đêm mùa đông, ông thường ngồi xổm bên tuyết, nhờ ánh sáng phản chiếu của tuyết để đọc sách. Do bởi chuyên tâm dốc chí, nên lạnh đến thấu xương ông cũng không hề cảm thấy.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn ngày 14 tháng 5 năm 2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
NỄ TRI ĐẠO CỔ NHÂN GIÁ TA KHỔ ĐỘC ĐÍCH SỰ LỆ MẠ
你知道古人这些苦读的事例吗
Trong quyển
VĂN NGÔN VĂN TOÀN GIẢI
文言文全解
(Sơ trung bản)
Chủ biên: Thẩm Diễm Xuân (沈艳春),
            Đô Hưng Đông (都兴冬),
            Hà Thục Quyên (何淑娟)
Trường Xuân: Cát Lâm đại học xuất bản xã, 2003.




Previous Post Next Post