Dịch thuật: Giai thoại "cư trú do nan biến dị" của Bạch Cư Dị

GIAI THOẠI “CƯ TRÚ DO NAN BIẾN DỊ”
CỦA BẠCH CƯ DỊ


          Bạch Cư Dị (白居易) là thi nhân nổi tiếng thời Đường, thơ của ông chú trọng tả thực, thông tục dễ hiểu, được nhiều người yêu thích, lưu truyền rất rộng, ngay cả người Nhật Bản, Triều Tiên cũng yêu thích thơ ông.
          Bạch Cư Dị tự là Lạc Thiên (乐天), hiệu Hương Sơn cư sĩ (香山居士). Tên “Cư Dị” của ông xuất phát từ câu ở Trung Dung (中庸):
Cố quân tử cư dị dĩ sĩ mệnh (1)
故君子居易以俟命
(Cho nên người quân tử ở vào địa vị bình dị để đợi mệnh trời)
          Tên tự “Lạc Thiên” cùng với “Cư Dị” phối hợp với nhau, có ý “lạc thiên an mệnh”.
          Bạch Cư Dị từ nhỏ đã thông tuệ, 6 tuổi bắt đầu học làm thơ, 9 tuổi nắm được âm vận của thi ca. Bạch Cư Dị học tập rất khắc khổ, ban ngày chuyên tâm luyện tập, buổi tối đọc thơ làm thơ. Với sự nỗ lực không ngừng, mười mấy tuổi Bạch Cư Dị đã có thể làm ra những bài thơ trình độ cao.
          Thời Đường, thi nhân muốn tác phẩm của mình được nhiều người biết đến thường thông qua một người nổi tiếng tiến cử. Năm Bạch Cư Dị 16 tuổi, ông quyết định đến kinh thành Trường An nhờ danh sĩ Cố Huống (顾况) chỉ bảo, hi vọng có thể được ông ấy tán thưởng và tiến cử. Sau khi đến Trường An, Bạch Cư Dị cầu kiến Cố Huống đồng thời đưa danh thiếp và bài thơ của mình. Cố Huống là thi nhân danh tiếng lúc bấy giờ, có tài nhưng tính tình kiêu ngạo cô độc, thấy một thanh niên chỉ mười mấy tuổi, trên danh thiếp lại có tên là Bạch Cư Dị bèn nói đùa:
Cận lai Trường An mễ giá ngận quý, khủng phạ cư trú bất dung dị a (2)
近来长安米价很贵,恐怕居住不容易啊
(Dạo này giá gạo ở Trường An rất cao, e rằng ở không dễ đâu)
          Bạch Cư Dị nhận được lời chế giễu của Cố Huống vẫn cung kính đứng bên cạnh. Cố Huống mở tờ giấy chép thơ của Bạch Cư Dị ra, thuận tay lật qua lật lại, bài Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt (赋得古原草送别) khiến ông chú ý, liền khe khẽ ngâm lên. Khi đọc mấy câu:
Li li nguyên thượng thảo
Nhất tuế nhất khô vinh
Dã hoả thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh
离离原上草
一岁一枯荣
野火烧不尽
春风吹又生
Cỏ nơi thảo nguyên rậm rạp
Cứ mỗi năm một lần khô rồi tươi tốt
Lửa đồng đốt không tài nào hết được
Khi gió xuân thổi đến lại mọc ra.
ông vỗ án khen hay không ngớt lời, lúc bấy giờ mới ý thức được chàng thanh niên đang ở trước mặt không phải là người tầm thường, mà là một người có tài, những lời chế giễu lúc nãy là không phải, vì thế ông đã nói lại rằng: “Lời của lão phu lúc nãy là nói đùa, anh có tài như thế, xem ra ở lại Trường An không khó”.
          Thi tài của Bạch Cư Dị đã nhận được sự tán thưởng và tiến cử của Cố Huống, từ đó, thanh danh vang xa, trở thành giai thoại trên thi đàn.
          Sau khi Bạch Cư Dị bước vào con đường sĩ hoạn, do bởi tính cách thẳng thắn, dám can gián, thường làm thơ nói về cái tệ lúc bấy giờ nên đã đắc tội với tập đoàn hoạn quan, nhiều lần bị biếm, bất đắc chí, cũng vì thế tâm tình của ông trầm uất. Đến lúc tuổi già, người con duy nhất của ông lại mệnh vong, điều này đã giáng cho ông một đòn rất mạnh. Cũng từ đó, ông chuyển sang sùng tín Phật giáo, có lúc ăn chay mấy tháng liền, đồng thời quyên tiền cho việc trùng tu chùa Hương Sơn (香山). Bạch Cư Dị sống ở Hương Sơn 18 năm, tự đặt cho mình hiệu “Hương Sơn cư sĩ”. Năm 75 tuổi, Bạch Cư Dị bị bệnh và qua đời ở Hương Sơn. Đến nay, tại Hương Sơn ở Lạc Dương hãy còn tượng và ngôi nhà kỉ niệm Bạch Cư Dị - “Lạc Thiên đường” (乐天堂)

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này trong nguyên tác đã in nhầm chữ “sĩ” () thành chữ “tuấn” ().
(2)- Chữ “dị” (), “dung dị” (容易) trong tiếng Hán có nghĩa là “dễ”, “dễ dàng”

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn ngày 15 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
BẠCH CƯ DỊ “CƯ TRÚ DO NAN BIẾN DỊ” ĐÍCH GIAI THOẠI
白居易居住由难变易的佳话
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
            Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.

Previous Post Next Post