MỘT VÀI Ý TƯỢNG THƯỜNG GẶP
TRONG THƠ VĂN CỔ TRUNG HOA
Huỳnh Chương Hưng
Ý tượng (意象) là hình tượng nghệ thuật được sản sinh từ cảnh vật khách quan thông qua hoạt động tình cảm riêng biệt của chủ thể sáng tác. Nói một cách đơn giản, ý tượng là loại hình tượng nghệ thuật kết hợp hài hoà giữa ý tưởng chủ quan với cảnh tượng khách quan. Người xưa cho rằng: “ý” là tâm ý trừu tượng nội tại, còn “tượng” là vật tượng cụ thể ngoại tại.Ý có gốc ở nội tâm, mượn tượng để biểu đạt; còn tượng là vật kí thác của ý. Trong thơ văn, ý tượng rất phong phú. Những vật trong thiên nhiên, những sự việc trong cuộc sống, thông qua lăng kính chủ quan của tác giả đều có thể phản ánh một tâm trạng mang một nội hàm nhất định. Dưới đây sẽ nêu một vài ý tượng thường gặp trong thơ văn cổ Trung Hoa.
BÃO TRỤ (抱柱): ôm trụ. Thiên Đạo Chích (盜蹠) trong sách Trang tử (莊子) có viết rằng: Vĩ Sinh (尾生) hẹn cùng cô gái gặp nhau dưới chân cầu. Vĩ Sinh đến đến đợi rất lâu, đợi mãi mà không thấy cô gái đến. Lúc bấy giờ nước dâng lên ngập chân cầu, nhưng Vĩ Sinh vẫn kiên trì giữ lời hứa, ôm trụ cầu không chịu rời. Nước đã dìm chết Vĩ Sinh. Về sau thơ văn dùng “bão trụ” để ví với việc kiên trì giữ chữ tín. Lí Bạch (李白) trong bài Trường Can hành (長干行) viết rằng:
Thường tồn bão trụ tín,
Khởi thướng vọng phu đài.
常存抱柱信
豈上望夫台
(Thường giữ trọn niềm tin vào chàng một lòng ôm cột,
Há nghĩ đến thiếp phải lên đài cao ngóng chồng)
BĂNG TUYẾT (冰雪): lấy băng tuyết để ví cho lòng trung trinh, và phẩm cách cao thượng. Như hai câu thơ trong bài Phù Dung lâu tống Tân Tiệm (芙蓉樓送辛漸) của Vương Xương Linh (王昌齡):
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
洛陽親友如相問
一片冰心在玉壺
(Bạn bè ở Lạc Dương nếu như có hỏi
Xin nhắn rằng lòng ta như mảnh băng trong bình ngọc)
“Băng tâm” chỉ tấm lòng cao khiết. Người xưa thường dùng câu:
Thanh như ngọc hồ băng
清如玉壺冰
(Thanh khiết như băng trong bình ngọc)
để ví với tâm tính quang minh lỗi lạc. Trương Hiếu Tường (張孝祥) trong bài từ Quá Động đình (過洞庭) theo điệu Niệm nô kiều (念奴嬌) đã viết:
Ưng niệm Lĩnh biểu kinh niên,
Cô quang tự chiếu,
Can đảm giai băng tuyết.
應念嶺表經年,
孤光自照,
肝膽皆冰雪
(Nhớ một năm qua nơi Lĩnh biểu,
Vầng trăng lẻ loi tự sáng soi,
Lòng dạ như băng tuyết)
Tác giả ví nhân cách phẩm hạnh của mình trắng trong như băng tuyết, mặc dù bị lưu đày nơi Lĩnh biểu.
HỒNG ĐẬU (紅豆): đậu đỏ, tức “Tương tư đậu” là tín vật trong tình yêu, tình bạn. Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có một cô gái, nghe tin chồng mất ở biên cương, cô ta đã khóc dưới cây đến chết, hoá thành hồng đậu, vì vậy hồng đậu còn được gọi là “Tương tư tử” (相思子). Trong Nam Châu kí (南州記) gọi là “Hải hồng đậu”(海紅豆); trong Bản thảo (本草) gọi là “Tương tư tử” (相思子). Bài Tương tư (相思) của Vương Duy (王維):
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỉ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương tư.
紅豆生南國
春來發幾枝
願君多採擷
此物最相思
(Hồng đậu sinh ở nước nam,
Khi mùa xuân đến mọc ra mấy cành.
Xin anh hái cho thật nhiều
Vì hạt đậu đó gợi nhớ đến nhau)
Thi nhân đã mượn hồng đậu để bộc lộ niềm quyến luyến đối với bạn. Chu Di Tôn (朱彝尊) đời Thanh trong bài Hoài Uông tiến sĩ Dục (怀汪进士煜) cũng viết rằng:
An sàng hồng đậu để,
Nhật nhật toạ tương tư.
安床红豆底
日日坐相思
(Kê giường dưới cây hồng đậu,
Ngày ngày ngồi nhớ đến nhau)
HỒNG NHẠN (鴻雁): chim hồng chim nhạn. Trong Hán thư – Tô Vũ truyện (漢書 - 蘇武傳) có nói đến việc Tô Vũ đi sứ Hung nô.
Tô Vũ tự Tử Khanh (子卿), người Đỗ Lăng (杜陵) (nay thuộc Tây An - 西安, Thiểm Tây - 陕西) một đại thần thời Tây Hán. Năm Thiên Hán (天汉) thứ nhất (năm 100 trước CN), ông vâng mệnh cầm cờ tiết đi sứ Hung Nô, bị lưu giữ lại. Quý tộc Hung Nô nhiều lần uy hiếp, dụ dỗ, muốn ông đầu hàng, nhưng ông không bằng lòng. Về sau ông bị đưa đến Bắc Hải chăn dê. Quý tộc Hung Nô bảo rằng khi nào dê đực sinh con ông mới được thả về. Trải qua 19 năm gian khổ ông vẫn bất khuất giữ cờ tiết. Truyền thuyết kể rằng, khi sứ nhà Hán bắn rơi một con chim nhạn từ phương bắc bay đến, nơi chân chim có buộc một phong thư, đó là thư của Tô Vũ. Biết được tin Tô Vũ còn sống, nhà Hán đòi Hung nô đưa Tô Vũ trở về. Về sau trong văn học thường dùng “Hồng yến” (鴻燕) “Nhạn thư” (雁書), “Nhạn túc” (雁足), “Ngư nhạn” (魚雁), “Nhạn túc truyền thư (雁足傳書) để chỉ tin tức, thư tín. Trong bài từ theo điệu Thanh bình lạc (清平樂), Yến Thù (宴殊) viết rằng:
Hồng tiên tiểu tự,
Thuyết tận bình sinh ý.
Hồng nhạn tại vân ngư tại thuỷ,
Trù trướng thử tình nan kí.
紅箋小字
說盡平生意.
鴻雁在雲魚在水,
惆悵此情難寄.
(Những dòng chữ trên mảnh hồng tiên,
Tâm sự một đời kể hết.
Chim hồng chim nhạn trên mây, cá dưới nước,
Buồn bã tình này không gửi được.)
Và bài từ theo điệu Nhất tiễn mai (一剪梅) của Lí Thanh Chiếu (李清照), nữ từ nhân nổi tiếng thời Tống cũng có câu:
Nhạn tự hồi thời,
Nguyệt mãn tây lâu.
雁字回時
月滿西樓
(Nhạn thành hàng bay trở về,
Trăng tràn cả lầu tây.)
Nhạn đã quay về, nhưng tin thư không thấy.Ở đây thể hiện nỗi niềm mong ngóng tin chồng của tác giả.
LẠN KHA (爛柯): cán búa mục. Trong Thuật dị kí (述異記) của Nhậm Phưởng (任昉) người nước Lương thời Nam triều có kể một câu chuyện: Vào thời Tấn tại núi Thạch Thất (石室), quận Tín An (信安), có một người tên là Vương Chất (王質) lên núi đốn củi, nhìn thấy mấy đứa bé đang ca hát đánh cờ.Vương Chất bèn ngồi xuống nghe. Bọn trẻ đưa cho Vương Chất một loại hạt, giống như hạt táo bảo ngậm vào miệng sẽ không thấy đói.Vương Chất làm theo. Qua một lúc sau bọn trẻ giục Vương Chất quay về, anh ta đứng lên phát hiện cán búa đã mục. Về đến nhà, mới biết đã qua cả trăm năm, mọi người đều qua đời. Trong văn học dùng “lạn kha” để ví với việc xa nhà xa, quê hương lâu năm.
Lưu Vũ Tích (劉禹錫) trong bài Thù Lạc Thiên Dương Châu sơ phùng tịch thượng kiến tặng (酬樂天揚州初逢席上見贈) viết rằng:
Hoài cựu không ngâm văn địch phú,
Đáo hương phiên tự lạn kha nhân.
懷舊空吟聞笛賦
到鄉翻似爛柯人
(Nhớ đến những người bạn đã mất, chỉ biết ngâm bài “Tư cựu phú” mà Hướng Tú khi nghe tiếng sáo nhớ bạn làm ra.
Về đến quê nhà thấy mình dường như là người đã mục cán búa trong thần thoại)
LIỄU (柳): Thơ văn Trung quốc thường dùng hình tượng “chiết liễu” (折柳) để thể hiện tình cảm lưu luyến lúc chia tay.
Do bởi chữ “liễu” hài âm với chữ “lưu” tức “lưu luyến” nên người xưa khi chia tay nhau thường bẻ cành liễu để tặng. Tập tục này rất thịnh hành vào thời Đường. Thời Hán đã có khúc Chiết dương liễu (折楊柳), dùng hình thức thổi tiêu thổi sáo để biểu đạt tình cảm. Thời Đường, cầu Bá Lăng (灞陵) ở Tây An là nơi mà người đương thời khi rời Trường An đều phải đi qua, hai bên cầu Bá Lăng liễu xanh tươi tốt. Nơi đây đã trở thành nơi mà người xưa bẻ liễu tặng nhau nổi tiếng, như trong bài từ Ức Tần nga (憶秦娥) của Lí Bạch (李白):
Niên niên liễu sắc,
Bá Lăng thương biệt.
年年柳色,
灞陵傷別
(Năm năm dương liễu vẫn xanh,
Bên cầu Bá Lăng buồn li biệt)
Về sau dùng “Bá Lăng chiết liễu” để chỉ nơi tiễn biệt.
Ôn Đình Quân (溫庭筠) trong bài từ theo điệu Bồ tát man (菩薩蠻):
Lục dương mạch thượng đa biệt li.
綠楊陌上多別離
(Bên đường liễu xanh nhiều li biệt)
Và Liễu Vĩnh (柳永) trong bài từ theo điệu Vũ lâm linh (雨霖鈴):
Kim tiêu tửu tinh hà xứ?
Dương liễu ngạn,
Hiểu phong tàn nguyệt.
今宵酒醒何處?
楊柳岸,
曉風殘月.
(Đêm nay say khướt,
Sớm mai tỉnh dậy không biết mình đang ở chốn nào?
Dương liễu bên bờ,
Gió sớm thổi qua, một vầng trăng khuyết)
Lời của bài từ biểu đạt nỗi buồn thương li biệt.
Còn như hai câu trong bài Xuân dạ Lạc thành văn địch (春夜洛城聞笛) của Lí Bạch (李白):
Thử dạ khúc trung văn chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình
此夜曲中聞折柳
何人不起故園情
Ý nói đêm nay nghe được khúc “Chiết dương liễu”, ai mà không dấy lên lòng nhớ quê hương?
MAI (梅): Trong cái lạnh của mùa đông, hoa mai nở trước tiên. Nhân vì phẩm cách ngạo tuyết, kiên cường nên hoa mai rất được thi nhân ngưỡng mộ và yêu thích. Bài Mai hoa (梅花) của Trần Lượng (陳亮) đời Tống có câu:
Nhất đoá hốt tiên biến,
Bách hoa giai hậu hương.
一朵忽先變,
百花皆后香
(Một đoá bỗng nở trước tiên,
Trăm hoa đều toả hương sau)
Thi nhân nắm được đặc điểm của hoa mai là nở trước tiên, miêu tả phẩm chất kiên cường, dám đi trước thiên hạ của loài hoa này. Vịnh hoa nhưng cũng là vịnh chính mình.
Và hai câu trong bài từ Vịnh mai (詠梅) của Lục Du (陸游) rất nổi tiếng:
Linh lạc thành nê niễn tác trần,
Chỉ hữu hương như cố.
零落成泥碾作塵
只有香如故
(Héo rụng xuống hoá thành bùn thành đất
Chỉ riêng mùi hương là vẫn như xưa)
Mượn hoa mai để ví cảnh ngộ bất hạnh của mình, bộc lộ tiết tháo cao thượng không chịu đồng lưu hợp ô.
Vương Miện (王冕) đời Nguyên trong bài Mặc mai (墨梅) cũng có hai câu tương tự:
Bất yếu nhân khoa nhan sắc hảo,
Chỉ lưu thanh khí mãn càn khôn.
不要人夸顏色好
只留清氣滿乾坤
(Không cần người đời khen đẹp,
Chỉ cốt lưu lại thanh khí tràn đầy cả đất trời)
Lấy hoa mai băng thanh ngọc khiết để ví cho phẩm chất cao thượng của mình, tuy gian nan trắc trở, quyết cũng không chịu đồng lưu hợp ô. Lời thơ tuy cạn nhưng ý nghĩa thì vô cùng sâu sắc.
Tử giao thủ hề đông hành,
Tống mỹ nhân hề nam phố.
子交手兮東行
送美人兮南浦
(Ngài nắm tay nói rằng sẽ đi về phía đông,
Tôi tiễn ngài tiễn đến nơi nam phố.)
Trong bài Biệt phú (別賦) của Giang Yêm (江淹):
Xuân thảo bích sắc,
Xuân thuỷ lục ba.
Tống quân nam phố,
Thương như chi hà.
春草碧色
春水淥波
送君南浦
傷如之何
(Cỏ xuân phô sắc xanh,
Nước xuân bày sóng trong.
Tiễn chàng nơi nam phố,
Lòng buồn đau biết bao.)
Phạm Thành Đại (范成大) với bài Hoành đường (橫塘):
Nam phố xuân lai lục nhất xuyên,
Thạch kiều châu tháp lưỡng y nhiên.
南浦春來綠一川
石橋朱塔兩依然
(Mùa xuân đến nơi nam phố, khắp sông tràn cả sắc xanh
Cầu đá trên sông và tháp đỏ bên sông cả hai vẫn như xưa)
Người xưa tiễn đưa bên bờ nước không chỉ riêng tại nam phố, nhưng do bởi văn hoá dân tộc trường kì tiêm nhiễm nên “nam phố” đã trở thành chuyên danh chỉ nơi tiễn biệt bên bờ nước.
NGÔ ĐỒNG (梧桐): cây ngô đồng. Ngô đồng trong thơ ca cổ điển Trung Quốc tượng trưng cho bi thương thê lương. Lí Thanh Chiếu (李清照) thời Tống trong bài từ theo điệu Thanh thanh mạn (聲聲慢) viết rằng:
Ngô đồng canh kiêm tế vũ,
Đáo hoàng hôn,
Điểm điểm trích trích.
梧桐更兼細雨
到黃昏
點點滴滴
(Đến hoàng hôn
Mưa lất phất suốt ba canh
Từng giọt từng giọt rơi trên lá ngô đồng.)
Và Từ Tái Tư (徐再思) đời Nguyên trong Song điệu Thuỷ tiên tử - Dạ vũ (雙調水仙子 - 夜雨) :
Nhất thanh ngô diệp nhất thanh thu,
Nhất điểm ba tiêu nhất điểm sầu.
一聲梧葉一聲秋
一點芭蕉一點愁
(Từng tiếng mưa vang trên lá ngô đồng là từng tiếng buồn
Mỗi giọt mưa rơi trên lá chuối là mỗi giọt sầu)
NGUYỆT (月): mặt trăng. Nhìn chung, trăng trong thơ cổ là từ thay cho nỗi nhớ quê hương. Lí Bạch (李白) với bài Tĩnh dạ tư (靜夜思):
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
床前明月光
疑是地上霜
舉頭望明月
低頭思故鄉
(Nhìn thấy ánh sáng của vầng trăng ở trước giường,
Cứ ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng sáng,
Cuối đầu xuống nhớ đến quê nhà)
Đỗ Phủ (杜甫) với bài Nguyệt dạ ức Xá đệ (月夜憶舍弟)
Lộ tùng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
露從今夜白
月是故鄉明
(Đêm nay sương xuống trắng,
Trăng rọi sáng quê nhà)
Sương móc bao giờ cũng trắng, nhưng đêm nay lại trắng nhiều, do bởi cảm thụ tại đêm nay; còn trăng nơi nào cũng sáng, nhưng trăng ở quê nhà lại sáng hơn bởi đang nhớ đến người em, đang nhớ đến quê nhà. Thi nhân đã lấy huyễn làm chân, làm nỗi bật lòng nhớ quê hương.
THẢO MỘC (草木): cỏ cây. Lấy hình tượng cỏ cây tươi tốt hoặc khô héo để thể hiện sự cảm khái về thời cuộc hưng thịnh hoặc suy vong. Như hai câu trong bài Dương Châu mạn (揚州慢) của Khương Quỳ (姜夔)
Quá xuân phong thập lí
Tận tề mạch thanh thanh.
過春風十里
盡薺麥青青
(Đi qua Dương Châu nổi tiếng là nơi “Xuân phong thập lí”
Thấy khắp nơi tề mạch xanh xanh)
Ý nói chốn Dương Châu phồn hoa giờ sao thấy hoang vu.
Trong bài Xuân vọng (春望) Đỗ Phủ (杜甫) viết rằng:
Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
國破山河在
城春草木深
(Đất nước bị tàn phá nhưng núi sông thì vẫn còn đây
Thành đã vào xuân rồi mà cỏ cây vẫn còn um tùm.)
Câu thơ thể hiện nỗi thương cảm trước sự suy vong của đất nước.
Và trong bài Vịnh Vũ Hầu từ (詠武侯祠):
Giai tiền bích thảo tự xuân sắc,
Cách diệp hoàng li không hảo âm
階前碧草自春色
隔葉黃鸝空好音
(Trước thềm, cỏ đã khoác lên sắc xuân xanh biếc
Trong khóm lá, chim hoàng li hót lên những âm thanh tươi tắn.)
Một đời hiền tướng, công nghiệp lớn lao nay đã hết, nơi đây chỉ thấy cỏ ánh lên sắc xuân, và tiếng hót chim hoàng li uyển chuyển. Thi nhân đã tiếc nuối về quá khứ hào hùng.
THIỀN (蟬): con ve. Người xưa cho rằng ve tượng trưng cho sự cao khiết. Do bởi ve đậu ở cành cao, chỉ ăn gió uống sương, không ăn những loại thực phẩm
của con người,cho nên lấy tính cách cao khiết của ve để biểu hiện phẩm hạnh của con người.
Trong Tại ngục vịnh thiền (在獄詠蟬) Lạc Tân Vương (駱賓王) viết rằng:
Vô nhân tín cao khiết
無人信高潔
(Không ai tin ta cao khiết)
Lí Thương Ẩn (李商隱) với bài Thiền (蟬) có những câu như:
Bản dĩ cao nan bão
本以高難飽
(Vốn vì cao khiết nên khó no lòng)
Ngã diệc cử gia thanh
我亦舉家清
(Ta cũng được cả nhà trong sạch)
Ngu Thế Nam (虞世南) cũng với bài Thiền (蟬) đã viết:
Cư cao thanh tự viễn,
Phi thị tịch thu phong.
居高聲自遠
非是藉秋風
(Vì ở trên cao nên tiếng kêu vang xa
Không phải là nhờ gió thu đưa hộ)
Thẩm Đức Tiềm (沈德潛) trong Đường thi biệt tài (唐詩別裁) khi bàn về bài thơ “Thiền” của Ngu Thế Nam đã nói:
Vịnh thiền giả mỗi vịnh kì thanh, thử độc tôn kì phẩm cách.
詠蟬者每詠其聲, 此獨尊其品格
(Về ve, mỗi khi vịnh tiếng kêu của nó, đó là tôn cao phẩm cách)
TRƯỜNG ĐÌNH (長亭): chỉ nơi tiễn biệt trên đất liền.
Lí Bạch trong bài từ theo điệu Bồ tát man (菩薩蠻) viết rằng:
Hà xứ thị quy trình?
Trường đình cánh đoản đình.
何處是歸程
長亭更短亭
(Đường về ở nơi nao?
Trường đình lại đoản đình)
Liễu Vĩnh với bài từ theo điệu Vũ lâm linh (雨霖鈴) :
Hàn thiền thê thiết
Đối trường đình vãn
寒蟬凄切
對長亭晚
(Tiếng ve nghe thê thiết
Chiều tối, nơi trường đình nói lời li biệt )
Và Lí Thúc Đồng (李叔同) với bài Tống biệt (送別):
Trường đình ngoại, cổ đạo biên, phương thảo bích liên thiên
長亭外, 古道邊, 芳草碧連天.
(Ngoài trường đình, bên đường cũ, cỏ thơm xanh tận chân trời)
Trong thơ ca cổ điển Trung Quốc, “trường đình” là nơi tiễn biệt trên đất liền.
Trên đây là một vài ý tượng thường thấy trong thơ văn cổ Trung Hoa, và ngụ ý mà những ý tượng này chuyển tải cũng là những ngụ ý thường dùng nhất, bởi có không ít những ý tượng có ngụ ý đa dạng phong phú. Tuỳ lúc, tuỳ tâm trạng của chủ thể sáng tác mà những ngụ ý ấy được bộc lộ nhằm thể hiện cảm xúc của tác giả. Ví dụ: Thiền (ve) tượng trưng cho phẩm hạnh cao khiết, nhưng ve còn thể hiện nỗi buồn. “Hàn thiền” (寒蟬) là từ đồng nghĩa với nỗi buồn chán thê lương, ví dụ mấy câu trong bài từ của Liễu Vĩnh (柳永):
Hàn thiền thê thiết
Đối trường đình vãn
寒蟬凄切
對長亭晚
(Tiếng ve nghe thê thiết
Chiều tối, nơi trường đình nói lời li biệt )
Và câu thơ của Tào Thực (曹植)
Hàn thiền minh ngã trắc
寒蟬鳴我側
(Ve lạnh kêu bên mình)
(Tặng Bạch Mã Vương Bưu 贈白馬王彪)
cũng đã biểu đạt tình ý như vậy.
Tóm lại, sử dụng ý tượng đúng lúc, sẽ khơi gợi được sức tưởng tượng, và hiệu quả cảm thụ tác phẩm nơi người đọc sẽ được nâng cao./.
THƯ MỤC THAM KHẢO
Sách tiếng Việt
1- Nguyễn Xuân Tảo (dịch): Tống từ
NXB Văn học, 1999
2- Trần Văn Nhĩ: Tuyển tập thơ Đường (tập 1, 2)
NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2009.
Sách tiếng Trung
1- Đường Khuê Chương, Châu Nhữ Xương cùng một số tác giả: Đường Tống từ giám thưởng từ điển (唐宋詞鑒賞詞典). (tập 1, 2)
Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1996.
2- Khuất Nguyên: Sở từ (楚辞)
Cát Lâm nhiếp ảnh xuất bản xã, 2003.
3- Lâm Khôn Thanh: Tống từ tam bách thủ từ điển (宋詞三百首辞典)
Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1999.
4- Lưu Văn Lan chủ dịch: Tống từ tam bách thủ (宋詞三百首)
Sùng văn thư cục, 2003.
5- Nhiếp Xảo Bình chủ dịch: Đường thi tam bách thủ (唐詩三百首).
Sùng văn thư cục, 2003.
6- Từ Kiến Uỷ, Lưu Tranh: Lí Thanh Chiếu từ thưởng dộc (李清照词赏读)
Tuyến trang thư cục, 2007.
Tài liệu mạng
Quy Nhơn, ngày 09 tháng 4 năm 2012
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật