Dịch thuật: Thi kinh

 

THI KINH 

        “Thi kinh” 诗经 là bộ nhạc ca, phân làm 3 phần “phong” “nhã”  “tụng” . Phong hơn một nửa là dân ca, phân ra 15 nước, cộng 160 thiên. Nhã phân làm “đại nhã” 大雅 “tiểu nhã” 小雅, cộng 105 thiên, đa số là tự sự thi. Tụng phân làm “Chu tụng” 周颂 “Lỗ tụng” 鲁颂 “Thương tụng” 商颂, cộng 40 thiên, đa số là tự sự thi cùng với tự thần ca. Tổng cộng có 305 thiên. Tương truyền nguyên của thi có trên ba ngàn thiên, trải qua sự san định của Khổng Tử 孔子 còn lại chừng đó, nhưng trong Luận ngữ 论语 có nói “Thi tam bách” 诗三百, e là Khổng Tử chưa từng san định qua. Thi kinh hiện tồn là Mao thi 毛诗. Triều Hán truyền thụ Thi kinh có bốn nhà là Tề , Lỗ , Hàn , Mao , ba nhà kia đã thất truyền, Mao thi hiện tồn là do Đại Mao Công 大毛公 truyền thụ. Phụ vào Thi kinh có “Thi tự” 诗序, phân làm “đại tự” 大序 “tiểu tự” 小序, “tiểu tự” đặt ở trước mỗi thiên thi, nói rõ đại ý trong bài thơ, “đại tự” đặt liền ở sau tiểu tự của thiên đầu tiên Quan thư 关雎, tổng luận toàn sách. Vấn đề tác giả của thi tự chưa luận định. Nguồn gốc của thi theo truyền thuyết là do định kì thu thập mà ra. Thời cổ có “thái thi quan” 采诗官, hằng năm vào tháng 8 ngồi xe du hiên 輶轩chu du trong nước, thu thập ca dao, trình lên thiên tử; và khi thiên tử tuần thú các nước, sai Thái sư trình bày thi để quan sát dân phong. Khu vực đương thời thu thập, lấy Hoàng hà 黄河làm trung tâm, thập ngũ quốc phong chẳng qua là trong mấy tỉnh Hà Nam 河南, Thiểm Tây 陕西, Sơn Đông 山东, Sơn Tây 山西 ngày nay, cho nên Thi kinh là văn học phương bắc. Nhưng bối cảnh của Chu nam 周南 Thiệu nam 召南 lại ở vùng Giang Hán 江汉. Phương pháp tu từ của thi có 3 loại là phú, tỉ, hứng: Phú là tự thuật trực tiếp, tỉ tức hoàn toàn tỉ dụ, hứng là trước tiên viết bối cảnh sau đó tự thuật rõ ràng. Gọi là đại nghĩa ở thi chính là phong, nhã, tụng, phú, tỉ, hứng.

        Thi kinh là bộ cổ thư đáng tin, không phát sinh vấn đề chân nguỵ, nhưng “thi tự” lại không đáng tin lắm, nó đối với nội dung của thi có sự giải thích sai. Thi kinh không chỉ có giá trị văn học mà đồng thời có giá trị sử liệu, ví dụ như thiên Thương tụng – Huyền điểu 商颂 - 玄鸟, tự thuật truyền thuyết bà Giản Địch 简狄 nuốt trứng chim mà sinh ra ông Tiết ; thiên Đại nhã – Sinh dân 大雅 - 生民tự thuật câu chuyện bà Khương Nguyên 姜嫄 giẫm phải dấu chân Thượng đế mà sinh ra Hậu Tắc 后稷, ám thị tình hình xã hội thời viễn cổ; thiên Mân phong – Thất nguyệt 豳风 - 七月 cùng các thiên Sở từ 楚茨,Nam sơn 南山, Phủ điền 甫田, Đại điền 大田 trong Tiểu nhã, thuật lại sự hưng thịnh về nông nghiệp của dân tộc Chu. Còn như sau khi Bình Vương 平王 dời về phía đông, sự đấu tranh trong xã hội ngày càng gay gắt, thì có “biến phong” 变风 “biến nhã” 变雅 (đây là danh xưng mà những người giải thích thi gán cho một bộ phận phong, và mấy thiên ở nhã) , miêu tả tình cảm uất ức phẫn khái, như Bắc môn 北门 của Bội phong 邶风, Thử tắc 黍稷 của Vương phong 王风, Bảo vũ 鸨羽của Đường phong 唐风, Hoàng điểu 黄鸟 của Tần phong 秦风, các thiên Tiệt Nam sơn 节南山, Chính nguyệt 正月của Tiểu nhã; Bản , Đãng , Tang nhu 桑柔, Vân Hán 云汉 của Đại nhã, đều là những sáng tác oán thiên hận nhân, còn các thiên như Hà thảo bất hoàng 何草不黄, Bắc sơn 北山, Xuất xa 出车, Thái vi 采薇, Hoàng điểu 黄鸟của Tiểu nhã; Cát lũ 葛屦, Phạt đàn 伐檀, Thạc thử 硕鼠 của Nguỵ phong 魏风, càng biểu hiện rõ sự bất an của xã hội.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 12/01/2021

Nguyên tác

THI KINH

诗经

Trong quyển

QUỐC HỌC THƯỜNG THỨC

国学常识

Tác giả: Tào Bá Hàn 曹伯韩

Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017

 

Previous Post Next Post