Dịch thuật: Tại sao mười hai lăng trong Thập tam lăng đều không có bi văn

 

TẠI SAO MƯỜI HAI LĂNG TRONG THẬP TAM LĂNG

 ĐỀU KHÔNG CÓ BI VĂN 

          Trong Thập tam lăng 十三陵 (13 lăng) (1) triều Minh tại Bắc Kinh 北京, có 12 lăng không có bi văn 碑文 (văn bia). Điều này rốt cuộc là thế nào?

          Trong 13 lăng, chỉ có trên bia đá của Minh Thành Tổ Chu Đệ 明成祖朱棣 là có bi văn, tấm bia ở Trường lăng 长陵 này, trên chính diện có khắc mấy chữ “Đại Minh Trường lăng thần công thần nho bi” 大明长陵神功神儒碑, phía dưới có bi văn hơn 3000 chữ do con của Chu Đệ là Minh Nhân Tông 明仁宗 đích thân viết ca tụng công đức của phụ thân. Là tấm bia đầu tiên trong 13 lăng có bi văn, 12 lăng còn lại tại sao không khắc bi văn?

          Cố Viêm Vũ 顾炎武 sau khi đi thăm Thập tam lăng, đã viết Xương Bình sơn thuỷ kí 昌平山水记, nói rằng, theo truyền thuyết khi tự hoàng đế 嗣皇帝  (người sẽ kế thừa ngôi vị hoàng đế - ND) yết kiến lăng, có hỏi đại thần tuỳ tùng:

          - Hoàng khảo thánh đức bi 皇考圣德碑 tại sao lại không có chữ?

          Đại thần đáp rằng:

          - Hoàng khảo công cao đức hậu, văn tự không thể hình dung được.

          Còn trong Đế lăng đồ thuyết 帝陵图说 lại đưa ra lời giải thích khác. Trong Đế lăng đồ thuyết,  Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 明太祖朱元璋 từng nói:

          - Hoàng lăng bi kí đều là văn của các đại thần tô vẽ ra, không thể giáo dục con cháu đời sau.

          Lời phê bình của ông ta khiến cho các học sĩ của Hàn lâm viện không dám viết bi văn cho hoàng đế nữa. Về sau, nhiệm vụ viết bi văn bèn đặt lên vai tự hoàng đế. Cho nên bi văn của Hiếu lăng 孝陵 (Thái Tổ) là do Thành Tổ Chu Đệ 成祖朱棣 đích thân soạn, còn bi văn của Trường lăng 长陵 (Thành Tổ) là do Minh Nhân Tông Chu Cao Xí 明仁宗朱高炽 ngự soạn.

          Nhưng từ sau Minh Nhân Tông 明仁宗, các bia tại sao các tự hoàng đế không viết? Theo cách nói này, 7 lăng trước cổng là Trường , Hiến , Cảnh , Dụ , Mậu , Thái , Khang hoàn toàn không có bi đình 碑亭 (nhà bia) và bia. Đến thời Gia Tĩnh 嘉靖 mới xây dựng, năm Gia Tĩnh thứ 15 (năm 1536) mới xây xong, đương thời Lễ bộ Thượng thư Nghiêm Tung 严嵩 từng mời Thế Tông 世宗 soạn viết 7 bi văn, nhưng Gia Tĩnh đế ham mê tửu sắc, lại dốc lòng muốn “thành tiên”, làm gì có tâm trí để viết nhiều bi văn như thế, nhân đó mà đã để trống.

          Các hoàng đế khác nhìn thấy trên Tổ bi không có chữ, tự mình cũng không tiện viết bi văn cho đời trước, nhưng nếu viết hết thì cũng không có nhiều tinh lực, nhân đó, hoàng đế từng đời từng đời truyền lại, đã xuất hiện một số vô tự bi 无字碑 (bia không chữ). Trên thực tế, từ trung kì triều Minh về sau, các hoàng đế đa phần ham vui chơi, lười động bút, mà nguyên nhân chủ yếu nhất là, nếu như không tô vẽ thì không nói thẳng điều mà gọi là “công đức” của họ, nhân đó mà một số hoàng đế dứt khoát không viết.

          Có người còn cho rằng, cách làm của một số hoàng đế là bắt chước theo Võ Tắc Thiên 武则天. Bởi Võ Tắc Thiên là một người thông minh, lập “vô tự bi” quả thực là thông minh, công tội đúng sai để cho người đời sau bình luận, đó là cách tốt nhất. Những vị hoàng đế này biết bản thân mình có chỗ khẳng định, nhưng đồng thời cũng có chỗ cần phải phủ định. Họ biết cuộc đời của mình người ta sẽ có những bình luận đánh giá khác nhau, bi văn viết hay hoặc dở đều là việc khó, nhân đó mới quyết định lập “vô tự bi”, công tội đúng sai để hậu thế bình xét.

          Cho dù những cách nói này như thế nào, đến hiện nay, một số vô tự bi vẫn đứng trong thập tam lăng, cùng với hoàng đế ở sau chúng, đúng là đã làm được “công quá thị phi do hậu thế bình thuyết” 公过是非由后世平说 (công tội đúng sai để cho đời sau bình xét).

Chú của người dịch

          Thập tam lăng là tổng xưng lăng mộ của 13 vị hoàng đế triều Minh. Theo thứ tự trước sau về thời gian xây dựng là:

1- Trường lăng 长陵 (Minh Thành Tổ 明成祖 - Vĩnh Lạc hoàng đế lăng 永乐皇帝陵)

2- Hiến lăng 献陵 (Minh Nhân Tông 明仁宗 – Hồng Hi hoàng đế lăng 洪熙皇帝陵)

3- Cảnh lăng 景陵 (Minh Tuyên Tông 明宣宗 – Tuyên Đức hoàng đế lăng 宣德皇帝陵)

4- Dụ lăng 裕陵 (Minh Anh Tông 明英宗 – Chính Thống hoàng đế 正统皇帝 (tức Thiên Thuận hoàng đế 天顺皇帝) lăng )

5- Mậu lăng 茂陵 (Minh Hiến Tông 明宪宗 – Thành Hoá hoàng đế lăng 成化皇帝陵)

6- Thái lăng 泰陵 (Minh Hiếu Tông 明孝宗 – Hoằng Trị hoàng đế lăng 弘治皇帝陵)

7- Khang lăng 康陵 (Minh Vũ Tông 明武宗 – Chính Đức hoàng đế lăng 正德皇帝陵)

8- Vĩnh lăng 永陵 (Minh Thế Tông 明世宗 – Gia Tĩnh hoàng đế lăng 嘉靖皇帝陵)

9- Chiêu lăng 昭陵 (Minh Mục Tông 明穆宗 – Long Khánh hoàng đế lăng 隆庆皇帝陵)

10- Định lăng 定陵 (Minh Thần Tông 明神宗 – Vạn Lịch hoàng đế lăng 万历皇帝陵)

11- Khánh lăng 庆陵 (Minh Quang Tông 明光宗 – Thái Xương hoàng đế lăng 泰昌皇帝陵)

12- Đức lăng 德陵 (Minh Hi Tông 明熹宗 – Thiên Khải hoàng đế lăng 天启皇帝陵)

13- Tư lăng 思陵 (Minh Nghị Tông 明毅宗 – Sùng Trinh hoàng đế lăng 崇祯皇帝陵)

http://39.106.37.188/court/system/236402.html

                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                       Quy Nhơn 23/01/2021 

Nguồn

TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ

中国未解之谜

Tác giả: Hải Tử 海子

Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post