Dịch thuật: Thể lệ của sử thư (tiếp theo)

 

THỂ LỆ CỦA SỬ THƯ

(tiếp theo)

Thể điển chí 典志

          Cũng gọi là thể điển chế 典制. Sử thư theo thể điển chế lấy điển chế làm trung tâm, ghi chép chế độ điển chương các đời cùng sự thay đổi thêm bớt. Nó lấy phân môn biệt loại làm đặc điểm biểu thuật, từng được xưng là “phân loại thư” 分类书. Sử thư theo thể điển chế là từ phần thư chí 书志 trong trong sử thư theo thể kỉ truyện mà tách ra, phát triển thành một thể tài độc lập.

          Bộ điển chế sử đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có ảnh hưởng là bộ Thông điển 通典 do sử gia Đỗ hựu 杜佑 đời Đường biên soạn (trước đó có Chính điển 政典 do con của Lưu Cơ 刘几 là Lưu Trật 刘秩 biên soạn, Thông điển của Đỗ Hựu mở rộng trên cơ sở bộ này, cho nên sách lấy tên Thông điển để thay thế, chưa lưu truyền trên đời), tổng cộng 200 quyển, phân làm thực hoá, tuyển cử, chức quan, lễ, nhạc, binh, hình, châu bộ, biên phòng, tổng cộng là 9 môn, dưới môn có tử mục 子目, dưới tử mục lại có tế mục 细目. Nội dung toàn sách thu thập ngũ kinh quần sử, trên từ Hoàng Đế 黄帝, dưới đến cuối thời Thiên Bảo 天宝  nhà Đường.

          Đầu đời Nguyên, Mã Đoan Lâm 马端临 soạn Văn hiến thông khảo 文献通考, gồm 348 quyển, so với Thông điển có tăng thêm. Thông điểnVăn hiến thông khảo đều là thông sử theo thể điển chế, người đời sau đem hai quyển này cùng bộ Thông chí 通志 hợp xưng là “Tam thông” 三通.

          Thông chí通志 của Trịnh Tiều 郑樵 thời Nam Tống là bộ sử thư theo thể kỉ truyện, bộ phận điển chế xưng là “lược” . Nhìn từ tính chất của toàn sách, thuộc về thông sử theo thể kỉ truyện.

          Tam thông đều có tác phẩm tiếp nối, tính đến cuối đời Thanh có đến “thập thông”, trong đó tác phẩm quan tu có Tục tam thông 续三通 tiếp Chính tam thông 正三通 ghi chép đến cuối đời Minh, thời gian Tam thông đời Thanh tiếp tục đến lúc thành sách, tức khoảng năm Càn Long 乾隆 thứ 55. Nhân vì “thông chí” là thông sử theo thể kỉ truyện, tác phẩm tiếp tục chỉ tiếp tục bộ phận 20 lược. 6 bộ đại thư tổng cộng có 1560 quyển. Cuối đời Thanh, Lưu Cẩm Tảo 刘锦藻với sức lực cá nhân hoàn thành bộ Tục Thanh văn hiến thông khảo 续清文献通考gồm 400 quyển, viết tiếp đến cuối đời Thanh.

          Ngoài ra, sử thư theo thể điển chế đồng đại bắt đầu với bộ Yếu hội 要会 40 quyển của Tô Miện 苏冕 đời Đường, ghi chép sự việc từ thời Đường Cao Tông 唐高宗 đến thời Đức Tông 德宗; thời Tuyên Tông 宣宗  lại có Tục yếu hội 续要会 40 quyển, nhân vì là đồng đại thành sách nên dễ viết tiếp, các đời sau đa phần có tu soạn.

4- Thể kỉ sự bản mạt 纪事本末

          Thể kỉ sự bản mạt là thể lệ sử thư lấy sự kiện làm tuyến chính, đem nhưng tài liệu chuyên đề có liên quan tập trung lại. Sáng tác đầu tiên là của Viên Xu 袁枢 thời Nam Tống, Thông giám kỉ sự bản mạt 通鉴纪事本末 của ông dùng thể lệ này. Thể kỉ sự bản mạt, khác với thể biên niên lấy niên kỉ làm chính, cũng khác với thể kỉ truyện lấy truyện nhân vật làm chính, nó lấy kí sự việc làm chính, đem đại sự trong lịch sử, đầu đuôi nói rõ, tập trung biểu thuật quá trình của sự việc. Bất luận là thể biên niên hay thể kỉ truyện, về phương diện kí sự đều tồn tại những chỗ còn thiếu sót chưa rõ ràng.

          Thông giám kỉ sự bản mạt của Viên Xu thời Nam Tống chính thức sáng lập thể lệ này. Về sau, sử thư dùng thể này cải biên hoặc sáng tác có rất nhiều, Đời Minh có Tống sử kỉ sự bản mạt 宋史纪事本末, Nguyên sử kỉ sự bản mạt 元史纪事本末 của Trần Bang Chiêm 陈邦瞻, Tây Hạ kỉ sự bản mạt 西夏纪事本末 của Trương Giám 张鉴; đời Thanh có Minh sử kỉ sự bản mạt 明史纪事本末của Cốc Ưng Thái 谷应泰; gần đây có Thanh sử kỉ sự bản mạt 清史纪事本末 của Hoàng Hồng Thọ 黄鸿寿... quán thông cổ kim, tự thành hệ thống. Đây là kỉ sự bản mạt của các triều đại.

5- Thể biệt quốc 别国

          Lấy quốc gia làm đơn vị, lần lượt ghi chép sự kiện lịch sử. Quốc ngữ 国语 là bộ sử kí theo thể biệt quốc đầu tiên của Trung Quốc, cũng xưng là “Quốc kí” 国记, là tản văn lịch sử ghi chép sự việc của bộ phận các nước, khởi đầu từ Chu Mục Vương 周穆王 thời Tây chu, đến đời Lỗ Điệu Công 鲁悼公 đầu thời Chiến Quốc, phân ra ghi chép lịch sử của 8 nước Chu, Lỗ, Tề, Tấn, Trịnh, Sở, Ngô, Việt. Người ban đầu ghi chép của nó có khả năng là sử quan của các nước, khoảng thời Xuân Thu do sử quan nước Tấn biên soạn thành sách. Kí sự của Quốc ngữ so với Xuân Thu rõ ràng sinh động hơn nhiều, cũng bảo tồn được nhiều sử liệu quý giá. Chiến quốc sách 战国策 là bộ hội biên sử liệu thời Chiến Quốc. Hậu kì thời Tây Hán, Lưu Hướng 刘向 hiệu lí các sách, gia công chỉnh lí, bỏ những chỗ trùng lặp, được 33 thiên, lần lượt theo 12 quốc sách là Đông Chu, Tây Chu, Tần, Tề, Sở, Triệu, Nguỵ, Hàn, Tống, Vệ, Trung Sơn (1) định danh là Chiến quốc sách战国策. Tam quốc chí 三国志 của Trần Thọ 陈寿 đời Tấn ghi chép lịch sử cả 3 nước Nguỵ, Thục, Ngô.

6- Thông sử 通史

          Sử thư ghi chép nối liền nhau sử thực của các thời đại xưng là “thông sử” 通史, tương phản với sử theo thể đồng đại. Như bộ Sử kí 史记 của Tư Mã Thiên 司马迁  thời Tây Hán, cũng có thể xưng là thông sử. Nhân vì nó ghi chép trên từ Hoàng Đế 黄帝 trong truyền thuyết xuống đến thời Hán Vũ Đế 汉武帝, sử thực trải qua hơn 3000 năm. Còn có Tư trị thông giám 资治通鉴 của Tư Mã Quang 司马光, cũng là bộ thông sử nổi tiếng. “Thông sử” có thể lí giải là lịch sử quán thông, chính là lịch sử của một quốc gia hoặc một khu vực hoặc thế giới từ nền văn minh sớm nhất đến thời đại mà tác giả sử thư sinh sống. Đã gọi là thông sử, yêu cầu đầu tiên là nội dung thuật lại phải rộng lớn, những sự kiện quan trọng sở hữu và nghiên cứu đề tài (quân sự, văn hoá, nghệ thuật) liên quan đến nội dung không sâu nhưng cần phải đề cập. Yêu cầu tiếp theo là trong việc tự thuật thể hiện mạch phát triển của lịch sử hoặc quán xuyên các tuyến trong đó để người đọc có sự nhận biết cả chỉnh thể.

7- Sử đồng đại (Đoạn đại sử 断代史)

          Đặc điểm chủ yếu là chỉ ghi chép lịch sử của một thời kì nào đó hoặc một triều đại nào đó, như Hán thư 汉书. Hán thư汉书là bộ sử đồng đại theo thể truyện kí đầu tiên của Trung Quốc, phân làm 12 thiên kỉ, 8 thiên biểu, 10 thiên chí, 70 thiên truyện, tổng cộng 100 thiên, hơn 80 vạn chữ. Kí sự trên từ Hán Cao Tổ 汉高祖 nguyên niên, xuống đến Vương Mãng 王莽 năm Địa Hoàng 地皇 thứ 4, tổng cộng lịch sử 229 năm. Nhị thập tứ sử 二十四史từ Sử kí 史记 đến Minh sử 明史, trừ Sử kí ra, đều là sử đồng đại.

Thể lệ của 6 loại trên đây, theo tiêu chuẩn khác nhau mà phân ra. Trên thực tế, cùng một sử thư theo tiêu chuẩn khác nhau có thể đồng thời quy nhập thể lệ khác nhau. Như Tam quốc chí 三国志, vừa là sử thư theo thể kỉ truyện, lại là sử thư theo thể biệt quốc, đồng thời còn thuộc vào thể lệ sử thư đồng đại sử.

                                                                                         (hết)

Chú của người dịch

1- Trong nguyên tác thiếu nước Yên .

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 26/11/2020

Nguồn

http://xh.5156edu.com/page/z6557m4509j20237.html

Previous Post Next Post