Dịch thuật: Khoáng thế đại anh hùng

 

KHOÁNG THẾ ĐẠI ANH HÙNG 

          Tào Tháo 曹操 là chính trị gia, quân sự gia và văn học gia kiệt xuất thời Tam Quốc, cũng là nhân vật rất có ảnh hưởng trong lịch sử Trung Quốc.

          Tào Tháo, tự Mạnh Đức 孟德, tiểu tự A Man 阿瞒, người đất Tiêu nước Bái . Phụ thân ông Tào Tung 曹嵩 là con nuôi của hoạn quan Tào Đằng 曹腾, làm quan đến chức Thái uý, địa vị tuy rất cao nhưng xuất thân thấp kém. Tào Tháo năm 20 tuổi bắt đầu làm quan. Sau khởi nghĩa Hoàng Cân 黄巾, ông tham gia trấn áp nghĩa quân. Khi Đổng Trác 董卓 làm loạn, ông lại chiêu mộ 5000 người tổ chức thành đội ngũ, tham gia cường hào các nơi thảo phạt liên quân Đổng Trác, về sau, dư bộ của quân Hoàng Cân lại phát động cuộc khởi nghĩa mới, Tào Tháo chiếm cứ Duyện Châu 兖州, đánh bại quân khởi nghĩa, thu lưu và cải biên hơn 30 vạn quân Hoàng Cân ở Thanh Châu 青州làm đội ngũ của mình. Như vậy, ông đã có được một lực lượng vũ trang lớn mạnh.

          Đương thời, quân phiệt các nơi rầm rộ khởi nghĩa, cát cứ xưng hùng. Tào Tháo từ phương diện chính trị có được địa vị ưu việt, bèn đưa Hán Hiến Đế 汉献帝 từ Lạc Dương 洛阳 nghinh đón về Hứa Xương 许昌, khống chế trong tay mình. Hán Hiến Đế trên danh nghĩa tuy là hoàng đế nhưng thực tế là bù nhìn. Tào Tháo lấy danh nghĩa thiên tử phát hiệu thi lệnh, “danh chính ngôn thuận” cùng thế lực cát cứ các nơi triển khai đấu tranh. Ông lần lượt xuất binh tiêu diệt các thế lực Lữ Bố 吕布, Viên Thuật 袁术, Trương Tú 张秀, trong trận chiến Quan Độ 官渡 nổi tiếng, lại lấy ít thắng nhiều, tiêu diệt quân chủ lực của Viên Thiệu 袁绍, về sau lại bình định Viên Đàm 袁谭 -  con của Viên Thiệu, thống nhất phương bắc.

          Năm 208, Tào Tháo làm Thừa tướng. Ông có ý đồ muốn thống nhất phương nam, thống lĩnh đại quân xuống phía nam, tại Xích Bích 赤壁 bị liên quân Tôn Quyền 孙权 và Lưu Bị 刘备 đánh bại, nên rút lui về phương bắc. Về sau, Tào Tháo lại được phong làm Nguỵ Vương 魏王. Tào Tháo chết chẳng bao lâu, con ông là Tào Phi 曹丕 xưng Đế. Thời gian Tào Tháo thống trị phương bắc, về chính trị và kinh tế đều có rất nhiều thành tựu. Ông chú ý chiêu nạp và đề bạt nhân tài, dụng nhân duy tài, đả phá quan niệm thế tộc môn đệ, lôi kéo nhân vật hạ tầng trong giai cấp địa chủ. Tào Tháo coi trọng sản xuất nông nghiệp, lợi dụng quân Thanh Châu thu lưu và cải biên, lại chiêu mộ nông dân lưu vong, lập đồn điền khẩn hoang, đồng thời tu sửa thuỷ lợi. Ông cũng còn ức chế hào kiệt kiêm tính, chỉnh đốn phong tục xã hội. Những việc làm này đối với khu vực trung nguyên từng luôn chiến loạn là vô cùng tất yếu, khiến kinh tế xã hội phương bắc đương thời khôi phục được sự phát triển.

          Tào Tháo còn ra sức đề xướng văn học, khu vực trung nguyên đương thời văn học gia có danh tiếng nhất đại đa số là mạc liêu của Tào Tháo. Nữ thi nhân nối tiếng cuối đời Hán Thái Diễm 蔡琰 (Thái Văn Cơ 蔡文姬) lưu lạc nam Hung nô, Tào Tháo đặc biệt phái người dùng vàng bạc chuộc về.

          Bản thân Tào Tháo đối với văn học cũng có trình độ rất sâu. Trong cuộc sống binh nhung, Tào Tháo tay vẫn không rời sách, đăng cao tất phú. Văn chương của ông chất phác, mạnh mẽ, giản ước tươi sáng. Thơ của ông chất chứa hoài bão chính trị, khí phách hùng vĩ, khảng khái bi lương, như câu thơ xưa nay luôn truyền tụng:

Lão Kí phục lịch, chí tại thiên lí;

Liệt sĩ mộ niên tráng tâm bất dĩ.

老骥伏枥志在千里

烈士暮年壮心不已

(Ngựa kí tuy già nằm bên máng cỏ nhưng chí vẫn ở nơi ngàn dặm

Kẻ sĩ mang hoài bão tuy tuổi đã về chiều nhưng hùng tâm tráng chí không hề suy giảm)

Tràn đầy tinh thần tiến thủ tích cực.

          Tào Tháo còn tinh thông binh pháp, đối với Tôn Tử binh pháp 孙子兵法 ông rất coi trọng, từng viết bộ Tôn Tử lược giải 孙子略解. Ngoài ra có viết những tác phẩm như Binh thư yếu lược 兵书要略, Binh pháp 兵法, Binh thư tiếp yếu 兵书接要, đáng tiếc là đã thất tán.

          Tào Tháo là nhân vật lịch sử có thành tựu về nhiều phương diện. Ông tuy trấn áp qua cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng sự nghiệp chủ yếu của ông là thống nhất phương bắc. Đối với sự phát triển lịch sử Trung Quốc, ông đã có tác dụng tích cực. Lỗ Tấn 鲁迅  từng đánh giá rất tốt về ông:

          Tào Tháo là một người rất có bản lĩnh, chí ít là một anh hùng.

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 27/10/2020

Nguyên tác Trung văn

KHOÁNG THẾ ĐẠI ANH HÙNG

旷世大英雄

Trong quyển

BÁCH GIA TÍNH

百家姓

Biên soạn: Triệu Dương 赵阳

Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005

Previous Post Next Post