Dịch thuật: Trăm thân dễ chuộc một lời được sao (1956) ("Truyện Kiều")

 

TRĂM THÂN DỄ CHUỘC MỘT LỜI ĐƯỢC SAO (1956)

          Bài Hoàng điểu 黄鸟 Tần phong 秦风 trong Kinh Thi gồm 3 chương, mỗi chương 12 câu. Cuối mỗi chương đều kết thúc bằng 4 câu:

Bỉ thương giả thiên

Tiêm ngã lương nhân

Như khả thục hề

Nhân bách kì thân

彼苍者天

歼我良人

如可赎兮

人百其身

(Trời xanh kia ơi

Sao lại giết người tốt của ta

Nếu như có thể chuộc được

Nguyện chết một trăm lần để người chết được sống lại)

(Có tư liệu cho là lấy 100 người để chuộc một mạng người – HCH)

Khi Tần Mục Công chết, đã chôn theo một số lượng lớn người sống, trong đó có 3 anh em Tử Xa thị 子车氏 là Yêm Tức 奄息, Trọng Hàng 仲行 và Châm Hổ 鍼虎, ba người này đều là hiền thần nổi tiếng của nước Tần lúc bấy giờ. Bài thơ bày tỏ sự đau buồn thương tiếc đối với hiền tài bị chôn sống, đồng thời cũng bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ đối với chế độ tuẫn táng vô nhân đạo.

http://www.ruiwen.com/wenxue/shijing/527630.html

Thẹn mình đá nát vàng phai

Trăm thân dễ chuộc một lời được sao

(“Truyện Kiều” 1955 – 1956)

Trăm thân: Trăm cái thân mình, tức chết trăm lần. Kinh Thi có câu: “Bỉ thương giả thiên, Tiên ngã lương nhân, Như khả thục hề, Nhân bách kỳ thân”, nghĩa là: Trời xanh kia ơi, giết người tốt của ta. Nếu chuộc lại được, Xin lấy trăm thân.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Theo ý riêng, với câu 1956 Nguyễn Du đã lấy ý từ 2 câu “Như khả thục hề, Nhân bách kì thân” ở bài Hoàng điểu trong Tần phong.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 27/10/2020

Previous Post Next Post