Dịch thuật: Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời (1638) ("Truyện Kiều")


NỬA VÀNH TRĂNG KHUYẾT, BA SAO GIỮA TRỜI (1638)
          Ở bài Trù mâu 綢繆 thuộc Đường phong 唐風trong Kinh Thi có câu:
Trù mâu thúc tân
Tam tinh tại thiên
綢繆束薪
三星在天
(Cột chặt bó củi
Thấy ba ngôi sao trên trời cao)
          Khi nói về chữ “tâm” trong Phật giáo có một bài kệ viết rằng:
Tam điểm như tinh liệt
Hoành câu tự nguyệt tà
Phi mao tùng thử đắc
Thành Phật diệc do tha
三點如星列
橫勾似月斜
披毛從此得
成佛亦由它
(Ba chấm như sao bày
Nét cong nằm ngang như trăng chếch
Loài cầm thú từ đó mà có
Mà thành Phật cũng từ đó mà ra)
Ý muốn nói tất cả đều do tâm tạo. Bài kệ này có nhiều dị bản.

Đêm thu, gió lọt song đào
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời
(“Truyện Kiều” 1637 – 1638)
Ba sao: Dịch chữ tam tinh chỉ sao Tâm ở chòm sao Thần Nông ở giữa trời là vào lúc nửa đêm.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thi: Tam tinh tại thiên
          : 三星在天
          (Kinh Thi: Ba sao ở giữa trời)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: “Ba sao giữa trời” gốc từ “Tam tinh tại thiên” trong Kinh Thi.  Hai câu 1637 và 1638 trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du tả cảnh về đêm, nhưng theo ý riêng, có  lẽ Nguyễn Du cũng muốn nói Thuý Kiều đang nghĩ đến Thúc sinh, vì Thúc sinh tên là Thúc Kì Tâm. “Nửa vành trăng khuyết và ba sao” hợp lại giống hình chữ “tâm” .

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 17/9/2020


Previous Post Next Post