Dịch thuật: Ngoại thành, nội thành, hoàng thành, cung thành thành Bắc Kinh Trung Quốc

NGOẠI THÀNH, NỘI THÀNH, HOÀNG THÀNH, CUNG THÀNH
THÀNH BẮC KINH TRUNG QUỐC

          Thành Bắc Kinh 北京 thời Minh Thanh được xây dựng trên cơ sở đại đô của triều Nguyên, có 4 lớp  thành tường gồm: ngoại thành 外城, nội thành 内城, hoàng thành 皇城, cung thành 宫城.
          Ngoại thành ở phía nam kinh thành, được kiến tạo theo quy chế “thành tất hữu quách, thành dĩ vệ quân, quách dĩ vệ dân” 城必有廓, 城以卫君, 廓以卫民 (thành phải có quách, thành để bảo vệ vua, quách để bảo vệ dân) thời Gia Tĩnh 嘉靖 triều Minh. Đương thời chuẩn bị xây ngoại thành ở 4 phía chung quanh nội thành, nhưng tài lực có hạn, chỉ hoàn thành ngoại thành phía nam.
          Ngoại thành phía bắc tiếp giáp thành tường phía nam của nội thành, chu vi dài 28 dặm, có 7 cửa: phía nam chính giữa có Vĩnh Định Môn 永定门, Tả An Môn 左安门 và  Hữu An Môn 右安门 ở hai bên đông tây; phía đông có Đông Tiện Môn 东便门, Quảng Cừ Môn 广渠门; phía tây có Tây Tiện Môn 西便们门, Quảng An Môn 广安门.
          Nội thành còn gọi là đại thành 大城, là chủ thể của kinh thành, chu vi 45 dặm, thành tường cao lớn, ngoài thành tường có hộ thành hà rộng. Nội thành có 9 toà thành môn: phía nam ở chính giữa có Chính Dương môn 正阳门, Sùng Văn môn 崇文门 và Tuyên Vũ Môn 宣武门 ở hai bên đông tây; phía đông có Triều Dương Môn 朝阳门, Đông Trực Môn 东直门; phía tây có Phụ Thành Môn 阜成门, Tây Trực Môn 西直门; phía bắc có An Định Môn 安定门, Đức Thắng Môn 德胜门. Đời Minh, nội thành và ngoại thành đều là nơi ở của bách tính. Đến đời Thanh, nội thành là nơi cư trú của kì nhân 旗人 (người của bát kì), nhiều vương phủ cũng phân bố trong thành, dân người Hán bị dời đến nam thành.
          Hoàng thành ở phía nam của nội thành, là nơi triều đình xử lí công việc, chu vi thành 18 dặm, chính nam có quảng trường hình chữ T, quảng trường có 4 toà thành môn, tức phía nam là Trung Hoa Môn 中华门 (đời Minh gọi là Đại Minh Môn 大明门, đời Thanh đổi gọi là Đại Thanh Môn 大清门), đông tây hai bên có Trường An Tả Môn 长安左门và Trường An Hữu Môn 长安右门. Phía bắc chính giữa là Thiên An Môn 天安门 (đời Minh gọi là Thừa Thiên Môn 承天门). Phía đông hoàng thành còn có Đông An Môn, phía tây có Tây An Môn, trên trục trung tuyến phía bắc còn có Địa An Môn 地安门 (đời Minh gọi là Bắc An Môn 北安门). Hai đời Minh Thanh, từ hoàng thành trở vào trong đều là cấm địa, cung thành, triều đình, tây uyển đều ở trong hoàng thành, bách tính không được vào.
          Cung thành tức Tử Cấm Thành 紫禁城, toạ lạc trên trục tuyến trung ương của hoàng thành, là nơi ở và là nơi xử lí chính sự của hoàng đế, là chính giữa của thiên hạ. Người xưa cho rằng cung thành của hoàng đế ứng với Tử Vi Viên 紫微垣 là nơi Thiên Đế cư ngụ, cho nên gọi là Tử Cấm Thành紫禁城. Bốn phía Tử Cấm Thành được Đồng Tử hà 筒子河 (tức hộ thành hà - ND) bao bọc, đông nam tây bắc mỗi hướng trổ 1 cửa, hướng nam là Ngọ Môn 午门, hướng đông là Đông Hoa Môn 东华门, hướng tây là Tây Hoa Môn 西华门, hướng bắc là Thần Vũ Môn 神武门. Phía trong cung môn chính là một rừng cung điện tường đỏ ngói vàng – Tử Cấm Thành.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 13/01/2020

Nguồn
NGOẠI THÀNH, NỘI THÀNH, HOÀNG THÀNH, CUNG THÀNH
外城, 内城, 皇城, 宫城
Trong quyển
ĐỒ GIẢI CỐ CUNG
图解故宫
Tác giả: Định Giới 定界
Bắc Kinh: Bắc Kinh xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post