Dịch thuật: Văn tự ngục hai đời Minh Thanh (kì 1)

VĂN TỰ NGỤC HAI ĐỜI MINH THANH
(kì 1)

Sự hưng khởi văn tự ngục
          Văn tự ngục là sản vật của cường quyền chuyên chế. Lịch sử lâu đời của văn tự ngục Trung Quốc cơ hồ thuỷ chung với chế độ quân chủ. Thời Chu Tuyên Vương 周宣王, dân dao ca rằng:
          Nguyệt tương thăng, nhật tương một, mị hồ ki phục, ki vong Chu quốc.
          月将升, 日将没, 糜弧箕箙, 几亡周国
          (Mặt trăng sắp mọc, mặt trời sắp lặn, cây cung gỗ dâu, túi cung cỏ ki, nhà Chu sắp diệt vong)
          Nội hàm lời của dân dao là khuyên gián, Chu Tuyên Vương nghi kị, bèn đại khai sát giới. Đại khái đó có lẽ là vụ văn ngục tương đối sớm nhất của Trung Quốc. Học giả đời Hán là Dương Uẩn 杨恽 khi viết Báo Tôn Hội Tông thư 报孙会宗书, nhân vì phạm huý mà bị giết. Giai cấp thống trị từ những câu chữ trong tác phẩm của văn nhân trích lấy ra, quy chụp tội danh cấu thành oan ngục, để áp chế tư tưởng, tàn sát sĩ tử, sử gọi là “văn tự ngục”. Thời kì Minh Thanh là đỉnh cao của văn tự ngục Trung Quốc. Học giả cuối đời Thanh là Cung Tự Trân 龚自珍 nói rằng:
Tị tịch uý văn văn tự ngục
     Trứ thư đô vị đạo lương mưu (1)
避席畏闻文字狱
著书都为稻粱谋
(Rời chiếu sợ nghe văn tự ngục
Trứ tác cũng chỉ vì mưu cầu một cuộc sống bình an)

Văn tự ngục đời Minh
          Nhân vật đại biểu cho việc đại hưng văn tự ngục đời Minh là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 周元璋. Chu Nguyên Chương lâm chính theo ý mình, sát lục sĩ tử, đại hưng văn ngục, tựa hồ chẳng có pháp định nào, mang tính tuỳ ý cực lớn. Tài sĩ Tô Châu Cao Khải 高启từng đề qua bài thơ “Cung nữ đồ” 宫女图:
Nữ nô phù tuý đạp thương đài
Minh nguyệt tây viên thị yến hồi
Tiểu khuyển cách hoa không phệ ảnh
Dạ thâm cung cấm hữu thuỳ lai?
女奴扶醉踏苍苔
明月西园侍宴回
小犬隔花空吠影
夜深宫禁有谁来
(Nữ nô đạp lên rêu xanh dìu quân vương đang say khướt
Trở về sau khi hầu tiệc ở tây viên trong đêm trăng sáng
Cách hoa, con chó nhỏ sủa chiếc bóng đang di động
Đêm khuya nơi cung cấm có ai đến đâu?
          Chu Nguyên Chương sau khi được báo, nuôi hận trong lòng. Có người vu cáo Tri phủ Tô Châu Nguỵ Quan 魏观 tu sửa cung điện cũ của Trương Sĩ Thành 张士诚, mưu đồ làm loạn. Chu Nguyên Chương hạ lệnh chém đầu Nguỵ Quan. Khi thẩm tra Nguỵ Quan, phát hiện bài Thướng lương văn 上梁文của Cao Khải ca tụng Nguỵ Quan tu sửa Tri phủ nha môn, Chu Nguyên Chương lộ rõ vui mừng, mượn cơ hội đó cũng xử tử Cao Khải.
          Sự phản cảm của Chu Nguyên Chương đối với văn nhân và sự mệt thị và căm hận của văn nhân sĩ tử đối với việc Chu Nguyên Chương từ hồng quân phát tích thành công bổ sung cho nhau. Văn nhân đại biểu trong đó là chú cháu Hạ Bá Khải 夏伯启 - nho sĩ ở Quý Khê 贵溪, từng chặt đứt ngón tay, thề không hợp tác với tân triều, vĩnh viễn không làm quan. Hạ Bá Khải bị bắt đưa đến kinh sư, Chu Nguyên Chương hỏi rằng:
          Tích thế loạn cư hà xứ?
          昔乱世居何处?
          (Trước đây lúc thế loạn sống ở đâu?)
          Đáp rằng:
          Hồng khấu loạn thời, tị cư vu Phúc Kiến, Giang Tây lưỡng giới gian.
          红寇乱时, 避居于福建, 江西两界间 
          (Lúc loạn hồng khấu (giặc đỏ), tránh loạn sống ở giáp giới hai tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây)
          Chu Nguyên Chương nghe qua cả giận, nói rằng:
          Trẫm tri Bá Khải tâm hoài phẫn nộ, tương dĩ vi trẫm thủ thiên hạ phi kì đạo dã.
          朕知伯启心怀忿怒, 将以为朕取天下非其道也
          (Trẫm biết Bá Khải ôm lòng phẫn nộ, cho rằng trẫm lấy được thiên hạ không hợp với đạo lí)
          Nhĩ Bá Khải ngôn hồng khấu loạn thời, ý hữu tha phẫn, kim khứ chỉ bất vi trẫm dụng, nghi kiêu lệnh, tịch một kì gia, dĩ tuyệt cuồng ngu phu phỏng hiệu chi phong.
          Chu Nguyên Chương bảo rằng:
          尔伯启言红寇乱时, 意有他忿, 今去指不为朕用, 宜枭令, 籍没其家, 以绝狂愚夫仿效之风
          (Nhà người Bá Khải khi nói hồng khấu loạn, có ý căm phẫn việc khác, nay cho là không dùng để chỉ trẫm thì cũng đã đáng bêu đầu, tịch thu gia sản, nhằm dứt tuyệt những kẻ cuồng ngu bắt chước theo)
          Hạ Bá Khải bèn bị áp giải về nguyên tịch, xử tử tại chỗ. (2) Nho sĩ Tô Châu Diêu Nhuận 姚闰, Vương Mô 王谟 cũng nhân vì cự tuyệt hợp tác mà bị xử tử hình, tài sản toàn gia bị tịch thu. (3)
          Đối với văn nhân không hợp tác, Chu Nguyên Chương không phải là giết hết, có một số văn sĩ danh vọng rất lớn không muốn làm quan thì ông cũng không miễn cưỡng. Dương Duy Trinh 杨维桢 người Sơn Âm 山音 Chiết Giang 浙江, hiệu Thiết Nhai 铁崖, văn tài cái thế, tài làm thơ nổi tiếng trong thiên hạ, đương thời gọi ông là Thiết Nhai Thể铁崖体. Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 2 khi được mời tới, ông khéo léo từ chối, năm sau, quan địa phương giục ông lên đường, ông làm bài phú Lão khách phụ dao 老客妇谣, nói là bà lão không thể tái giá, nếu không thông cảm, đánh phải tự sát. Thanh danh Dương Duy Trinh vang dội, Chu Nguyên Chương cũng không cưỡng cầu. Dương Duy Trinh trú tại Nam Kinh 南京mấy tháng rồi xin về quê nhà. Học giả Tống Liêm 宋濂làm thơ tặng ông:
Bất thụ quân vương ngũ sắc chiếu
   Bạch y tuyên chí bạch y hoàn (4)
不受君王五色诏
白衣宣至白衣还
(Không nhận chiếu ngũ sắc của quân vương
Giữ áo trắng trở về áo trắng)
          Rốt cuộc “Bạch y tuyên chí bạch y hoàn” là thiểu số. Chu Nguyên Chương đối với văn nhân không chịu hợp tác rất căm giận, nhất là không thể dung thứ văn nhân sĩ tử trong lòng có vự việc giấu kín không chịu nói với ai, mượn xưa chê nay. Thế là, văn tự có dấu vết phạm huý, đại hưng oan ngục, liên luỵ nhiều người, trảm sát người vô tội. Văn tự mà Chu Nguyên Chương cho là phạm cấm kị, đến từ lúc ông ta xuất thân và thân thế thấp kém: Chu Nguyên Chương từng làm hoà thượng, kị huý những chữ đại loại như “quang , thốc , tăng , lư ”; từng làm qua tiểu binh của hồng quân, bị địch thủ mắng là hồng tặc, hồng khấu nên kị huý  những chữ như “tặc , khấu và tắc ”. Văn tự ngục từ những chữ này gây ra khiến nhiều người vô tội bị chết – nhân vì họ ủng hộ tân triều, xuất ra làm quan, đồng thời trong lòng có chí hướng khác.
          Sau khi triều Minh kiến lập, thiên hạ an định, văn nhân ngày càng đắc thế. Võ tướng chẳng có mùi vị gì. Chu Nguyên Chương vốn không tín nhiệm văn nhân, các võ tướng mượn cơ hội khiêu khích, văn tự ngục liền từng đợt từng đợt dậy sóng. Các võ tướng công hầu lập trạng, cáo văn nhân âm hiểm giảo hoạt mà cơ trí. Chu Nguyên Chương cảm thấy, võ định thiên hạ, văn trị thái bình, trị thiên hạ nếu không phải văn nhân thì không thể. Thuyết khách bèn nói: Điều đó đương nhiên là không sai, nhưng không thể quá tin tưởng văn nhân. Trương Cửu Tứ 张九四 năm nào đối với văn nhân tốt biết bao? Lương cao nhà đẹp, tiệc nhỏ tiệc
lớn, đưa văn nhân lên tới trời, nhưng văn nhân thì sao? mắng ông ta, thay thế ông ta đặt tên Trương Sĩ Thành. Chu Nguyên Chương cảm thấy kì quái, tên Trương Sĩ Thành chẳng phải rất tốt sao? Thuyết khách chỉ ra rằng: Tốt cái gì? Mạnh tử nói rằng:
Sĩ thành tiểu nhân dã (*)
士诚小人也
Câu đó ngắt câu là:
Sĩ thành, tiểu nhân dã.
士诚, 小人也
(Sĩ Thành là kẻ tiểu nhân)
          Chu Nguyên Chương cả kinh, lập tức tra trong Mạnh Tử 孟子, quả nhiên là có câu đó. Từ đó Chu Nguyên Chương cẩn thận về văn tự của các văn nhân.
                                                                                     (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- “Vịnh sử” 咏史
2- “Minh sử - Quyển cửu thập tứ” 明史卷九十四
3- “Minh sử - Hình pháp chí” 明史刑法志
4- “Minh sử - Quyển nhị bách bát thập ngũ” 明史卷二百八十五

Chú của người dịch
*- “Sĩ” ở đây là Doãn Sĩ 尹士, tên của một người nước Tề.
Câu này ở thiên Công Tôn Sửu hạ 公孙丑下 trong Mạnh Tử 孟子.
          Mạnh Tử rời nước Tề, Doãn Sĩ nói với mọi người rằng: “Không biết Tề Vương không thể làm thánh nhân như Thương Thang 商汤, Vũ Vương 武王, đó là Mạnh Tử không sáng suốt; biết là không thể mà vẫn cứ đến, đó là Mạnh Tử đến để cầu phú quý. Từ xa ngàn dặm đến gặp, không hợp ý lại bỏ đi, nghỉ lại ba đêm mới ra khỏi ấp Trú , sao mà chậm vậy? Sĩ ta không hài lòng việc đó”.
          Cao Tử 高子đem những lời đó nói lại với Mạnh Tử.
          Mạnh Tử nói rằng: Ông Doãn Sĩ đó làm sao có thể hiểu được ta? Từ xa ngàn dặm đến gặp Tề Vương là kì vọng của ta, không hợp ý mà ra đi, lẽ nào là điều ta muốn? Chẳng qua là bất đắc dĩ mà thôi. Nghỉ lại ba đêm mới rời khỏi ấp Trú, ta vẫn cho là nhanh. Ta nghĩ rằng, có lẽ Tề Vương sẽ thay đổi thái độ. Nếu như Tề Vương thay đổi thái độ nhất định sẽ bảo ta quay lại. Rời khỏi ấp Trú mà Tề Vương không sai người đuổi theo, ta lúc đó mới quyết về quê nhà. Mặc dù là như thế, ta lẽ nào bỏ mặc Tề Vương! Tề Vương vẫn làm tốt được chính sự, nếu Tề Vương dùng ta thì không chỉ bách tính nước Tề được thái bình, mà bách tính trong thiên hạ cũng được thái bình. Tề Vương có lẽ sẽ thay đổi thái độ! Ta ngày ngày trông mong. Ta lẽ nào giống như hạng người hẹp hòi, dâng lời can ngăn mà không được tiếp nhận liền giận dỗi biểu hiện ra mặt. Một khi đã rời đi liền đi cả ngày, đến lúc không có sức mới dừng lại nghỉ?
          Doãn Sĩ nghe những lời đó, nói rằng:
Sĩ, thành tiểu nhân dã.
, 诚小人也.
(Sĩ ta quả thật là tiểu nhân.)
          (“Mạnh Tử” 孟子: Vạn lệ Hoa 万丽华, Lam Húc 蓝旭dịch chú. Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2007)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 05/12/1019

Nguồn
LỊCH TRIỂU HOÀNG CUNG BẢO TỊCH
历朝皇宫宝籍
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc Văn sử xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post