Dịch thuật: Nho học tông sư - Khổng Tử

NHO HỌC TÔNG SƯ – KHỔNG TỬ

          Khổng Tử 孔子 (năm 551 – năm 479 trước công nguyên), tên Khâu , tự Trọng Ni 仲尼, người nước Lỗ thời Xuân Thu, người khởi sáng học phái Nho gia, tư tưởng gia và giáo dục gia vĩ đại. Khổng Tử đã biên soạn bộ sử thư Xuân Thu 春秋đầu tiên theo thể biên niên, tư tưởng ngôn hành của Khổng Tử chủ yếu được chép trong bộ văn tập theo thể tản văn ngữ lục là Luận ngữ 论语 Sử kí – Khổng Tử thế gia 史记 - 孔子世家.

MỘT ĐỜI TRUYỀN ĐẠO
          Khổng Tử sinh tại ấp Tưu nước Lỗ (nay là phía đông nam Khúc Phụ 曲阜  Sơn Đông 山东) trong một gia đình quy tộc đã sa sút, từ nhỏ đã sống rất gian khổ, từng làm qua công việc văn thư như “Uỷ lại” 委吏 (quản lí kho lẫm), “Thừa điền” 乘田 (quản việc chăn thả trâu dê). Tuy cuộc sống nghèo khổ, nhưng ông lúc 15 tuổi đã “chí vu học” 志于学, chưa đến 30 tuổi, danh tiếng đã rất cao, nhưng trước sau vẫn chưa được trọng dụng. Mãi đến lúc 51 tuổi, Khổng tử mới giữ chức Đại tư khấu 大司寇 của nước Lỗ (vị trưởng quan tư pháp), mới được thi triển hoài bão chính trị của mình. Dưới sự trị lí của Khổng Tử, nước Lỗ đã khởi sắc, Tề Cảnh Công 齐景公 cảm thấy bị uy hiếp, bèn chọn một nhóm ca nữ đưa sang nước Lỗ.
          Lỗ Định Công 鲁定公 có ca nữ, không quản gì đến chính sự quốc gia. Khổng Tử muốn khuyên can nhưng ông ta tránh Khổng Tử. Sự việc đó khiến Khổng Tử thất vọng. Thế là, Khổng Tử dẫn môn đệ rời nước Lỗ, chu du các nước, hi vọng có thể thực hành được chủ trương chính trị của mình. Năm đó, Khổng Tử đã 55 tuổi. Lúc bấy giờ, nước lớn bận việc tranh bá, nước nhỏ đối mặt với nguy cơ bị thôn tính. Chủ trương khôi phục chế độ lễ nhạc của nhà Chu mà Khổng Tử tuyên truyền không ai tiếp nhận.
         Có một lần, Khổng Tử tại khoảng nước Trần nước Thái, Sở Chiêu Vương phái người đến mời. Đại phu nước Trần nước Thái sợ Khổng Tử đến nước Sở sẽ bất lợi cho họ, nên phát binh chặn Khổng tử giữa đường. Khổng Tử bị vây ở nơi đó, đứt lương thực, mấy ngày liền không có cái ăn. Về sau, nước Sở phái binh đến mới giải vây được.
          Khổng Tử bôn ba các nước 7, 8 năm, chịu không ít cực khổ, tuổi cũng đã cao. Cuối cùng, Khổng Tử trở về lại nước Lỗ, đem hết tinh lực của mình dồn vào việc chỉnh lí điển tịch văn hoá cổ đại và giáo dục môn sinh. Năm 479 trước công nguyên, Khổng Tử qua đời.
          Một đời Khổng Tử tuy bất đắc chí, nhưng tư tưởng Nho gia mà ông kiến lập sau khi ông qua đời đã được các môn đệ phát dương quang đại, thậm chí ảnh hưởng Trung Quốc dài đến hơn hai ngàn năm.

“NHÂN” VÀ “ÁI NHÂN”
          Tư tưởng của Khổng Tử nếu dụng một chữ để khái quát, đó là chữ “nhân” . Trong Luận ngữ 论语 tổng cộng hơn 11.000 chữ, thì chữ “nhân” xuất hiện hơn 100 lần, bình quân cứ mười mấy chữ lại xuất hiện một chữ “nhân” , đủ thấy địa vị “nhân” trong hệ thống tư tưởng của Khổng Tử. Thế thì “nhân” là thế nào? Khổng Tử đã đưa ra đáp án rất đơn giản, chỉ có 2 chữ đó chính là “ái nhân” 爱人. Nhưng nếu tìm hiểu kĩ, hai chữ này không đơn giản chút nào.
          Khi Khổng Tử đảm nhiệm chức Tư khấu nước Lỗ, một lần nọ xong việc triều trở về nhà, nghe nói chuồng ngựa trong nhà bị cháy. Lúc bấy giờ Khổng Tử không hỏi ngựa có bị thiêu cháy hay không, cũng không hỏi tài sản trong nhà có bị tổn thất hay không, mà vội hỏi: “Thương nhân hồ” 伤人乎 (người có bị thương không?), điều mà Khổng Tử quan tâm chính là người coi chuồng ngựa.
          Đương thời, người coi chuồng ngựa hơn một nửa là nô lệ hoặc nông nô, địa vị cực thấp. Đối với giới thống trị, họ chẳng qua là công cụ biết nói mà thôi, căn bản chẳng được xem là con người. Riêng Khổng Tử quan cao vị hiển, tại sao lại quan tâm đến người coi ngựa có địa vị thấp hèn? Bởi vì việc đó phù hợp với chủ trương tư tưởng “nhân” và “ái nhân” của ông.
          “Ái nhân” mà Khổng Tử đề xướng khổng chỉ là yêu bản thân mình, những người bên cạnh mình, mà là tình yêu phổ biến xuất phát từ gia đình lan ra đến đến xã hội, quốc gia cho đến cả nhân loại, là loại tình yêu to lớn từ bên trong phổ biến ra bên ngoài tầng tầng lớp lớp.
          Phù nhân giả, kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân. (1)
          夫仁者, 己欲立而立人, 己欲达而达人
          (Phàm người có lòng nhân là bản thân mình muốn có thành tựu thì cũng phải giúp người khác có thành tựu; bản thân mình muốn thông đạt thì cũng phải giúp người khác thông đạt)
          Tư tưởng lấy “nhân” làm chính này đã thể hiện sự quan tâm của Khổng Tử đối với dân thường trong xã hội, và thực hiện sự quan tâm đến việc phát triển hài hoà cộng đồng giữa người với người đối với cả chỉnh thể xã hội. Tất cả những điều đó tạo nên địa vị của Khổng Tử xem Khổng Tử là tư tưởng gia vĩ đại nhất của Trung Quốc thậm chí của cả thế giới. Không chỉ như thế, đến hôm nay tuy đã trải qua mấy ngàn năm, nhưng tư tưởng “nhân giả ái nhân” 仁者爱人của Khổng Tử vẫn mang tính phổ quát và có giá trị vĩnh hằng.

“LỄ” XUẤT PHÁT TỪ NỘI TÂM
         Ngoài “nhân” ra, “lễ” cũng là một bộ phận tổ thành trọng yếu trong tư tưởng Khổng Tử, đồng thời cũng là một phạm trù đạo đức lớn trong lịch sử Trung Quốc. Như thế nào là “lễ”? Lễ là những quy phạm và chuẩn tắc về hành vi của con người, mục đích của lễ là để điều chỉnh mối quan hệ và nghĩa vụ quyền lợi giữa người với người.
          Lễ mà Khổng Tử truy cầu là lễ đẳng cấp phong kiến, nó yêu cầu hành vi và phương thức sinh hoạt của con người phù hợp với thân phận trong gia tộc của họ và địa vị chính trị xã hội, thân phận khác nhau sẽ có quy phạm hành vi khác nhau. Nếu phá hoại trật tự này chính là phi lễ. Đơn cử ví dụ, đương thời quy mô biểu diễn ca múa tương quan với đẳng cấp xã hội, chỉ có thiên tử mới có thể hưởng dụng biểu diễn ca múa 64 người (múa bát dật), nhưng Quý thị của nước Lỗ chỉ là khanh đại phu, lại dùng múa bát dật mà chỉ có thiên tử hưởng dụng. Sau khi Khổng Tử biết được, phẫn khái nói rằng:
Thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn giả (2)
是可忍也, 孰不可忍也?
(Việc đó nhẫn tâm làm được thì việc gì mà không nhẫn tâm làm được?)
          Đồng thời Khổng Tử cũng cường điệu, lễ phải xuất phát từ nội tâm, xuất phát từ nội tâm của mình cũng chính là nói, căn bản của “lễ” là phải dụng tâm, nếu không nó chỉ là cái giá để đỡ chậu hoa, chỉ là bề ngoài với hình thức. Khi Khổng Tử đảm nhiệm chức Đại tư khấu nước Lỗ, lúc bấy giờ có án kiện hai cha  con kiện nhau. Khổng Tử bắt cả hai cha con giam vào ngục, qua 3 tháng, đã không thẩm lí, cũng không phán quyết mà thả ra. Quý Hoàn Tử sau khi nghe được chuyện đó rất không vui lòng, nói rằng:
          - Chúng ta giết một đứa con bất hiếu để giáo dục bách tính phải tận hiếu với cha mẹ. như vậy chẳng phải là rất tốt sao? (3)
          Nhưng Khổng Tử lại cho rằng, sở dĩ bách tính không tận hiếu, nguyên do là bởi vì những người làm chính sự không giáo hoá họ. Khổng Tử chủ trương, người làm chính sự cần phải gợi mở lòng hiếu trong nội tâm của nhân dân, để họ tự phát tự nguyện tận hiếu đạo. Nếu dựa vào sự ước thúc hoặc chế tài của pháp luật, nhân dân tuy có hành vi hiếu dưỡng, nhưng không có ý cung kính, đó cũng là mất đi ý nghĩa của lễ. Có thể thấy, trong tư tưởng của Khổng Tử, sự chân thực trong nội tâm của cá nhân mới là sự biểu hiện chân thực nhất của lễ.
          Lễ của Khổng Tử tuy mang tính chất chế độ đẳng cấp phong kiến, nhưng trước sau Khổng Tử luôn ủng hộ mối quan hệ hài hoà giữa người với người, hơn nữa lễ mà ông cường điệu do tâm mà ra, cũng đáng để cho chúng ta hiện nay lấy đó làm gương.

Chú của người dịch
1- Câu này ở thiên Ung dã 雍也 trong Luận ngữ 论语.
2- Câu này ở thiên Bát dật 八佾 trong Luận ngữ 论语.
3- Trong Khổng Tử gia ngữ - Thuỷ tru 孔子家语 - 始诛 có chép:
          Khổng Tử vi Lỗ Đại tư khấu, hữu phụ tử tụng giả. Phu tử đồng bệ chấp chi, tam nguyệt bất biệt, kì phụ thỉnh chỉ, phu tử xá chi yên
          Quý Khổng văn chi bất duyệt, viết:
           - Tư khấu khi dư. Nẵng cáo dư viết: Quốc gia tất tiên dĩ hiếu, dư kim lục nhất bất hiếu dĩ giáo dân hiếu, bất diệc khả hồ? nhi hựu xá, hà tai?
          孔子为鲁大司寇, 有父子讼者. 夫子同狴执之, 三月不别, 其父请止, 夫子赦之焉.
季孔闻之不悦, :
- 司寇欺余. 曩告余曰: 国家必先以孝. 余今戮一不孝以教民孝, 不亦可乎? 而又赦, 何哉?
          (Lúc Khổng Tử giữ chức Đại tư khấu nước Lỗ, có hai cha con đưa nhau lên quan kiện. Khổng Tử giam cả hai vào ngục, qua 3 tháng cũng không phán quyết. Người cha xin được dừng, thế là Khổng Tử xá miễn cho cả hai.
          Quý Khổng nghe được chuyện đó không vui, nói rằng:
          - Đại tư khấu coi thường ta sao. Trước đó nói rằng: quốc gia trước tiên cần phải dùng hiếu đạo để trị lí quốc gia. Nay ta giết một người bất hiếu để dạy cho dân hiếu chẳng phải là tốt sao, mà lại thả nó ra, sao lại như thế?)
          (“Khổng Tử gia ngữ” 孔子家语, chủ biên: Vương Ứng Lân 王应麟. Trường Xuân . Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2003)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 17/12/2019

Nguyên tác Trung văn
NHO HỌC TÔNG SƯ – KHỔNG TỬ
儒学宗师孔子
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019
Previous Post Next Post