Dịch thuật: "Đam lạc chi tùng" và "tửu trì nhục lâm" đời Thương

“ĐAM LẠC CHI TÙNG” VÀ “TỦU TRÌ NHỤC LÂM” ĐỜI THƯƠNG

          Thương triều 商朝 hậu kì, cuộc sống của giai cấp địa chủ vô cùng xa xỉ hủ hoá, không chỉ ngày càng tăng sự bóc lột nghiêm trọng đối với quảng đại nô lệ và bình dân, mà về đối ngoại còn phát động chiến tranh liên miên. Đặc biệt là đến giai đoạn cuối của vương triều Thương, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc vô cùng gay gắt, khắp nơi là cảnh tượng:
Tiểu dân phương hưng, tương vi địch cừu.
小民方兴, 相为敌仇
(Tiểu dân nhất tề nổi dậy, kết thành cừu địch với ta)
                                                                (Thượng thư – Vi Tử 尚书 - 微子)
Như điều như đường
Như phí như canh
如蜩如螗
如沸如羹
(Bách tính kêu than như ve kêu
Như rơi vào nước sôi canh nóng)
                                                 (Thi kinh – Đại nhã – Đãng 诗经 - 大雅 - )
          Sau khi Bàn Canh 盘庚 dời đô, trải qua Tiểu Tân 小辛, Tiểu Ất 小乙, Vũ Đinh 武丁 kế thừa vương vị. Do bởi Thương vương Vũ Đinh “tu chính hành đức”修政行德, khiến vương triều Thương đã có sự phát triển rất lớn. Vũ Đinh sở dĩ làm được như thế, là bởi vì trước khi lên ngôi, ông đã từng:
Cựu lao vu ngoại, ái kí tiểu nhân
旧劳于外, 爱暨小人
(Nhiều năm sống cuộc sống lao khổ bên ngoài, nên có dịp tiếp xúc với cuộc sống của “tiểu dân”)
                                                               (Thượng thư – Vô dật 尚书 - 无逸)
Theo truyền thuyết,khi Vũ Đinh còn là thái tử, từng sống chốn dân gian, có nỗi cực khổ ngoài vương cung, đồng thời tiếp xúc với “tiểu dân” – tức tầng lớp nô lệ và bình dân. Do bởi Vũ Đinh biết tương đối nhiều về “giá sắc chi gian nan” 稼穑之艰难 (cấy cày gian khổ)  (Thượng thư – Vô dật 尚书 - 无逸) so với các Thương vương khác, cho nên sau khi lên ngôi, để làm dịu đi mẫu thuẫn giai cấp, củng cố sự thống trị của giai cấp chủ nô lệ, ông “bất cảm hoang ninh” 不敢荒宁 (không dám lười nhác chính sự, ham thích an nhàn), nhờ đó khiến “Ân đạo phục hưng” 殷道复兴.
          Sau khi Vũ Đinh qua đời, con là Tổ Canh 祖庚 kế thường vương vị. Tổ Canh qua đời, căn cứ theo nguyên tắc “huynh chung đệ cập” 兄终弟及  (anh mất  em sẽ kế vị) trong chế độ kế thừa, em trai là Tổ Giáp 祖甲 kế vị. Theo truyền thuyết, Tổ Giáp cũng từng ở dân gian, “cựu vi tiểu nhân” 旧为小人, cùng sống chung với nô lệ và bình dân, cho nên ông cũng tương đổi hiểu “tiểu nhân chi y” 小人之依 (nỗi thống khổ trong lòng nô lệ và bình dân) (Thượng thư – Vô dật 尚书  - 无逸). Chính nhân vì ông hiểu được đạo mưu sinh của “tiểu nhân”, cho nên sau khi lên làm quốc vương, mới có thể thu nạp những biện pháp tương đối sáng suốt.
          Nhưng trong xã hội nô lệ, những quốc vương có những việc làm giống như Vũ Đinh, Tổ Giáp rất là ít. Các quốc vương sau họ, “Sinh tắc dật. Sinh tắc dật. Bất tri giá sắc chi gian nan, bất văn tiểu nhân chi lao, duy đam lạc chi tùng” 生则逸. 生则逸. 不知稼穑之艰难,不闻小人之劳, 惟耽乐之从 (Kế vị là ham thích an nhàn. Kế vị là ham thích an nhàn. Không biết đến nỗi cực nhọc của việc cấy cày, không nghe được sự lao khổ của nô lệ và bình dân, chỉ biết đắm chìm hưởng lạc) (Thượng thư – Vô dật 尚书  - 无逸). Mấy vị Thương vương từ nhỏ đã quen được nuông chìu này, căn bản không biết đến nỗi vất vả của việc cấy cày và nỗi gian khổ của “tiểu nhân”, một khi đã bước lên được vương vị, liền mặc sức tiêu xài phung phí trên xương máu của dân, sống một cuộc sống “đăng hồng tửu lục, tuý sinh mộng tử” 灯红酒绿, 醉生梦死. Do bởi dâm dật quá độ khiến họ tại vị “hoặc thập niên, hoặc thất bát niên, hoặc ngũ lục niên, hoặc tứ tam niên” 或十年, 或七八年, 或五六年, 或四三年 (có người 10 năm; có người 7, 8 năm; có người 5, 6 năm; có người 3, 4 năm) (Thượng thư – Vô dật 尚书  - 无逸) đã “ô hô” trở thành quỷ đoản mệnh.
          Thương Trụ Vương Đế Tân 商纣王帝辛là vị vương cuối cùng của đời Thương. Theo sách xưa ghi chép, Thương Trụ Vương rất thông minh năng cán, không chỉ có kiến thức rộng mà khẩu tài cũng rất lanh lợi, hơn nữa lại có sức mạnh hơn người, có thể tay không đánh với mãnh thú. Truyền thuyết kể rằng, để thể hiện sức mạnh của mình, có một lần Trụ Vương nắm đuôi trâu kéo lại, kéo 9 con trâu lùi lại phía sau; lại có một lần dùng tay nâng cây rường lớn của cung điện để người khác thay cây trụ ở dưới rường một cách thong thả mà mặt không hề biến sắc. v.v... Thương Trụ Vương dựa vào thiên tư thông minh nhanh nhẹn của mình, coi thường đại thần dưới tay mình, che đậy lỗi lầm, tự làm theo ý riêng, cự tuyệt không ít những lời can gián trung trực có lợi cho việc trị quốc an dân của các đại thần đề xuất.
          Sự bóc lột quảng đại nô lệ và bình dân của Thương Trụ Vương so với các Thương Vương đời trước càng lợi hại hơn. Trụ Vương cho xây Lộc đài 鹿台 chu vi 3 dặm cao hơn ngàn xích, “lấy nặng phú thuế để có tiền xây Lộc đài”, thông qua biện pháp tăng thuế, thu gom tiền của, cung cấp đầy đủ cho Lộc đài. Lại cho xây một cái kho tên “Cự Kiều” 钜桥, chứa đầy lương thực thu gom từ các nơi về. Trụ Vương còn cho chuyển về đô thành các loại chó ngựa kì lạ trong thiên hạ, nuôi đầy trong cung thất. Đồng thời, Trụ Vương đặc biệt sủng ái phi tử tên Đát Kỉ 妲己, mọi việc luôn ngheo theo Đát Kỉ. Đối với cung điện hùng vĩ tráng lệ của Thương đô, Trụ Vương cảm thấy còn quê mùa, nên đã cho xây nhiều li cung biệt quán rộng lớn trong phạm vi phía nam đến Triều Ca 朝歌, phía bắc đến Sa Khâu 沙丘, Hàm Đan 邯郸, trong ngự uyển nuôi rất nhiều trân cầm dị thú, đồng thời trong li cung biệt quán ở Sa Khâu cho lập “tửu trì nhục lâm” 酒池肉林 (ao rượu rừng thịt).
          Để thoả mãn dục vọng không bao giờ dừng của Thương Trụ Vương,vương triều Thương tiến thêm một bước tăng cường áp bức nhân dân lao động. Giai cấp chủ nô cùng quảng đại nô lệ và bình dân ở vào thế đối lập gay gắt.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 21/10/2019

Nguồn
TÂY CHU SỬ THOẠI
西周史话
Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信
Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post