Dịch thuật: Tì bà biệt bão

TÌ BÀ BIỆT BÃO

          “Tì bà biệt bão” 琵琶 mới nhìn qua dường như ví phụ nữ cải giá hoặc tái hôn. Không ít từ điển quy nguồn gốc cụm này là từ bài Tì bà hành 琵琶行 của Bạch Cư Dị 白居易:
Thiên hô vạn hoán thuỷ xuất lai
Do bão tì bà bán già diện
千呼万唤始出来
犹抱琵琶半遮面
 (Mời gọi mãi mới bắt đầu xuất hiện
Tay hãy còn ôm đàn tì bà che khuất nửa mặt)

Môn tiền lãnh lạc xa mã hi
Lão đại giá tác thương nhân phụ
门前冷落车马稀
老大嫁作商人妇
(Trước cửa đìu hiu ngựa xe dần ít đi
Tuổi xuân đã qua nên phải gả làm vợ cho một thương nhân)
          Nhưng Bạch Cư Dị không hề cho thấy việc tì bà nữ cải giá, và câu “Do bão tì bà bán già diện” cũng không có nội hàm “biệt bão” 别抱 (ôm đàn sang thuyền khác) trong đó. Thế thì, nguồn gốc của cụm “tì bà biệt bão” rốt cuộc là từ đâu?
          Hoá ra, ví phụ nữ cải giá hoặc tái hôn không hề là nguyên ý của của cụm “tì bà biệt bão”. Nguyên ý của cụm “tì bà biệt bão” vô cùng khắc bạc, là lời mỉa mai căm giận hạng người thay đổi khí tiết.
          Trong Ẩn cư thông nghị 隐居通议 của Lưu Huân 刘埙 có thu thập một bài thơ của Long Nhân Phu 龙仁夫. Long Nhân Phu hiệu là Lân Châu 麟洲, một danh nho giai đoạn lúc nhà Tống chuyển sang nhà Nguyên. Đề mục của bài thơ là “Đề Tì Bà đình” 题琵琶亭:
Lão đại nga mi phụ sở thiên
Thượng lưu dư vận nhập ai huyền
Giang tâm chính hảo khan minh nguyệt
Khước bão tì bà quá biệt thuyền
老大蛾眉负所天
尚留余韵入哀弦
江心正好看明月
却抱琵琶过别船
(Nàng “nga mi” mất đi người chồng mà mình nương tựa
Dư âm ai oán còn lưu lại đã nhập vào dây đàn
Dòng sông đương lúc trăng rọi sáng
Nàng “nga mi” lại ôm đàn bước sang thuyền khác tiếp tục đàn)
          “Sở thiên” 所天 là người mà mình nương tựa, ở đây chỉ người chồng, ý của bài thơ rất rõ, nói nàng “nga mi” đánh đàn tì bà đã mất đi người chồng, tiếng đàn tì bà dư âm ai oán, Trên dòng sông trăng đang sáng, nàng “nga mi” lại ôm đàn bước sang thuyền khác tiếp tục đàn.
          Bài thơ này, bề ngoài là châm biếm tì bà nữ trong phút chốc đã quên đi người chồng, nhưng kì thực là từ một câu chuyện gốc. Trong Ẩn cư thông nghị có thuật:
          Chư Lữ gia vu Giang Châu, sĩ Tống luỹ triều, cùng phú cực quý. Cập bắc binh chí, tự Văn Hoán nhi hạ, tương suất nạp khoản, vô nhất nhân kháng tiết báo quốc.
          诸吕家于江州, 士宋累朝, 穷富极贵. 及北兵至, 自文焕而下, 相率纳款, 无一人抗节报国.
     (Gia tộc họ Lữ ở Giang Châu, làm quan trải mấy triều nhà Tống, cực kì phú quý. Khi binh phương bắc đến, từ Văn Hoán trở xuống dẫn nhau đến quy thuận hàng phục, không có người nào kiên thủ tiết tháo báo quốc)
          “Chư Lữ” 诸吕 chỉ gia tộc của Đại tướng Nam Tống Lữ Văn Hoán. Tống Nguyên giao chiến, Lữ văn Hoán trấn thủ Tương Dương 襄阳, cầm cự được 5 năm thì binh tận lương tuyệt. Lữ Văn Hoán hàng nhà Nguyên, nhậm chức quan cao của triều Nguyên. Sau khi nhà Tống mất, có một lần Long Nhân Phu theo người khác yết kiến Lữ Văn Hoán, trong lúc ngà say, mệnh cho làm thơ, Long Nhân Phu cảm khái gia tộc họ Lữ “vô nhất nhân kháng tiết báo quốc” (không có người nào kiên thủ tiết tháo báo quốc), nhân đó mới làm bài thơ này. Lữ Văn Hoán “nạp hối thỉnh cải phú, kí nhi hiếu sự giả lưu truyền” 纳贿请改赋,   而好事者流传 (hối lộ xin sửa bài thơ, bài thơ đã bị kẻ hiếu sự lưu truyền). Còn có một thuyết khác, có người đem bài thơ của Long Nhân Phu viết lên Tì Bà đình, Lữ Văn Hoán “kiến chi huy lệ” 见之挥泪 (nhìn thấy mà gạt nước mắt), lòng cũng xúc động hổ thẹn.
          Trong sách cổ, chúng ta thường thấy từ “tái tiếu” 再醮 hình dung phụ nữ cải giá. “Tiếu” có chữ bên cạnh, thế thì nhất định có liên quan tới rượu. Nguyên do là, “tiếu” là một nghi thức trong quán lễ 冠礼, hôn lễ 婚礼cổ đại. Bậc tôn quý rót rượu cho người nhỏ hơn, sau khi uống cạn, không cần phải rót kính lại. Trịnh Huyền 郑玄 giải thích rằng:
Chước nhi vô thù tạc viết tiếu
酌而无酬酢曰醮
(Rót rượu mà không phải thù tạc gọi là tiếu)
          Chủ nhân rót rượu mời khách gọi là “thù” , khách rót mời lại gọi là “tạc” . “Chước nhi vô thù tạc” 酌而无酬酢, đương nhiên là khách tiếp nhận rượu sau đó không cần  rót mời lại. Cụ thể trong hôn lễ, như trong Lễ nghi – Hôn nghi 礼仪 - 婚仪có chép:
Phụ thân tiếu tử, nhi mệnh chi nghinh
父亲醮子, 而命之迎
Tức phụ thân rót rượu cho con, người con uống cạn sau đó sẽ đến nhà gái nghinh thân.
          Lúc ban đầu, nam tử thú thê và phụ nữ xuất giá đều có thể xưng là “tiếu” , thế thì nam tử tái thú và nữ tử tái giá cũng đều có thể gọi là “tái tiếu” 再醮. Trong Khổng Tử gia ngữ - Bản mệnh giải 孔子家语 - 本命解, khi Khổng Tử luận về “tam tùng” của nữ nói rằng:
          Ấu tùng phụ huynh, kí giá tùng phu, phu tử tùng tử, ngôn vô tái tiếu chi đoan.
          幼从父兄, 既嫁从夫, 夫死从子, 言无再醮之端
          (Lúc nhỏ theo cha anh, khi đã lấy chồng thì theo chồng, chồng mất thì theo con, câu đó chính là lí do mà họ không tái giá).
          Nho gia học giả Vương Túc 王肃 nước Nguỵ thời Tam Quốc khi chú đã giải thích rằng:
Thuỷ giá ngôn tiếu lễ, vô tái tiếu chi đoan, thống ngôn bất cải sự nhân dã.
始嫁言醮礼, 无再醮之端, 统言不改事人也
(Lúc ban đầu cưới chồng gọi là “tiếu lễ”, không có lí do “tái tiếu”, nói chung chỉ người không thay đổi sự việc)
          Đó là ghi chép sớm nhất dùng “tái tiếu” để hình dung phụ nữ cải giá. Sau thời Nguyên, Minh, “tái tiếu” không còn kiêm chỉ nam nữ nữa mà chỉ chuyên chỉ cho phụ nữ cải giá.

Phụ lục của người dịch
Tì bà biệt bão: Vị phụ nhân tái tiếu dã. Dư Hoài thi:
Hưu bão tì bà quá biệt thuyền
Án: Bạch Cư Dị Tì bà hành hữu:
Môn tiền linh lạc xa mã hi
Lão đại giá tác thương nhân phụ
Cập:
Thiên hô vạn hoán thuỷ xuất lai
Do bão tì bà bán già diện
chi cú. Ngữ nghĩa cái bản thử.
琵琶別抱: 謂婦人再醮也. 余懷詩:
休抱琵琶過別船
: 白居易琵琶行
門前冷落車馬稀
老大嫁作商人婦
千呼萬唤始出来
猶抱琵琶半遮面
之句. 語義蓋本此

(Tì bà biệt bão: ý nói phụ nữ tái giá. Dư Hoài có thơ rằng:
Chớ ôm đàn tì bà bước sang thuyền khác
Xét: Trong bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị có câu:
 Trước cửa đìu hiu ngựa xe dần ít đi
Tuổi xuân đã qua nên phải gả làm vợ cho một thương nhân
Và:
Mời gọi mãi mới bắt đầu xuất hiện
Tay hãy còn ôm đàn tì bà che khuất nửa mặt
Ngữ nghĩa gốc ở bài thơ này.
( “Từ hải”. Trung Hoa thư cục, tái bản tháng 10, năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 37, trang 897)
                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 20/10/2019

Nguồn

Previous Post Next Post